Đến Với Người Trồng Lúa Đang Khốn Khó

Đoàn công tác của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) phối hợp với công ty thành viên của mình ở Tây Nam Bộ vừa kết thúc hành trình 1 tuần lễ tặng phân bón cho nông dân nghèo trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL.
Chuyến đi này được nhiều hộ nông dân nghèo chào đón không chỉ vì PVFCCo đã mang đến cho họ những sản phẩm phân bón chất lượng cao giữa lúc khó khăn, mà gắn liền đó là các buổi tập huấn sử dụng phân bón với nhiều kiến thức hữu ích. Điều này đã giúp rất nhiều hộ trồng lúa ĐBSCL đang khốn khó yên tâm trở lại sản xuất vụ thu đông 2013
Một nắm khi đói…
Gia đình chị Danh Thị Ngọc Hương (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) trong vụ lúa hè thu vừa qua chỉ thu hoạch được 7 bao lúa tươi (khoảng 350kg) trên 3 công đất (3.000m2) gia đình thuê mướn. Với số lúa này, gia đình chị chỉ thu nhập được chưa tới 1,5 triệu đồng. Hoang mang, lo lắng bởi thời gian chuẩn bị cho vụ thu đông đang tới gần mà chị Hương không biết vay mượn tiền ở đâu để mua phân bón chăm sóc 3 công ruộng của mình.
Chị Ngọc Hương nhẩm tính: “Vụ mùa nào gia đình tôi cũng phải bỏ ra không dưới 500.000 đồng để mua phân bón. Đối với nông dân nghèo như chúng tôi, số tiền ấy không nhỏ. Hơn nữa đâu phải lúc nào trong nhà cũng sẵn tiền để đến kỳ là mua phân. Và thời kỳ tăng trưởng của lúa đâu có đợi chúng tôi. Thế nên, việc PVFCCo trao tặng 50kg phân bón vào thời điểm này đã giúp chúng tôi yên tâm hơn để sẵn sàng cho vụ mùa tiếp theo”.
Niềm vui của chị Ngọc Hương cũng là niềm vui của 260 hộ nghèo trên địa bàn xã Giục Tượng (Kiên Giang) được hưởng lợi từ Chương trình “Tặng phân bón cho bà con nông dân nghèo” do PVFCCo phối hợp cùng UBND xã, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức.
Bà Trần Thị Thiền (67 tuổi, ấp Tân Phước, xã Giục Tượng) cười móm mém: “Nhà tui chỉ có 2 công đất. Mấy ngày nay tui chạy ngược chạy xuôi đến nhà mấy đứa con để vay tiền chuẩn bị cho vụ thu đông nhưng mấy đứa con cũng khó khăn nên cũng chỉ lo cho được tiền sạ, tiền giống… Tui đang lo chẳng biết vay mượn đâu ra tiền để mua phân bón thì nghe xã thông báo có công ty gì đó ở trên Sài Gòn xuống tặng phân đạm, DAP. Mừng hết lớn, hai vợ chồng già nhà tui hồi hộp mấy ngày nay”.
Trao kiến thức để nông dân thoát nghèo
Ông Nguyễn Văn Ích - Phó Chủ tịch UBND xã Giục Tượng cho hay: “Nghe thông báo có hỗ trợ phân bón cho bà con nông dân nghèo, người dân ở đây đua nhau đăng ký, nhưng chúng tôi chỉ xét tặng cho những hộ có sổ nghèo vì họ mới thực sự là người cần được hỗ trợ trong thời điểm giá lúa thấp như hiện nay”.
Chương trình "Tặng phân bón cho bà con nông dân nghèo" do PVFCCo tổ chức nhằm giúp mỗi hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại 8 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang được triển khai trong tháng 7 và 8 năm 2013.
Theo chương trình tặng phân bón này, mỗi hộ nông dân khó khăn được nhận một phần quà gồm một bao 25kg phân đạm Phú Mỹ và một bao 25kg phân NPK Phú Mỹ hoặc DAP. Lượng phân này đủ để bón một lượt cho 2,5 công ruộng (2.500m2) - diện tích canh tác trung bình của đa số hộ nông dân nghèo ở ĐBSCL. Với phần hỗ trợ này, bà con nông dân nghèo ở các tỉnh sẽ giảm bớt được một nửa gánh nặng chi phí phân bón cho vụ lúa thu đông 2013.
Cũng theo ông Ích: “Giục Tượng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Châu Thành với địa hình kênh rạch chằng chịt. Toàn xã có 209 hộ nghèo và 167 hộ cận nghèo nên đời sống cực kỳ khó khăn. Thế nên, với giá lúa thời gian vừa qua, đa số các hộ trồng lúa vụ hè thu đều bị lỗ vốn vì mỗi hộ thu nhập chỉ từ 1,5 - 3 triệu đồng, trong khi đó giá thành phân bón, thuốc trừ sâu, giống lúa… có khi còn vượt cả mức thu nhập sau vụ mùa”.
Ông Ích cho rằng chương trình hỗ trợ phân bón này của PVFCCo càng thiết thực hơn với bà con nông dân nghèo bởi nó gắn liền với tập huấn, trao đổi kiến thức sử dụng phân bón.
Ông nói: “Bà con nghèo thường lại không có cơ hội để học hỏi, tiếp cận kiến thức. Chính vì vậy việc tập huấn kỹ thuật sẽ giúp họ rất nhiều để trồng lúa giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đó mới đúng là cách giúp nông dân ở đây thoát nghèo”.
Theo nhiều cán bộ xã Giục Tượng, dù UBND xã đã thông báo Chương trình "Tặng phân bón cho bà con nông dân nghèo" do PVFCCo tổ chức sẽ diễn ra từ 8 giờ 30 nhưng từ 5 – 6 giờ sáng, nhiều nông dân trên địa bàn các ấp Tân Bình, Tân Phước, Tân Lợi… (xã Giục Tượng) đã đến trụ sở UBND xã vì sợ đến muộn… hết phần
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi lươn trong bể bạt giúp hàng chục hộ dân ở khóm Long Hưng 2, phường Mỹ Thới (TP.Long Xuyên - An Giang) thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Mô hình này hình thành trên 10 năm nay và phát triển mạnh gần đây.

Đến cuối tháng 4/2013, vụ nuôi tôm qua gần 1 tháng nhưng vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vẫn chưa thấy cảnh người nuôi bận rộn, ngược xuôi lo vào vụ.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, vụ nuôi tôm năm nay, do lo ngại dịch bệnh bùng phát và thiếu vốn đầu tư sản xuất nên người dân các địa phương trong tỉnh Bình Định thả nuôi tôm giống khá chậm. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thả nuôi được 1.750/2.243 ha, chiếm 78% diện tích nuôi tôm hiện có (bằng 82,8% so với diện tích thả tôm cùng kỳ năm trước). Trong đó, 380 ha thả tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, bán thâm canh; nuôi quảng canh cải tiến xen với các đối tượng thủy sản khác 1.370 ha.

UBND huyện Cư Kuin (Dak Lak) vừa có văn bản triển khai Chương trình phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững Raiforest Alliance với diện tích từ 100 - 200 ha, sản lượng từ 200 - 400 tấn tiêu đen/năm trên địa bàn 2 xã Ea Bhôk và Ea Ning.

Nhằm giúp nông dân có định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống Thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án: “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang”, thời gian thực hiện từ tháng 3/2011 - 3/2013.