Đề Nghị Thành Lập Bộ Kinh Tế Biển
Đa số ý kiến phát biểu của các ĐBQH đoàn TP.HCM đều kiến nghị sự cần thiết phải thành lập Bộ Kinh tế biển.
Đây cũng là nội dung được các đoàn ĐBQH dành thời gian trong buổi thảo luận tổ chiều qua - 13/11 về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo.
Thành lập để thống nhất quản lý
Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo lần đầu tiên được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật nên rất được các ĐBQH quan tâm cho nhiều ý kiến.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị nên sửa tên luật này thành Luật Kinh tế biển đảo. Lý do, ĐB Đương đưa ra là vì chúng ta đã có Luật TN-MT và Luật Biển Việt Nam rồi. Do đó cần có một tên luật sát và đúng nghĩa với yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra.
Khác với ĐB Đương, ĐB Trương Trọng Nghĩa thì đề nghị tên của luật này nên gút gọn lại là: Luật Tài nguyên, Môi trường biển.
Trong khi đó, Trưởng và Phó đoàn ĐBQH TP.HCM là ĐB Huỳnh Thành Lập và ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần phải thành lập Bộ Kinh tế biển.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng, việc thành lập Bộ Kinh tế biển là để thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến biển. Điều này đáp ứng Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII về chiến lược kinh tế biển được Đảng xác định từ lâu.
“Cắt giảm ở bộ, ngành nào cũng cần thiết nhưng việc thành lập Bộ Kinh tế biển thì không thể không làm. Tôi cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ cần thể hiện được điều đó. Các đầu mối như Tổng cục Biển và hải đảo ở Bộ TN-MT và một số tổng cục, đơn vị ở Bộ NN-PTNT đưa vào Bộ Kinh tế biển thì sẽ thống nhất được sự quản lý, tham mưu sát cho Chính phủ kịp thời hơn” – ĐB Trần Du Lịch nêu ý kiến.
Cũng về đề xuất này, ĐB Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP.HCM) cho rằng, việc thành lập một bộ để thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực biển hiện nay là rất cần thiết.
Liên quan đến dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo do Chính phủ trình lấy ý kiến của Quốc hội, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, đây là luật mới, rất cần thiết. Với đặc điểm địa hình của đất nước, rõ ràng việc xây dựng luật đến bây giờ mới làm là quá chậm.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ: “Trung Quốc là nước không nhiều diện tích biển nhưng có tới 8 luật xung quanh vấn đề biển, trong khi đó Việt Nam thì ¾ diện tích lãnh thổ là biển nhưng đây mới là luật thứ 2”.
Đề cập đến nội dung điều 8 về những quy định cấm, ĐB Lịch nói: “Việc khai thác cát ven biển nó xói lở kinh lắm. Vậy thì cần phải có chế tài đủ mạnh để vừa răn đe và xử lý được nhằm bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ quyền quốc gia. Chứ như các quy định trong điều 8, tôi thấy còn chung chung lắm”.
Giống với quan điểm trên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng, bây giờ mới đưa ra bàn thảo luật này là quá muộn.
Thiếu “đá và bãi đá” trong luật
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo chú ý khi liệt kê “tài sản” quốc gia vào trong luật. Kiến nghị này đã gây sự chú ý của các ĐBQH và giới báo chí.
ĐB Nghĩa nêu, tại khoản 1 Điều 1 và Điều 2 quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, có viết: “Hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam”.
Về nội dung này, ĐB Nghĩa đề nghị, đã không liệt kê “phạm vi vùng trời, vùng biển, các đảo, quần đảo” thì thôi. Còn đã liệt kê như vậy nhất thiết phải bổ sung “đá, các bãi đá và các kiến tạo địa chất thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia Việt Nam”.
Lập luận về điều này, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong biển không chỉ có đảo và hải đảo mà còn có đá và bãi đá. Những thứ đó cũng là tài sản và là chủ quyền quốc gia.
“Hiện nay tranh chấp và suýt đánh nhau cũng chung quanh đá và bãi đá mà ra. Dù không có người sinh sống và đời sống kinh tế ở đó nhưng lại cực kỳ quan trọng.
Vì, người ta có thể dồn và dùng mấy bãi đá để xây dựng các công trình khác, có thể là những căn cứ quân sự, khoa học để từ đó khai thác rộng ra. Do đó, luật phải nêu cho sát để thuận cho giải quyết các thắc mắc nếu có khi xảy ra” – ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/134598/su-kien/de-nghi-thanh-lap-bo-kinh-te-bien.html
Related news
Nguồn nước sông ngòi ở Cà Mau đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi thuỷ sản của tỉnh. Vì vậy, bảo vệ môi trường nước trong nuôi thuỷ sản đang trở thành vấn đề bức xúc cần được quan tâm giải quyết để bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Bởi môi trường nước không những tác động rất lớn đến hiệu quả trong nuôi thuỷ sản, mà còn giúp các loài thuỷ sinh vật khác phát triển và cân bằng môi trường sinh thái trong tự nhiên.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, trong tháng 8/2013, toàn tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi 4.173 ha thủy sản, thu hoạch 11.066 tấn; nâng tổng diện tích đến cuối tháng 8 thả nuôi 47.994 ha; sản lượng thu hoạch 52.698 tấn, đạt 61,6% kế hoạch, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hiện đang thu hoạch vụ nuôi cá tra trong ao, hầm, với giá bán dao động ở mức 23.000 đồng/kg, Với mức giá bán này, người nuôi cá tra chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút ít, chứ chưa đạt lợi nhuận cao.
Mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ tháng 2/2011- 2/2012 với thuế suất 0%.
Sau một thời gian dài khó khăn về giá cả đầu vào và đầu ra, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An khá im ắng. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm bắt đầu chuyển động, báo hiệu nhiều tín hiệu khả quan cho ngành chăn nuôi.