Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Diễn Biến Phức Tạp

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh QuảngTrị, tính đến thời điểm này dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra ở 14 xã, phường, thị trấn.
Bao gồm: Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Phước (huyện Triệu Phong); Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng); Trung Hải, Trung Giang, TT. Cửa Việt (huyện Gio Linh) và Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thái, Vĩnh Thành, Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh).
Với tổng diện tích bị bệnh là 78,23 ha, gây chết trên cả 2 đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, chủ yếu gây chết ở tôm sau khi thả nuôi từ 15 - 50 ngày, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Nguyên nhân là do con giống thả nuôi có nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo chất lượng cộng với việc cải tạo ao nuôi chưa đúng quy trình, các hộ nuôi tôm thả quá gần nhau cùng với sự biến động thời tiết thất thường nên dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y đã cấp hơn 20 tấn Chloril A để hỗ trợ các địa phương xử lý 61,47 ha diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh, trong đó có 16,45 ha được xác định do Hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp tính, 34,87 ha bị bệnh Đốm Trắng, 10,15 ha bị bệnh Đầu vàng; số diện tích còn lại do người dân không báo dịch mà tự xử lý nên không xác định được nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Chi cục đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm phòng chống dịch bệnh như: xử lý nguồn nước tại ao nuôi và nước thải từ ao nuôi ra ngoài đúng quy trình; con giống thả nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, đạt chất lượng; không vận chuyển tôm ra vào vùng có dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân dịch bệnh trên tôm nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Mấy ngày qua, nhiều ngư dân ở khu vực ven biển Bạc Liêu (từ phường Nhà Mát TP. Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào - huyện Đông Hải) trúng đậm con ruốc.

Chúng tôi về Tân Lộc Đông - xã nuôi tôm sú đầu tiên của vùng ngọt hóa huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Tới địa bàn ấp 4 rồi qua ấp 6, tiếng máy dầu ình ịch vang đều khắp xóm. Lê Văn Hồng - cán bộ xã đi cùng nói, đó là động cơ sử dụng nhiên liệu để hộ nuôi công nghiệp chạy quạt nước tạo ô xy cho đầm tôm. Nhiều hộ bỗng giàu lên cũng nhờ nuôi thứ ấy.

Chỉ sau 2 năm nuôi hàng chục loại cá như cá song chấm, song hoa, hồng đỏ, cá giò, cá thác, hồng mỹ… cho hiệu quả kinh tế cao, ông đã tích luỹ được vốn liếng kha khá để rồi đầu tư tiếp 20 cây vàng đóng thêm nhà bè mới, nâng tổng số diện tích nuôi trồng lên 24 ô lồng toàn bằng gỗ táu có thể chịu được gió bão cấp 11, cấp 12. Hiện gia đình có 30 ô lồng nuôi cá.

Theo Sở NN-PTNT, hai tháng đầu năm nay, hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định có chuyển biến tích cực với sản lượng khai thác trong hai tháng đạt 16.060 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt 1.240 tấn, tăng 45,9% so với cùng kỳ.

Cá ngừ đại dương được thương lái và các doanh nghiệp thu mua ngay tại cảng với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, cá loại 1 giảm từ 5 - 10% so với trước Tết, mỗi tàu thu về từ 150 triệu đến gần 400 triệu đồng. Với giá cá như hiện nay, giá dầu giảm, hầu hết các tàu đều có lãi hoặc hòa vốn.