Đề Nghị Thành Lập Bộ Kinh Tế Biển
Đa số ý kiến phát biểu của các ĐBQH đoàn TP.HCM đều kiến nghị sự cần thiết phải thành lập Bộ Kinh tế biển.
Đây cũng là nội dung được các đoàn ĐBQH dành thời gian trong buổi thảo luận tổ chiều qua - 13/11 về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.
Thành lập để thống nhất quản lý
Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo lần đầu tiên được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật nên rất được các ĐBQH quan tâm cho nhiều ý kiến.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị nên sửa tên luật này thành Luật Kinh tế biển đảo. Lý do, ĐB Đương đưa ra là vì chúng ta đã có Luật TN-MT và Luật Biển Việt Nam rồi. Do đó cần có một tên luật sát và đúng nghĩa với yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra.
Khác với ĐB Đương, ĐB Trương Trọng Nghĩa thì đề nghị tên của luật này nên gút gọn lại là: Luật Tài nguyên, Môi trường biển.
Trong khi đó, Trưởng và Phó đoàn ĐBQH TP.HCM là ĐB Huỳnh Thành Lập và ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần phải thành lập Bộ Kinh tế biển.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng, việc thành lập Bộ Kinh tế biển là để thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến biển. Điều này đáp ứng Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII về chiến lược kinh tế biển được Đảng xác định từ lâu.
“Cắt giảm ở bộ, ngành nào cũng cần thiết nhưng việc thành lập Bộ Kinh tế biển thì không thể không làm. Tôi cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ cần thể hiện được điều đó. Các đầu mối như Tổng cục Biển và hải đảo ở Bộ TN-MT và một số tổng cục, đơn vị ở Bộ NN-PTNT đưa vào Bộ Kinh tế biển thì sẽ thống nhất được sự quản lý, tham mưu sát cho Chính phủ kịp thời hơn” – ĐB Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Cũng về đề xuất này, ĐB Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP.HCM) cho rằng, việc thành lập một bộ để thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực biển hiện nay là rất cần thiết.
Liên quan đến dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo do Chính phủ trình lấy ý kiến của Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, đây là luật mới, rất cần thiết. Với đặc điểm địa hình của đất nước, rõ ràng việc xây dựng luật đến bây giờ mới làm là quá chậm.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ: “Trung Quốc là nước không nhiều diện tích biển nhưng có tới 8 luật xung quanh vấn đề biển, trong khi đó Việt Nam thì ¾ diện tích lãnh thổ là biển nhưng đây mới là luật thứ 2”.
Đề cập đến nội dung điều 8 về những quy định cấm, ĐB Lịch nói: “Việc khai thác cát ven biển nó xói lở kinh lắm. Vậy thì cần phải có chế tài đủ mạnh để vừa răn đe và xử lý được nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền quốc gia. Chứ như các quy định trong điều 8, tôi thấy còn chung chung lắm”.
Giống với quan điểm trên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng, bây giờ mới đưa ra bàn thảo luật này là quá muộn.
Thiếu “đá và bãi đá” trong luật
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo chú ý khi liệt kê “tài sản” quốc gia vào trong luật. Kiến nghị này đã gây sự chú ý của các ĐBQH và giới báo chí.
ĐB Nghĩa nêu, tại khoản 1 Điều 1 và Điều 2 quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, có viết: “Hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam”.
Về nội dung này, ĐB Nghĩa đề nghị, đã không liệt kê “phạm vi vùng trời, vùng biển, các đảo, quần đảo” thì thôi. Còn đã liệt kê như vậy nhất thiết phải bổ sung “đá, các bãi đá và các kiến tạo địa chất thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam”.
Lập luận về điều này, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong biển không chỉ có đảo và hải đảo mà còn có đá và bãi đá. Những thứ đó cũng là tài sản và là chủ quyền quốc gia.
“Hiện nay tranh chấp và suýt đánh nhau cũng chung quanh đá và bãi đá mà ra. Dù không có người sinh sống và đời sống kinh tế ở đó nhưng lại cực kỳ quan trọng.
Vì, người ta có thể dồn và dùng mấy bãi đá để xây dựng các công trình khác, có thể là những căn cứ quân sự, khoa học để từ đó khai thác rộng ra. Do đó, luật phải nêu cho sát để thuận cho giải quyết các thắc mắc nếu có khi xảy ra” – ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134598/su-kien/de-nghi-thanh-lap-bo-kinh-te-bien.html
Có thể bạn quan tâm
Là một loại rau quả được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, su su không khó trồng như bạn tưởng. Việc sở hữu một giàn rau quả su su tại nhà là điều mà các nông dân phố hoàn toàn có thể làm được trong tầm tay.
Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có Công văn số 8845/VPCP-TH gửi Văn phòng T.Ư Đảng trả lời 4 kiến nghị của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tại Hội nghị giao ban của Thường trực Ban Bí thư ngày 1.10.2015.
Năm 2015 được Hải Phòng xác định là năm tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với mục tiêu “đẹp từ nhà ra đồng”.
"Ông thần" chế tạo máy là biệt danh người dân thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đặt cho anh Bùi Văn Phụng (47 tuổi).
Từ ngày 31.12.2016, tất cả các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.