Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăm dâu đổ đầu… người nuôi cá

Trăm dâu đổ đầu… người nuôi cá
Ngày đăng: 20/04/2015

Thiệt trăm bề

Chiều 12-4, phản ánh với phóng viên Báo SGGP, ông Cao Lương Tri, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) chua chát: “Nông dân nuôi cá ở xứ này đang đi vào ngõ cụt khi thua lỗ liên tiếp liền mấy năm. Tệ hại nhất là người nuôi bị doanh nghiệp cho “leo lên đọt cây” mà không biết đường xuống và “sắp té nhào” vì bị ngân hàng siết nợ”.

Ông Tri kể, năm 2013, ông bán cho Công ty cổ phần Việt An (phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang) 8 đợt với hơn 3.000 tấn cá tra, giá bình quân 23.000 đồng/kg. Số tiền bán cá lên tới 80 tỷ đồng và công ty “hứa” thanh toán 20% sau 10 ngày kể từ lúc bắt xong cá, 80% còn lại trả dứt điểm sau 30 ngày.

Hợp đồng còn ghi, nếu công ty trả chậm phải chịu lãi cho người nuôi 1%/tháng. Giấy trắng mực đen là vậy, nhưng tới ngày hẹn thì công ty “quên” trả tiền; trong khi nợ ngân hàng, nợ đại lý thức ăn… siết chặt khiến gia đình ông Tri như ngồi trên lửa. Cùng đường, ông Tri chạy tới công ty “năn nỉ” trả tiền mua cá thì họ đưa ra đủ lý do như xuất khẩu khó khăn, đối tác chưa thanh toán... Thế là công ty trả “nhỏ giọt” kéo dài giống như “trả góp”. “Gần 1 năm tôi bỏ hết công ăn việc làm để theo đòi nợ, nhưng công ty trả lần hồi được 43 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 4-2014, người đứng đầu công ty này là ông Lưu Bách Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đột ngột rời An Giang đi nước ngoài với lý do trị bệnh và tới nay không hẹn ngày về, khiến người nuôi cá chết đứng. Cả năm qua tôi gõ cửa công ty nhiều lần, nhưng những người thay thế ông Thảo chỉ trả 6 tỷ đồng. Hiện còn nợ 31 tỷ đồng chưa biết tính sao, trong khi hàng tháng tui phải đóng lãi ngân hàng hơn 100 triệu đồng” - ông Tri thở dài.

Đồng cảnh ngộ trên, bà Trần Thị Xuyên, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cay đắng: “Lúc đầu Công ty Việt An tỏ ra uy tín với người nuôi cá. Riêng gia đình tui bán cho công ty này hơn 30 tỷ đồng. Họ lấy cá xong thì trả dần, cho tới tháng 4-2014 còn nợ 7 tỷ đồng.

Từ đó tới nay công ty trả nhỏ giọt được thêm 2 tỷ đồng, hiện còn nợ khoảng 5 tỷ đồng không biết bao giờ thanh toán”. Có rất nhiều hộ nuôi ở ĐBSCL đã thế chấp nhà cửa, đất đai… vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi cá. Cuối cùng vừa bán lỗ, vừa bị Công ty Việt An nợ kéo dài khiến người nuôi khốn khổ.

Liên kết chuỗi giá trị

Có thể nói, để sản phẩm cá tra của Việt Nam xuất khẩu đi 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch hàng năm khoảng 1,6 - 1,8 tỷ USD, những nông dân nuôi cá đã đóng góp công sức khá lớn. Song quyền lợi của người nuôi cá chưa được quan tâm đúng mức, trong khi rủi ro luôn rình rập.

Mấy năm nay, ngành xuất khẩu tỷ đô này lâm vào khủng hoảng, cả doanh nghiệp và người nuôi đều gặp khó. Hậu quả cũng bởi phát triển “nóng” kéo theo nhiều hệ lụy. Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh ĐBSCL, các hiệp hội… đã và đang nỗ lực tái cơ cấu lại ngành cá tra, song tới nay mọi việc còn khó.

Nhiều ý kiến đề xuất, quá trình tái cơ cấu cá tra cần quan tâm tới lợi ích của người nuôi nhiều hơn. Nếu người nuôi cá khi vay vốn ngân hàng phải thế chấp tài sản thì cần quy định doanh nghiệp khi mua cá cũng phải thế chấp, hoặc có biện pháp chế tài nào đó để tránh những rủi ro cho người nuôi.

Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty Thức ăn Cỏ May, cho rằng: “Vực dậy ngành công nghiệp cá tra cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch lại vùng nuôi, thống nhất sản lượng cung cầu hợp lý, nâng chất lượng cá tra; tái cấu trúc doanh nghiệp về tài chính và quản trị, mở rộng thị trường…

Trong đó, cần mạnh dạn thay đổi phương thức từ mạnh ai nấy làm sang liên kết chuỗi giá trị. Cụ thể, áp dụng cách liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu với doanh nghiệp sản xuất thức ăn và người nuôi, thông qua sự hỗ trợ của ngân hàng và sự quản lý của nhà nước.

