Để ngành thủy sản phát triển bền vững

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, sông Lô, sông Gâm và lòng hồ thủy điện Tuyên Quang đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, những năm qua nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta phát triển khá nhanh về diện tích, sản lượng, giá trị. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản bao gồm ao hồ nhỏ là 2.016,3 ha, hồ thủy lợi là 729,9 ha, hồ thủy điện Tuyên Quang 8.446,5 ha, nuôi cá ruộng 6 ha. Số lượng lồng nuôi cá 663 lồng, đạt 73,1% so với kế hoạch 2015; sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.414,3 tấn, đạt 47,8% so với kế hoạch 2015, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2014 gồm các loài như cá chiên, lăng, điêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, cá dầm xanh, anh vũ, trắm cỏ, rô phi…
Để chủ động về nguồn giống cung cấp cho các hộ nuôi, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã sản xuất được 101,0 triệu con cá bột, đạt 27,88% so với kế hoạch năm. Bên cạnh đó, ngành thủy sản tỉnh còn triển khai thực hiện kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị thủy sản thuộc Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) năm 2015. Đồng thời, xây dựng và trình UBND tỉnh kế hoạch đấu thầu; đăng tải thông tin đấu thầu mua cá bố mẹ (cá chiên, cá lăng) trên Website của Bộ Kế hoạch Đầu tư để lựa chọn nhà thầu cung cấp cá giống bố mẹ đặc sản cho các tổ nhóm sản xuất tại trại cá Hoàng Khai (Yên Sơn).
Mặc dù nuôi trồng thủy sản của tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tăng về diện tích, sản lượng, giá trị nhưng hình thức nuôi vẫn ở quy mô nhỏ; hạ tầng vùng sản xuất còn rất hạn chế, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, thiếu kiểm soát nên việc đầu tư vốn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc giải ngân cho vay nuôi trồng thủy sản còn chậm, tình hình vi phạm quy chế quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, đặc biệt việc khai thác bằng vó đèn trên lòng hồ thủy điện, sử dụng xung kích điện trên sông, hồ vẫn còn diễn ra.
Việc kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm còn hạn chế, đặc biệt là việc quản lý trên dọc tuyến sông Lô, sông Gâm. Hiện nay mới có 2 huyện Nà Hang và Lâm Bình thành lập được lực lượng tuần tra làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, quản lý bảo vệ lâm sản, thủy sản trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang… Đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loại truyền thống nên sản lượng và giá trị sản xuất không cao, còn các đối tượng mới đòi hỏi người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật nên việc nhân rộng diện tích còn gặp khó khăn.
Để thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới ngành Thủy sản tỉnh đánh giá cụ thể về tiềm năng, thế mạnh, thực trạng của nuôi thủy sản, từ đó tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết cho từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng nuôi. Đồng thời có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nuôi kịp thời, hiệu quả; đầu tư sản xuất giống thủy sản tại địa phương để chủ động nguồn giống, đảm bảo chất lượng và giá thành. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao công nghệ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường...
Có thể bạn quan tâm

Sự học hỏi và lòng say mê lao động đã giúp anh Tống Văn Phong (ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) thành công với mô hình trồng cây quýt đường. Mô hình cho thu nhập cao này đã đưa gia đình anh Phong vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Huyện Mường Khương là vùng dứa tập trung lớn nhất tỉnh Lào Cai, mỗi năm thu hoạch chừng 12-13 nghìn tấn dứa, trị giá trên 70 tỷ đồng. Năm nay giá dứa giảm mạnh đã khiến nông dân thất thu hàng chục tỷ đồng…

Đến nay, các giải pháp ngăn chặn trước thực trạng tôm chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn chưa có hiệu quả. Khi các cơ quan chức năng đang loay hoay truy tìm nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi tôm hàng trăm tỷ đồng.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Dự án nuôi cá nước ngọt Gò Mèn, xã Đức Lân (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã thu hút 24 hộ dân tham gia với 7/18 ha được chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá, cá - lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ tăng thu nhập cho nông dân (lãi ròng từ 8 - 12 triệu đồng/vụ), mà cách thâm canh này cũng giúp môi trường nước được cải thiện.

Sau 3 năm trồng cao su ở Campuchia, đến nay Cty TNHH Phát triển cao su Bà Rịa–Kampong Thom đã định hình được 2 nông trường Outuek Thla và OuThum với DT trên 5.500 ha tại huyện Santuk, tỉnh Konpongthong, trong đó có 685 ha vào năm 2014 sẽ tiến hành khai thác...