Đầu Vụ Cá Nam, Ngư Dân Gặp Khó Khăn
Từ đầu năm đến nay, ngư dân xã Triệu An, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tích cực ra khơi đánh bắt vụ cá nam. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, ngư trường có xu hướng bị thu hẹp nên việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Những ngày giữa tháng 3/2014, chúng tôi trở lại xã Triệu An để nắm bắt tình hình khai thác hải sản của ngư dân nơi đây. Khung cảnh tại phía nam bến cảng Cửa Việt không tấp nập như thường thấy. Tầm hơn 8 giờ sáng nhưng cũng mới chỉ có vài tàu thuyền chậm rãi cập bến.
Ông Trương Tùng, chủ một tàu đánh bắt xa bờ cho biết: “Không như mọi năm thời điểm này là đã có lãi khá nhưng mấy chuyến biển đầu năm nay có khi không đủ tiền dầu và tiền công bạn tàu. Mong thời tiết tốt lên, ra khơi trúng luồng cá lớn may ra còn có động lực chứ đánh bắt kiểu này e phải cho tàu nghỉ nằm bờ”.
Nhiều chủ tàu khác như ông Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Giới, Nguyễn Điện… sở hữu tàu đánh bắt có công suất trên 110 CV đều có chung tâm trạng không vui sau thời gian đầu ra khơi đánh bắt vụ cá nam.
Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn xã Triệu An có khoảng 8 tàu xa bờ, 17 tàu trung bờ, hàng chục tàu gần bờ có công suất dưới 45 CV, hàng năm đánh bắt nguồn hải sản trị giá trên dưới 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay tình hình đánh bắt ngay từ đầu vụ cá nam- được xem là chính vụ đánh bắt hải sản- của ngư dân vùng biển lại không được như mong đợi.
Theo ông Nguyễn Giới, chủ tàu xa bờ nhiều năm gắn bó với biển khơi thì nguyên nhân khiến lượng hải sản đánh bắt bị giảm sút là do thời tiết diễn biến không ổn định. Ông Giới cho biết: “Trời cứ mưa rét diễn ra đan xen với nắng liên tục, kéo dài nên những người đi biển chúng tôi gặp khó, không thể chủ động được.
Cùng với đó, thời tiết như thế này rất khó để đoán định được luồng cá. Ngư trường thì đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt, thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến ngư dân thất thu. Vì đánh bắt sụt giảm, giá cả hải sản không cao trong khi đó kinh phí dầu mỡ, công cán cho bạn tàu ngày càng tăng nên rất khó có lãi”.
Những loại hải sản truyền thống mọi năm đánh bắt được khá phong phú với nhiều loại có giá trị cao như mực nang, mực ống, ốc hương, cá chim, cá ngừ… thì năm nay nhiều loại vắng bóng. Thay vào đó là nhiều loại hải sản như cá nục, mực ống loại nhỏ, cá duội, cơm…
Tuy nhiên thực tế những loại này bán giá thấp nên khó có thể mang lại lợi nhuận cho ngư dân. Từ đầu năm đến nay ngư dân trên địa bàn xã Triệu An chỉ mới đánh bắt được chừng trên 30 tấn hải sản.
“Chỉ có cá khoai đang được thị trường ưa chuộng nên dễ bán, giá lại cao nên may ra vớt vát được đôi chút còn những thứ hải sản khác thì hầu như đã bảo hòa nên khó bán, giá lại thấp. Mà mùa cá khoai sắp hết nên cũng khó khăn lắm. Ngư dân ở đây ai cũng muốn trúng những loại hải sản có giá trị cao, dùng xuất khẩu mà năm nay mất mùa quá nên ai cũng buồn.
Tôi đây là dân chạy chợ bán lẻ cá mú mà còn chẳng có ăn nữa, mong thời gian tới tàu thuyền làm ăn thuận lợi thì mình cũng có thu nhập khá hơn”, bà Lương Thị Tuyên, một phụ nữ chuyên thu mua hải sản tại cảng Cửa Việt rồi bán lẻ tại các chợ thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà than thở với chúng tôi.
Cũng chịu chung thời tiết bất ổn như hiện nay, ẩn chứa nhiều nguy cơ gây ra dịch bệnh nên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của xã Triệu An cũng đang chững lại. Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn xã cũng chỉ mới xuống giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích trên 6 ha với tổng số gần 350 vạn tôm giống. Trong khi nếu cùng kỳ những năm trước thì diện tích xuống tôm đã đạt gấp nhiều lần.
Ông Hoàng Cộng Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu An nhận định: “Không chỉ Triệu An mà theo tôi được biết thì một số xã vùng biển khác cũng chịu chung tình cảnh sản lượng hải sản đánh bắt đều giảm. Đây là khó khăn chung nên ngư dân cần cố gắng khắc phục, bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiếp tục vươn khơi bám biển.
Bởi cũng như nhiều nghề khác, nghề biển cũng có thời điểm thuận lợi, thời điểm gặp khó… Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích, động viên ngư dân ra khơi đánh bắt để nâng cao thu nhập cũng như đảm bảo kế hoạch khai thác hải sản đã đề ra.
Về nuôi trồng, địa phương cũng khuyến cáo người dân nên chuẩn bị kỹ mọi điều kiện tốt nhất trong các khâu vệ sinh ao hồ, tìm kiếm nguồn giống, phòng bệnh trước khi triển khai xuống giống đồng lọat để hạn chế rủi ro, đảm bảo vụ nuôi thắng lợi”.
Có thể bạn quan tâm
Sau gần 5 năm gắn bó với cây khoai sáp, nhiều hộ nông dân ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tìm được cho mình một loại cây trồng mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích loại cây này vì đầu ra không ổn định, việc tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Từ đầu tháng 6 âm lịch, núi rừng Thất Sơn được “tắm mát” bởi những cơn mưa đầu mùa, cây cối vươn lên trong màu xanh non tươi mới. Đây cũng là thời điểm cây bơ, hồng quân, xoài cát Hòa Lộc, thanh ca bản địa, mãng cầu… trên núi đua nhau vào vụ.
Từ đó, tôi nung nấu ý nghĩ phải thoát nghèo. Được sự hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước, nhất là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ cuối năm 2004 với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi mạnh dạn đi vay, mượn, chuyển đổi 7 ha đất trồng lúa đồi sang trồng cà phê”.
Đi dọc các cánh đồng tôm trên địa bàn tỉnh vào thời điểm sắp sửa thu hoạch vụ 2, chúng tôi chứng kiến cảnh lều bạt chỏng chơ, ao nuôi hoang hóa. Nghề nuôi tôm một thời hưng thịnh với diện tích hơn 2.000ha ao nuôi nay lâm vào cảnh tiêu điều.
Sáng ngày 8/8, Hội Thủy sản Trà Vinh tổ chức hội nghị tổng kết chương trình chuỗi cung ứng cá tra bền vững và trao Giấy chứng nhận Global GAP cho nhóm nông hộ nuôi cá tra (còn gọi là tổ hợp tác nuôi cá tra Trà Vinh), gồm: ông Giang Văn Bảy, ông Nguyễn Văn Hồng, ông Trần Văn Truyền, xã Tân Hòa, Tiểu Cần; ông Lê Văn Thắng, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tổng diện tích nuôi hơn 10.000ha.