Mùa xuống giống, nông dân lại lo gặp phân bón giả
Tuy nhiên, đây cũng là mùa khởi đầu của nỗi lo khi nhiều năm qua, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang hoành hành khắp các vùng nông thôn.
Như thường lệ, vào đầu mùa mưa, ông Bùi Quyền, ở thôn 2, xã Ea B’hôk, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc lại chuẩn bị cho việc mua phân, bón cho 4 sào cà phê. Ông Quyền cho biết, mùa mưa năm ngoái, ông bỏ ra hơn 4 triệu đồng để mua phân bón nhưng chẳng may mua phải phân bón giả; hết mùa, đám phân rắc vẫn không tan, không thấm. Thiệt hại không chỉ là 4 triệu đồng tiền mua phân mà ảnh hưởng đến năng suất vườn cây cả vụ. Năm nay, trước khi mua phân bón, ông Quyền cẩn trọng hơn trong việc chọn lựa nhưng nông dân chẳng thể kiểm tra được.
Cũng mua phân ở đại lý chỉ bằng niềm tin và không có cách nào kiểm tra chất lượng, ông Nguyễn Quang Nga, ở thôn 8, xã Ea Bhôk, huyện Chư Quynh chỉ phát hiện ra đó là phân bón giả khi toàn bộ 1 ha cà phê cuả gia đình có biểu hiện suy dinh dưỡng và sụt giảm năng suất nghiêm trọng trong vụ thu hoạch vừa rồi.
Ông Nga cho biết, gia đình nào cũng như thế. Theo tập tục, bà con tranh thủ làm cỏ, rồi tận dụng trời mưa để đổ phân. Khi mua phân, ra đại lý gần nhất để mua, niềm tin chỉ đơn giản là sự quen biết chứ không ai có kỹ năng gì để phân biệt được đó là phân giả hay phân thật, nhưng khi đổ ra giữa vườn sau mấy tháng sau thấy vẫn không tan.
Lo lắng là tâm trạng chung của nhiều nông dân khi lựa chọn mua phân bón cho vườn cây trong mùa mưa này bởi lẽ tình trạng kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã và đang tồn tại, trong khi người dân không hề được trang bị kỹ năng phân biệt.
Toàn tỉnh Đắc Lắc hiện có cả nghìn cửa hàng, đại lý, hộ kinh doanh phân bón; trong đó có khoảng 250 đại lý kinh doanh quy mô lớn, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, nhiều chủ đại lý đã cố tình vi phạm các quy định, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Dù ngành chức năng tỉnh Đắc Lắc đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra nhưng vẫn chưa kiểm soát hết được tình trạng này. Tính riêng trong năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắc đã tiến hành kiểm tra 85 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; qua đó, phát hiện hàng chục cơ sở kinh doanh phân bón quá hạn sử dụng, phân bón không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, biện pháp xử lý vẫn chỉ dừng ở mức tịch thu, xử phạt hành chính nên hành vi kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tiếp diễn.
Với những kiến nghị của nhiều cử tri về xử lý tình trạng kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho rằng: để có thể quản lý tốt vấn đề chất lượng phân bón nói riêng và vật tư nông nghiệp nói chung, cần có sự chung tay của các ngành liên quan.
Việc ngăn chặn nạn phân bón kém chất lượng, phân bón giả lâu nay vẫn là bài toán khó ở các địa phương. Để bảo vệ vườn cây của mình, người tiêu dùng khi chọn mua phân bón nên chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, thông số ghi trên bao bì và tốt nhất nên chọn mua những sản phẩm đã có uy tín lâu năm trên thị trường để tránh thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm
Cuối năm nay, Lý Sơn cũng sẽ có điện lưới quốc gia được thực hiện xuyên biển bằng cáp ngầm. Đây đều là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy huyện đảo vốn giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng.
Ở thời điểm mà những ruộng lúa Xuân muộn vẫn còn đứng cái, hứng chịu cái nắng gắt gỏng chờ ngày trổ bông và đứng trước nguy cơ bị rầy nâu tấn công, phá hoại thì chỉ hơn chục ngày nữa thôi, người dân Nà Pâu, xã Lạc Nông (Bắc Mê) sẽ ăn mừng lúa mới. Một sự “đột phá” về chuyển đổi mùa vụ đang mang lại hiệu quả rõ nét nơi đây.
Để phát triển và nhân rộng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển.
Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang có trên 500 ha mãng cầu xiêm, tập trung tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh…Sau một thời gian giá tăng cao, nay giá đã giảm mạnh.
Những năm qua, chính quyền xã Nâm Nung (Krông Nô) đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ nhiều dự án, chương trình để xây dựng giao thông nông thôn, điện thắp sáng, hội trường…, từng bước góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, cũng như đưa bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc.