Địa Chỉ Tin Cậy Của Người Nuôi Thủy Sản
Những năm qua, Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, sản xuất, ươm nuôi các loại cá giống từ truyền thống đến đặc sản, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật… phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi thủy sản của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Trại phó Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ cho biết: “Là một trong hai trại chuyên sản xuất các loại cá giống trên địa bàn tỉnh, chúng tôi luôn phục vụ tốt nhu cầu nuôi trồng thủy sản cho nhân dân các huyện, thị phía tây. Hiện nay, trên thị trường có nhiều đại lý lấy cá giống dưới xuôi lên bán nên những năm qua, đội ngũ kỹ sư của trại không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, lai tạo các loại giống tốt, có hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản trong dân”.
Từ khi thành lập đến nay, trại có hàng loạt đề tài nghiên cứu sinh sản các loại thủy sản đặc sản được triển khai và đem lại hiệu quả như: nuôi ba ba gai sinh sản, nuôi cá anh vũ sinh sản, sản xuất giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính, rô đơn tính lưu qua vụ đông và mô hình cá ruộng, nuôi cá trắm đen thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp và ốc...
Mỗi năm, đơn vị đều có 1 - 2 đề tài nghiên cứu khoa học được UBND tỉnh Yên Bái, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao. Thành công của những đề tài này đã góp phần không nhỏ trong việc sản xuất các loại con giống chất lượng, phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản của nhân dân. Bình quân, mỗi năm, đơn vị sản xuất gần 50 triệu con cá bột, 15 - 20 triệu con cá hương, 3 - 5 triệu con cá giống, bổ sung 5 - 6 tấn cá giống vào các hồ trên địa bàn tỉnh.
Riêng 9 tháng của năm nay, Trại đã sản xuất được 32 triệu con cá bột các loại, 10,25 triệu con cá hương các loại, 284 vạn con cá giống cấp 1, 26.000 con cá giống cấp 2. Hiện nay, đơn vị có 50 vạn con cá hương giống các loại được ương nuôi chăm sóc để phục vụ nuôi cá phong trào trong những tháng cuối năm. Khuyến khích phong trào nuôi cá phát triển, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với các xã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nhân dân.
Là đơn vị sự nghiệp có thu, đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh, để duy trì hoạt động công tác tiếp thị, quảng bá và giữ uy tín đối với người nông dân được Trại đặc biệt chú trọng. Để giúp người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, ngoài cung cấp con giống, đơn vị còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho từng loại cá khi người dân đến mua nên tỷ lệ giống thất thoát tương đối thấp, mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nuôi thủy sản. Do đó, người dân tìm đến mua cá giống ngày một tăng.
Ông La Văn Dâm, thôn Cò Cọi, xã Sơn A là một trong những khách hàng thường xuyên của Trại cho biết: “Trước đây, nhà tôi cũng nuôi cá nhưng không thấy lớn do tôi thả mật độ cao. Đến đây mua cá, tôi được cán bộ chỉ dẫn cách nuôi, mật độ nuôi nên cá lớn rất nhanh. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi đến đây từ mua cá giống 2 lần”.
Ông Hà Văn Chương, xã Sơn Thịnh có gần 3.000m2 ruộng thường xuyên đến đây mua cá chép giống về thả. Ông Chương cho biết: “Từ nhà vào đây có rất nhiều đại lý bán cá giống nhưng tôi vẫn đến tận đây mua vì chất lượng con giống rất đảm bảo, tỷ lệ sống gần như đạt 100%, nuôi mau lớn lại không bị bệnh tật. Mỗi khi đến lấy giống, tôi còn được cán bộ, kỹ sư của Trại tư vấn cách nuôi xen các loại cá trong ao, ruộng… hiệu quả và phòng bệnh tốt nhất”.
Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thêm: “Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh mở rộng thị trường, liên hệ với các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn khi người dân mua con giống sẽ được hỗ trợ công vận chuyển. Trại cũng tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cách phòng chống dịch bệnh cho cá… khi người dân đến mua”.
Chất lượng con giống đảm bảo, cho hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ luôn là địa chỉ tin cậy không những của người chăn nuôi thủy sản khu vực miền tây mà người dân huyện Văn Yên, huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng đến đây mua. Trại giống đã góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi thủy sản phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm
heo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thuộc Sở NN&PTNT, sau 5 năm thực hiện (2011-2015), toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực với tổng số vốn 3.635 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Những năm gần đây, mô hình nuôi bò vỗ béo ở huyện Vân Canh phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Văn Chung, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016, Hoài Nhơn có kế hoạch xây dựng 60 cánh đồng lớn (CĐL).
Giảm công lao động, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập, tiêu thụ dễ dàng là những ưu điểm của phương thức sản xuất muối trải bạt được diêm dân trong tỉnh ứng dụng gần đây.
Không chỉ sản phẩm từ các thương hiệu lớn của Nhật và các nước châu Âu vốn đã khẳng định vị thế, mà các tên tuổi đến từ các nước ASEAN cũng đang “đổ bộ” mạnh mẽ vào thị trường Việt.