Ngân hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn mua thức ăn cung ứng cho người nuôi cá; đến khi thu hoạch thì doanh nghiệp xuất khẩu lấy lại cá của người nuôi theo giá thị trường, phần tiền dư ra (ngoài chi phí cung ứng thức ăn) thì trả cho người nuôi. Cách làm này các bên đều có lợi, đặc biệt người nuôi không lo về đầu tư vốn và tránh tình trạng bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn như nuôi nhỏ lẻ bên ngoài”.

Ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Đồng Tháp, tiết lộ: “Chúng tôi đang giải ngân cho Công ty Hùng Cá vay gần 1.500 tỷ đồng để “thí điểm” mô hình nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra theo chuỗi giá trị. Công ty được vay vốn với lãi suất thấp hơn bình thường để đầu tư con giống, thức ăn… cho hơn 300 hộ nuôi cá nằm trong vùng quy hoạch của Đồng Tháp.

Đến khi thu hoạch thì công ty thu mua lại sản phẩm để chế biến xuất khẩu, sau đó trả vốn lại cho ngân hàng. Đây là hướng đi triển vọng cho ngành cá tra, cũng như các bên tham gia. Vấn đề là phải có được doanh nghiệp mạnh, đủ tầm, tâm huyết… mới thực hiện được”.

* Nhiều ý kiến cho rằng: Khi sản phẩm cá tra xuất khẩu thuận lợi, thu về ngoại tệ lớn thì các ngành chức năng, doanh nghiệp… được khen, được tôn vinh; ngược lại lúc thua lỗ, gặp khó thì người nuôi lãnh đủ. Đúng là trăm dâu đổ đầu người nuôi cá, như vậy không công bằng


Có thể bạn quan tâm

Lên Đời Nhờ Cam Bù Lên Đời Nhờ Cam Bù

Cây cam Bù thích hợp với vùng đất đỏ đồi núi, khí hậu nóng ẩm, trồng chủ yếu ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thọ, Sơn Phúc, Sơn Thuỷ, Sơn Kim, Sơn Tây, Sơn Lĩnh. Cam Bù trồng 3 năm là có thể thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 7-10 năm. Mỗi gốc cam trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 30-40kg, trọng lượng mỗi quả 250g-350g, đặc biệt có những cây lên tới 120-150kg.

12/02/2015
Sôi Động Thị Trường Nông Sản Vùng Biên Sôi Động Thị Trường Nông Sản Vùng Biên

Mỗi ngày có hàng chục xe tải, xe ba gác tự chế chất hàng cao ngút qua lại cửa khẩu An Giang chạy thẳng về các tỉnh Tà Keo, Compong Spư, thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Trung bình mỗi ngày có cả trăm tấn hàng nông sản được thương lái vận chuyển sang biên giới.

12/02/2015
Tháng 1 Chỉ Xuất Khẩu Được Trên 200 Ngàn Tấn Gạo Tháng 1 Chỉ Xuất Khẩu Được Trên 200 Ngàn Tấn Gạo

Hiện tại, giá gạo XK của Việt Nam cũng đã giảm xuống khá thấp: gạo 5% tấm còn 350-360 USD/tấn, gạo 25% tấm 325-335 USD/tấn, gạo thơm Jasmine 445-455 USD/tấn, tấm 305-315 USD/tấn.

12/02/2015
Quảng Nam Giao Khoán Nhóm Hộ Bảo Vệ Rừng Quảng Nam Giao Khoán Nhóm Hộ Bảo Vệ Rừng

Theo đó diện tích giao khoán rừng 80.061ha/245 nhóm hộ/3.862 hộ. Đơn vị thực hiện giao khoán rừng gồm có các ban quản lý rừng phòng hộ: Đăk Mi, Sông Tranh, Bắc Sông Bung, Nam Sông Bung; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Vườn Quốc gia Bạch Mã và các Hạt kiểm lâm: Bắc Trà My, Đại Lộc.

12/02/2015
Giá Đường Tăng Nhẹ Giá Đường Tăng Nhẹ

Sau khi Tỷ "đường" (Vi Ngươn Thạnh) trùm kinh doanh đường cát lậu tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang bị công an bắt giữ, triệt phá đường dây nhập lậu đường cát từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam nhiều năm qua; đồng thời lực lượng chống buôn lậu ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tăng cường tuần tra kiểm soát, các Cty mía đường ở ĐBSCL cho biết giá đường trong khu vực có dấu hiệu tăng giá nhẹ.

12/02/2015