Để Thủy Sản Thành Chương Trình Kinh Tế Nông Nghiệp Trọng Điểm
Khi đánh giá về kết quả phát triển thủy sản tại địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê) - nơi có trên 100 ha nuôi thủy sản cho biết: Mặc dù xã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nhưng do ruộng đất ít nên quy mô chăn nuôi thủy sản vẫn nhỏ.
Hộ nào khá mới được trên một mẫu, phổ biến là 5-7 sào. Số lao động thu hút cho lĩnh vực này không nhiều, giá trị sản xuất hạn chế, hầu hết hộ nuôi thả cá mới dừng lại ở mức thoát nghèo, thu nhập khá hơn trồng trọt đôi chút. Đây là một thực tế sau gần 10 năm tỉnh đưa thủy sản trở thành chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm.
Dù một số địa phương đã khai thác mặt nước ao hồ, mặt nước nuôi thả cá góp phần giải quyết việc làm, thu nhập, nhưng tiềm năng thủy sản vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, sản xuất, kinh doanh còn nhiều bất cập, cần được tiếp tục đầu tư, đổi mới.
Thực hiện chương trình nông nghiệp trọng điểm, huyện Thanh Thủy đã chuyển trên 600ha ao, hồ, ruộng một vụ sang nuôi thủy sản cho năng suất cá đạt trên 2,2 tấn/ha.
Để thực hiện triển khai chương trình thủy sản cho kết quả, tỉnh đã kiện toàn bộ máy, tăng cường cán bộ quản lý lĩnh vực thủy sản; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển như: Hỗ trợ sản xuất về giống, hạ tầng, các mô hình khuyến ngư; hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư thủy sản, chính sách cho thuê mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản…
Xây dựng trại sản xuất giống thuỷ sản cấp I tại huyện Lâm Thao, khuyến khích phát triển, củng cố nâng cấp các cơ sở sản xuất, ươm nuôi cá giống ở Cẩm Khê, Thanh Thủy, Thanh Ba...
Bố trí đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ khả năng cho hoạt động sản xuất, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tạo động lực. Các địa phương dồn điền đổi thửa tạo nên những vùng sản xuất quy mô tập trung, chuyển đổi diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và mở rộng diện tích nuôi các giống mới có năng suất, giá trị cao.
Chỉ riêng kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho phát triển thủy sản từ năm 2005 đến nay là hơn 30 tỷ đồng; ngoài ra các hộ còn huy động hàng trăm tỷ đồng khác từ nguồn vay ngân hàng thương mại để đầu tư vào thủy sản.
Kết quả, giai đoạn 2005 đến 2013 phát triển thủy sản của tỉnh có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 6-8%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tăng từ dưới 5% lên 5-6% hiện nay, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và bước đầu khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước trên địa bàn tỉnh.
Diện tích nuôi thủy sản giống mới được mở rộng theo hướng gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân.
Năm 2013 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 9.9 ngàn ha, tăng 2.400 ha so với năm 2005; năng suất đạt trên 2,2 tấn/ha, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 24 ngàn tấn, trong đó sản lượng nuôi trên 22 ngàn tấn. Đến nay toàn tỉnh có gần 200 trang trại thủy sản với diện tích gần 1.500 ha.
Nhiều địa phương có diện tích đất đồng chiêm trũng, gieo cấy rất khó khăn, nhờ phát triển sản xuất thuỷ sản đã cho thu nhập khá. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 trại giống thủy sản cấp I, gần chục cơ sở sản xuất và 600 hộ ương nuôi giống thủy sản, cơ bản đáp ứng đủ số lượng con giống cá thông thường phục vụ nuôi thủy sản trên địa bàn.
Đặc biệt đã xuất hiện một số hộ nuôi các loại thủy sản đặc sản như: Nuôi cá lăng, cá trắm đen, ba ba ở Đoan Hùng, TP Việt Trì, Lâm Thao,Tam Nông, Thanh Thủy... Nhiều hộ đầu tư nuôi cá trắm đen, nuôi cá lăng chấm trong lồng bè, ao đầm mang lại giá trị thu nhập hàng tỷ đồng năm…
Trại giống cấp I của Chi cục Thuỷ sản đã cho sinh sản nhân tạo một số loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cá lăng chấm, cá anh vũ; bổ sung một số giống cá mới vào cơ cấu giống thủy sản của tỉnh như: Cá chép lai V1, rô phi đơn tính, cá vược, cá rô đồng đầu vuông.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất thủy sản thời gian qua ở nhiều địa phương cũng đã bộc lộ một số hạn chế, thủy sản chưa thực sự trở thành chương trình kinh tế trọng điểm.
Trước hết là quy mô sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Do đặc thù hệ thống ao, đầm trên địa bàn có diện tích nhỏ, cộng với giàng buộc trong quản lý đất đai nên diện tích nuôi ở các địa phương chủ yếu do hộ, nhóm hộ thực hiện trên quy mô nhỏ, ít có cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Hầu hết hệ thống ao, hồ nuôi đều tận dụng, cải tạo mặt nước trũng, ít đầu tư quy mô, bài bản nên dù các hộ có dồn đổi chuyển đất ruộng sang sản xuất quy mô vẫn nhỏ. Hộ, nhóm hộ thầu đầm cộng với ruộng đất dồn đổi mới được 5-7 ha, còn lại giới hạn dưới 1 ha.
Đây là thực trạng với hầu hết các xã phát triển thủy sản ngay một số địa phương có phong trào khá như: Sơn Thủy, Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy; Tuy Lộc, Điêu Lương, Văn Khúc, Sơn Tình, huyện Cẩm Khê; Thượng Nông, Thọ Văn, Thanh Uyên, huyện Tam Nông... Quy mô nuôi nhỏ, chưa tạo thành vùng hàng hóa lớn cộng với tập quán nuôi thủy sản còn lạc hậu, dẫn tới năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế nuôi thủy sản chưa cao.
Qua tổng hợp của các địa phương cho thấy chỉ trừ số ít các hộ đầu tư chuyên canh nuôi cá lồng, cá đặc sản đạt giá trị vài trăm triệu đồng còn lại các hộ nuôi thả tự nhiên chỉ thu hoạch trên dưới 100 triệu đồng/ha. Năng suất phổ biến 2-3 tấn/ha, bình quân chung 2,2 tấn/ha; đạt mức thu dưới 150 triệu đồng/ha với thuỷ sản là thấp, chưa hơn trồng trọt bao nhiêu, trong khi đầu tư thuỷ sản rất lớn.
Về sản xuất, cung ứng giống thủy sản còn hạn chế. Theo số liệu tổng hợp mỗi năm tỉnh ta cần khoảng gần 100 triệu con cá giống các loại cho yêu cầu nuôi, thả, nhưng đến nay trại giống cấp I và một số cơ sở sản xuất giống mới đáp ứng được khoảng gần 20%, còn lại vẫn phải nhập cá bột, cá hương từ ngoài về.
Hiện nay sau nhiều năm hoạt động, Chi cục Thuỷ sản mới vươn ra liên kết được một số cơ sở còn lại vẫn để tư nhân tự lo trong quá trình nuôi thả, rất nhiều trường hợp giống kém chất lượng do cận huyết, giống mang mầm bệnh lạ lây lan vào, làm thiệt hại cho người sản xuất vẫn chưa được kiểm soát, ngăn chặn...
Đặc biệt nguồn giống thủy sản đặc sản như lăng chấm, trắm đen, vược... vẫn phải nhập ngoại, nguồn sản xuất tại chỗ hạn chế, dẫn đến giá thành đắt.
Một vấn đề nữa là việc phòng trị bệnh còn nhiều bất cập. Do môi trường nuôi thả bị ô nhiễm, cộng với mầm bệnh từ giống nhiều nơi xuất hiện dịch bệnh ghẻ, thối mang, đường ruột... ảnh hưởng đến kết quả nuôi. Từ những hạn chế trên tác động giá trị thủy sản mang lại chưa nhiều, chưa xứng với tiềm năng.
Để tiếp tục đưa thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, ngoài vấn đề tiếp tục duy trì chính sách khuyến khích phát triển như hỗ trợ giống, kỹ thuật, khuyến khích chuyển đổi ruộng kém sang nuôi thủy sản, đầu tư hạ tầng cần tập trung củng cố và phát triển khu vực sản xuất giống, phòng trị bệnh… tạo cơ hội để đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật về thủy sản vào sản xuất.
Về quy mô sản xuất trên cơ sở diện tích đã có ngành nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng xây dựng các mô hình, vùng sản xuất hàng hóa lớn theo quy hoạch chung duy trì diện tích khoảng 10 ngàn ha, có 50% nuôi quy mô tập trung.
Xây dựng quy chế quản lý hệ thống sản xuất, tiêu thụ các loại giống thủy sản đảm bảo không để các loại giống kém, giống không đủ tiêu chuẩn vào sản xuất. Cùng với đó thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn, khu vực tiêu thụ lớn đưa thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt diện tích nuôi trên 11 ngàn ha, sản lượng khoảng 30 ngàn tấn năm 2015, lên 40 ngàn tấn năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
5.000 con gà rừng tai đỏ, tai trắng được chăn thả tự nhiên trên diện tích 30ha của Trang trại gà rừng NTC - trang trại chăn nuôi gà rừng thuần chủng lớn nhất Việt Nam.
Ủy ban Dân tộc (UBDT) vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cán bộ, công chức có thời hạn về các huyện, xã trọng điểm vùng DTTS.
Đó là mục tiêu đặt ra đến năm 2020 trong Chương trình xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020, do UBND thành phố vừa ban hành.
Dù mục tiêu đặt ra là tới năm 2020 mới hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng tới thời điểm này, nhiều địa phương thuộc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã đạt chuẩn 19 tiêu chí, trong đó xã Điện Hòa là một ví dụ điển hình.
Từ xuất phát điểm chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, chỉ trong vòng 10 năm Hà Tĩnh đã trở thành tỉnh có quy mô chăn nuôi lợn lớn nhất ở khu vực miền Trung.