Chuồng Trại Hợp Vệ Sinh, Tăng Hiệu Quả Chăn Nuôi
Nhờ được hỗ trợ từ dự án Vệ sinh môi trường nông thôn, nhiều hộ có điều kiện cải tạo, xây mới khu chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Là hộ nghèo nên năm 2013, gia đình anh Nguyễn Đình Sáu, thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hoà) được tham gia dự án Vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, anh được hỗ trợ 48 triệu đồng và chỉ phải bỏ thêm một phần kinh phí để xây chuồng trại chăn nuôi kiên cố.
Anh Sáu cho biết: “Trước đây, nơi chăn nuôi tạm bợ, tường đất, mái dột nên việc cọ rửa chuồng gặp nhiều khó khăn. Do đó, vật nuôi hay bị bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Nguồn hỗ trợ từ dự án giúp gia đình tôi có vốn để làm dãy chuồng sạch sẽ, chắc chắn; nhờ đó đàn lợn nhanh lớn, ít dịch bệnh”.
Năm 2013, toàn tỉnh có 6 hộ nghèo và gia đình chính sách tại xã Hương Lâm (Hiệp Hoà), Đồng Kỳ (Yên Thế) được giúp đỡ đầu tư cải tạo chuồng trại.
Dự án do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) chủ trì. Tổng vốn thực hiện hơn 200 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Ông Trần Văn Quý, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm đơn vị chỉ hỗ trợ được rất ít hộ. Vì vậy, sau mỗi đợt chúng tôi đều tổ chức nghiệm thu phối hợp với UBND xã, thôn tuyên truyền về lợi ích của việc làm này để các hộ dân nông thôn nhân rộng mô hình”.
Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là một trong những chỉ số của bộ tiêu chí quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Thống kê của cơ quan chuyên môn, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 74,39% chuồng trại chăn nuôi đạt tiêu chí này, tăng hơn 8% so năm 2012.
Hiện nay, đơn vị chủ trì dự án đang thực hiện hỗ trợ 6 hộ nghèo tại xã Tiên Nha (Lục Nam) xây dựng chuồng trại, phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 80% chuồng trại đạt tiêu chí hợp vệ sinh.
Có thể bạn quan tâm
Gần 25 năm trong nghề nuôi tôm nhưng chỉ đến khi chuyển hướng sang nuôi cá dìa một cách chuyên nghiệp, ông Hồ Văn Hổ
Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản, anh Lê Châu đã mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm, ốc hương cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
7 năm liền lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì đeo đuổi nghề nuôi thuần hóa cá chình, nhưng ông không bỏ cuộc. Sự kiên trì đã cho ông thành công mỹ mãn…
Công nghệ nuôi này có thể tăng mật độ nuôi lươn tối đa lên đến 600 con/m2, năng suất lên 25kg lươn thương phẩm/m2, cao gấp 2,5 - 4 lần so với thông thường.
Từ những cặp dúi giống ban đầu, đến nay anh Bùi Thanh Lương sở hữu trang trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.