Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lời Giải Cho Bài Toán Nuôi Con Gì?

Lời Giải Cho Bài Toán Nuôi Con Gì?
Ngày đăng: 04/10/2014

Bài toán trồng cây gì, nuôi con gì vẫn đang là điều trăn trở bấy lâu nay của bà con nông dân ta. Từ thực tế thành công của các hộ chăn nuôi cho thấy, việc lựa chọn bò lai sind để đầu tư đã mang lại hiệu quả hơn so với các con nuôi khác.

Tuy nhiên để việc nuôi bò lai sind thực sự hiệu quả, người chăn nuôi cần lưu ý về giống và công tác phòng chống dịch bệnh.

Mới đây có dịp về Dương Thuỷ, chúng tôi được nghe câu chuyện nuôi bò thoát nghèo và vươn lên làm giàu của hàng chục hộ dân ở vùng đất được cho là khô cằn sỏi đá, nghèo khó này của huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình).

Trong đó thôn Tây Thiện rất thành công về chăn nuôi vỗ béo bò lai sind. Thôn này có 182 hộ, trên 300 nhân khẩu, đất đai canh tác ít, phần lớn là đất đồi sỏi đá, nên lâu nay kinh tế chậm phát triển so với các thôn khác trong xã. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều hộ trong thôn đã đầu tư nuôi bò lai sind vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, làm cho đời sống người dân trong thôn khởi sắc.

Người mở đường cho phong trào nuôi bò lai sind vỗ béo ở thôn Tây Thiện là anh Phạm Văn Liên. Chỉ với 5 con bò lai sind nuôi luân chuyển đã đưa kinh tế gia đình anh lên khá giả. Hỏi về bí quyết mang lại thành công, anh tâm sự: Gia đình anh nuôi bò hơn chục năm nay, nhưng nuôi giống bò cỏ thả rông nên chậm lớn, thể trọng nhỏ, thời gian nuôi kéo dài, hiệu quả thấp.

Cách đây 4 năm, nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân hướng dẫn về kinh nghiệm nuôi bò lai sind vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã làm theo. Lúc đầu anh nuôi mỗi lứa khoảng 3 - 5 con, chỉ sau 3 đến 4 tháng nuôi vỗ béo, có thể xuất chuồng, lãi khoảng 2 - 3 triệu đồng/con. Anh cho biết, nuôi bò lai sind vấn đề thức ăn hết sức quan trọng, đòi hỏi phải trồng cỏ hoặc phải đi cắt cỏ về cho bò ăn chứ không thể thả rông trong rừng được.

Theo kinh nghiệm của anh Liên, để nuôi bò đạt kết quả thì việc chọn giống và cách chăm sóc là yếu tố quyết định. Anh Liên cho biết thêm: “Trước hết cần chọn bò lai sind, có bộ xương to, vai rộng, ức sâu, phàm ăn, có 2 - 3 đôi răng phát triển đều; ngoài ra, khi mua bò về phải tiêm vắcxin phòng bệnh lở mồm long móng, xổ giun, sán cho bò”.

Từ mô hình chăn nuôi bò của anh Liên, đến nay trong thôn đã có trên 100 hộ làm theo. Trong đó có những hộ nghèo thiếu vốn nuôi, nên họ chỉ nuôi 1 đến 2 con. Đối với những hộ có kinh tế khá hơn thường nuôi từ 3 - 5 con, thậm chí có lúc lên đến 10 con bò lai sind. Hình thức chăn nuôi này vốn đầu tư ít, vòng vốn quay nhanh, chỉ 3 tháng là xuất chuồng thu hồi vốn.

Lợi thế ở Dương Thuỷ là có đất vườn đồi rộng nên các hộ nuôi bò đều trồng cỏ voi, tự túc được thức ăn cho bò. Theo tính toán của ông Lê Văn Khang, người nuôi 4 con bò lai sind ở đây cho biết, mỗi con bò lai sind bán 25-30 triệu đồng, trong lúc giống bò địa phương, con nào béo tốt lắm cũng chỉ có hơn 10 triệu đồng/con. Nếu so sánh về thời gian, công sức của người nuôi bỏ ra, thì nuôi bò lai sind vỗ béo hiệu quả gấp 3 lần nuôi bò địa phương.

Không riêng gì Dương Thuỷ mà ở các địa phương khác trong tỉnh, phong trào nuôi bò lai sind đang phát triển mạnh mẽ. Huyện Quảng Ninh, có thôn Long Đại, xã Hiền Ninh là một điển hình về phong trào nuôi bò lai sind để thoát nghèo. Thôn Long Đại hiện có trên 400 con bò, trong đó tỷ lệ bò lai sind gần 80%.

Anh Phan Thanh Đặng, người có thâm niêm 5 năm nuôi bò lai sind trong thôn này cho biết: Bò lai sind có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc và phòng bệnh. Bò lai sind có thể trọng lớn, nhiều thịt, rất dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn bò cỏ địa phương. Nếu mỗi gia đình chịu khó đầu tư 1 đến 2 con bò mẹ thì trong vòng hai năm là có thể thoát được nghèo vươn lên khá giả.

Trong tháng 5 - 2014, thôn Long Đại vinh dự được Hội Nông dân tỉnh chọn tổ chức hội thi “Nông dân chăn nuôi bò lai giỏi”. Có 20 hộ nông dân của thôn Long Đại tham gia hội thi, mỗi hộ trình diễn một con bò mẹ và một bê lai từ 10 tháng tuổi trở xuống, đã thu hút đông đảo bà con nông dân trong vùng tham dự. Từ hội thi này, bà con tận mắt thấy tai nghe về hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò lai sind, là dịp tốt để nhân rộng phong trào...

Huyện Tuyên Hoá lâu nay chủ yếu nuôi bò cóc địa phương, nay đang dần chuyển sang đầu tư nuôi bò lai sind. Đi đầu của phong trào nuôi bò lai sind của huyện này là xã Văn Hoá. Từ chỗ trên 95% là bò cóc, đến nay tỷ lệ bò lai sind của xã đạt trên 75%, trong số tổng đàn 876 con. Một số thôn như Thượng Phủ, Hà Thâu... có tỷ lệ bò lai chiếm trên 95%.

Nhận thấy nuôi bò lai sind là hướng đi thoát nghèo bền vững, nên có nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn nuôi từ 4-5 con. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi bò lai sind.

Có thể nói, không riêng gì vùng gò đồi mà hầu như bất cứ vùng nông thôn nào cũng có thể nuôi được bò lai sind. Cụ thể như tại xã biển Quang Phú, TP. Đồng Hới, đất đai chỉ là cát trắng. Thế nhưng ở đây có một mô hình nuôi bò lai sind của anh là Hoàng Văn Phướng ở thôn Bắc Phú rất thành công. Anh Phướng đã thuê 6 ha đất cát để trồng cỏ và làm bãi chăn thả cho gần 40 con bò mẹ.

Khác với những hộ nông dân chăn nuôi bò khác trong xã, anh nuôi bò lai sind chủ yếu để bán giống chứ không phải nuôi để bán thịt, thu nhập rất ổn định vì nhu cầu bò giống cao.

Cứ một con bò giống khoảng một năm tuổi có giá bán 14 triệu đồng, con nào đẹp bán được 15 - 16 triệu đồng. Anh cho biết, bò lai sind phát triển nhanh và ít bệnh tật nên quá trình chăm sóc cũng không khó. Để bảo đảm nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò, anh còn đầu tư trồng thêm 1 ha cỏ.

Nói như vậy để thấy ở tất cả các địa phương đều có thể nuôi bò lai sind. Chỉ cần có một sào đất để trồng cỏ, có thể nuôi được 2 con bò lai sind đủ thức ăn quanh năm.

Tuy nhiên, để việc chăn nuôi bò lai sind mang lại hiệu quả bền vững, người chăn nuôi cần có một số kiến thức nhất định. Đó là, chọn giống bò lai sind tốt và thường xuyên thực hiện biện pháp tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại.


Có thể bạn quan tâm

Cấp Giống Thanh Long Ruột Đỏ Cho 4 Hộ Dân Xã Trà Phú (Quảng Ngãi) Cấp Giống Thanh Long Ruột Đỏ Cho 4 Hộ Dân Xã Trà Phú (Quảng Ngãi)

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi vừa cấp hỗ trợ 1.300 hom giống thanh long ruột đỏ cho 4 hộ dân tại xã Trà Phú (Trà Bồng). Được biết, cách đây 3 năm, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm ở hai xã Trà Phú và Trà Bình đã phát huy hiệu quả.

07/08/2013
Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên) Chuối Tiêu Hồng Phù Hợp Với Đồng Đất Đại Từ (Thái Nguyên)

Mô hình chuối tiêu hồng nuôi cấy mô được Trạm Khuyến nông huyện triển khai với diện tích 2 ha, tập trung ở xóm Lược 1 và Lược 2, xã Phục Linh (Đại Từ - Thái Nguyên) từ tháng 3/2012. Bước đầu cho kết quả khả quan, giống chuối này có thể trồng được trên đồng đất Đại Từ.

12/12/2012
Tiếp Tục Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội Tiếp Tục Mở Rộng Mạng Lưới Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Tại Hà Nội

Ngày 14-3, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá tình hình cung cấp gà đồi Yên Thế cho thị trường Hà Nội dịp Tết Quý Tỵ, kiểm điểm công tác phòng, chống gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh chủ trì. Đến dự có đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Sở Công thương TP Hà Nội.

17/03/2013
Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh) Mô Hình Trồng Cà Chua Ghép Trên Cây Cà Tím Trái Vụ Ở Võ Cường (Bắc Ninh)

Mô hình trồng cà chua ghép trên thân cây cà tím trái vụ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai trình diễn ở phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) từ vụ đông xuân năm 2010 đã cho thu nhập với năng suất cao gấp 2 đến 3 lần so với cây chính vụ, mở ra một hướng đi mới cho nông dân địa phương cũng như nông dân trên địa bàn toàn thành phố.

13/12/2012
Khi Nghề Chăn Nuôi Dê, Cừu Được Rót Vốn Ở Ninh Thuận Khi Nghề Chăn Nuôi Dê, Cừu Được Rót Vốn Ở Ninh Thuận

Vùng đất Ninh Thuận quanh năm khô hạn thường xuyên, tưởng khó có thể làm giàu từ canh tác, chăn nuôi. Nhưng bằng cơ cấu vật nuôi hợp lý, nhờ được hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, Ninh Thuận đã thành một địa phương có nghề chăn nuôi dê, cừu phát triển nhất cả nước.

19/03/2013