VASEP Sẽ Kháng Kiện Việc Áp Thuế Chống Bán Phá Giá Trên Tôm

Có 30 trong số 31 doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) đã họp bàn và quyết định sẽ kháng nghị việc phía Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá lên con tôm Việt Nam một cách không công bằng và bất hợp lý. Hiện VASEP đang cùng các luật sư chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết cho vụ kháng kiện này.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ngày 19-9-2014 đã chính thức công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) từ 1-2-2012 đến 31-1-2013.
Theo công bố này, Tập đoàn thủy sản Minh Phú phải chịu mức thuế 4,98%; Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) là 9,75%, còn lại 30 công ty bị đơn khác bị áp mức thuế 6,37%; mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.
Theo ông Dũng, điều đáng chú ý nhất là với POR 7 (năm 2013), DOC đã kết luận các doanh nghiệp tôm của Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại gì cho Mỹ, và thuế bằng 0% cho tất cả 32 doanh nghiệp của Việt Nam. Năm nay, với POR 8, DOC lại kết luận các doanh nghiệp Việt Nam đều bán phá giá với mức thuế rất cao, có thể nói là cao nhất trong 8 chu kỳ tính thuế của DOC.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc tính toán mức thuế CBPG lần này của DOC là hoàn toàn mới, khác hẳn những lần tính thuế trước đây và gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp.
“Phương pháp tính thuế của DOC lần này dựa trên việc sử dụng các hệ số quy chiếu của Bangladesh là không phù hợp với thực tế nuôi tôm Việt Nam. Trước tình hình này, các doanh nghiệp hội viên VASEP đang chuẩn bị các phương án pháp lý và dự kiến sẽ sớm khởi kiện vụ việc này lên Tòa án Liên bang Mỹ,” ông Hòe cho hay.
Còn theo ông Dũng, công cụ tính thuế CBPG của DOC mặc dù có nguyên tắc chung nhưng liên tục thay đổi, đặc biệt là việc lấy số liệu tham chiếu của các quốc gia khác. Do Hoa Kỳ vẫn coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường nên giá hàng hóa Việt Nam bán vào Hoa Kỳ thường bị so sánh với số liệu của một nước thứ ba.
Cụ thể là trong vụ việc lần này, Hoa Kỳ lấy số liệu của Bangladesh nhưng là số liệu của 10 năm trước, không cập nhật, nên ảnh hưởng xấu đến việc áp thuế đối với Việt Nam.
Theo VASEP, mức thuế cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tài chính của các doanh nghiệp khi phải thu xếp một khoản tài chính lên đến khoảng 35 đến 40 triệu đô la Mỹ để trang trải tiền thuế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phải đàm phán lại các hợp đồng xuất khẩu với đối tác Mỹ do mức thuế thay đổi, vì thế doanh nghiệp phải mất một thời gian nữa mới có thể ổn định làm ăn trở lại tại thị trường này.
Về lâu dài, theo ông Dũng, các doanh nghệp cần mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt khi mà thị trường Nga đang mở cửa và tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thì các doanh nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt để tạo thế cân bằng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần quản trị chặt chẽ hơn chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng để có được những hệ thống số liệu tốt nhằm đáp ứng các yêu cầu của DOC hàng năm, đặc biệt là trong POR9 tới đây, với những phương án chuẩn bị chủ động ứng phó.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15-8, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 700 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay tổng đàn bò trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) được 23.428 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng tỷ lệ trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết quả rõ nét nhất trên địa bàn huyện Tuy Đức là địa phương đã bước đầu quy hoạch, phân vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng khá bài bản, hợp lý.

Cua biển là một trong những đối tượng thủy sản nước lợ có thành phần dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Cua biển là đối tượng dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp thích hợp với các hộ nuôi gia đình, cua biển được nuôi ở nhiều vùng với nguồn con giống được đánh bắt ngoài tự nhiên.

Đây là dịp giới thiệu nhiều giống cây con các loại, phù hợp với điều kiện sản xuất tại TPHCM và các tỉnh để nâng cao chất lượng, năng suất, khả năng cạnh tranh. Hiện có 58 đơn vị đăng ký tham gia với 250 gian hàng.

Theo Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có gần 10.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang kinh doanh trên 6.000 ha, vượt gần ½ so với quy hoạch. Việc nông dân chạy theo phong trào, ồ ạt trồng tiêu khiến nhiều người phải trắng tay vì tiêu chết hàng loạt do sâu bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm.