Dịch Vụ Cung Cấp Lao Động Nông Nghiệp Đắt Hàng

Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.
Từ thực tế đó, nhiều tổ, nhóm lao động được hình thành ở nông thôn, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ lao động trọn gói.
* Thiếu lao động nông nghiệp
Ông Trần Đức Hùng, nông dân trồng mía ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho biết: “Người trồng mía lo lắng nhất là vào vụ thu hoạch, cần tìm đến cả trăm lao động làm việc tập trung trong một thời gian ngắn. Huy động được một lượng lớn nhân công ở một địa phương mà các khu công nghiệp đang hút hết lao động là điều không dễ dàng.
Tình trạng chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi nhờ người tìm lao động từ nơi khác đến, thậm chí “vơ bèo, vạt tép”, chấp nhận cả những lao động không có tay nghề, không đủ sức khỏe vào làm đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện”.
Anh Ngô Phước Hải, nông dân trồng tiêu tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), cho hay: “Giờ người trẻ đều đi làm công nhân, làm nông chủ yếu là lao động lớn tuổi. Đặc thù của lao động nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ chứ không có việc làm ổn định quanh năm, nên dù tiền công trả gần 200 ngàn đồng/ngày nhưng không phải lúc nào chúng tôi cần đều tìm được”.
Nắm bắt được nhu cầu này, tại một số nơi, dịch vụ cung cấp máy móc và dịch vụ lao động nông nghiệp đang manh nha hình thành. Theo anh Trần Thanh Bình, chủ lò sấy lúa tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu): “Từ thực tế ngày càng khan hiếm lao động nông nghiệp tại địa phương, tôi quyết định mua máy gặt đập liên hợp về gặt lúa cho bà con.
Từ nhu cầu thị trường, tôi mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, liên kết với một tổ lao động chuyên về bốc vác và nhận cung cấp dịch vụ lao động nông nghiệp trọn gói cho bà con. Giờ nông dân chỉ cần gọi điện thuê dịch vụ và chờ có sản phẩm lúa khô được cất vào kho”.
* Làm dịch vụ chuyên nghiệp
Anh Nguyễn Hữu Có, cán bộ nông nghiệp của huyện Nhơn Trạch, nhận xét dịch vụ cung cấp lao động nông nghiệp ngày càng chuyên nghiệp. Họ không làm việc đơn lẻ mà hình thành các đội, nhóm, như: đội chuyên chặt mía, chuyên nhổ mì, chuyên làm lúa...
Những đội này có thể là người dân tại địa phương tập trung lại hoặc nhóm đồng hương từ nơi khác đến. Nhờ tổ chức thành nhóm, làm việc chuyên nghiệp nên họ có việc làm ổn định quanh năm vì nông dân tin tưởng thuê dịch vụ này ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Tấn Phước, nông dân trồng bưởi tại xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Trong tay tôi luôn có số điện thoại của vài nhóm lao động chuyên nghiệp, khi cần có thể tập hợp được hàng chục lao động làm việc cùng lúc. Làm cỏ, bỏ phân, thêm đất cho gốc bưởi thì gọi nhóm nào cũng được, riêng các công đoạn cắt cành, tỉa lá thì tôi thường gọi đội chuyên chăm sóc vườn bưởi từ Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) qua. Tôi sẵn sàng trả công cao hơn vì những nhóm lao động này rất thạo nghề, mình hoàn toàn yên tâm giao vườn cho họ chứ không phải theo sát như trước đây”.
Ông Lương Văn Nghĩa, đại diện nhóm lao động tại xã Tân Bình, chia sẻ nhóm này hình thành được 10 năm nay, chủ yếu là anh em trong xóm tập trung lại. Mọi người đều có vườn bưởi nên rất rành công việc làm vườn. Trong nhóm cũng chia ra từng lĩnh vực, người rành về lắp hệ thống tưới tự động, người thạo cắt cành, tỉa lá… “Ai kêu gì chúng tôi cũng làm, từ đào mương, làm cỏ đến trồng cây... Nhu cầu thuê lao động giờ rất lớn nên nhóm có việc làm ổn định quanh năm, địa bàn làm việc không chỉ thu hẹp tại địa phương mà mở rộng ra các xã, phường ở TP.Biên Hòa” - ông Nghĩa nói.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201411/dich-vu-cung-cap-lao-dong-nong-nghiep-dat-hang-2352083/
Có thể bạn quan tâm

Ngày 8-12, lô hàng nhãn tươi đầu tiên của Công ty Ánh Dương Sao (TP.HCM) sẽ được xử lý chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không. Tiếp theo công ty này, 3-4 doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị đưa nhãn VN vào Mỹ bằng cả đường hàng không và đường biển.

Sản phẩm từ cơ sở sản xuất này nổi tiếng thơm ngon nhưng trước sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm được sản xuất công nghiệp, các sản phẩm ở làng nghề truyền thống nói chung và cơ sở sản xuất Tư Tài nói riêng đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhất là về mẫu mã và giá cả.

TTXVN dẫn lời Trợ lý Tổng thống về an ninh lương thực Francis Pangilinan nói về việc gia tăng nhập khẩu gạo là do tỷ lệ rút gạo từ các kho của chính phủ tăng cao cho biết 400.000 tấn gạo sẽ được dùng làm "hàng đệm" và để ngăn chặn khả năng giá gạo tăng.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì vụ hè thu năm nay, địa phương chỉ có kế hoạch trồng 2.200 ha sắn, nhưng thực tế đến nay diện tích sắn tăng lên đến 3.788 ha. Diện tích sắn tăng nhanh cũng đồng nghĩa với tình trạng lấn chiếm, phá rừng diễn biến phức tạp.

Năm 2014, lần đầu tiên hồ tiêu gia nhập “câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD” của Việt Nam. Niềm vui không phải chờ đến cuối năm. Mới hết tháng 10/2014, kim ngạch xuất khẩu tiêu đã tới 1,1 tỷ USD. Cùng với gạo, cà phê, hạt điều, tiêu Việt Nam thuộc nhóm các mặt hàng có vị thế cao trên thị trường thế giới.