Đầu Tư Cho Người Nuôi Cá Làm Ăn Lớn

Được Quỹ Hỗ trợ nông dân (ND) cho vay vốn, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội đã có điều kiện mở rộng diện tích, cải tạo ao, mua thêm cá giống về nuôi...
Xã Phương Tú có 3.212 hộ thì gần 600 hộ nuôi cá, với diện tích 128ha. Nhiều năm nay, nuôi cá đã mang lại thu nhập cao cho ND nơi đây.
Mua thêm cá giống
Được Hội ND xã giới thiệu, chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Kháng, thôn Dương Khê, hộ nuôi thủy sản được Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) cho vay vốn. Chị Kháng cho biết, từ những năm 1992 gia đình chị đã nuôi thủy sản, thời điểm đó phong trào nuôi cá ở đây chưa phát triển, cộng thêm không có kỹ thuật nên lời lãi không được bao nhiêu. “Sau một thời gian nuôi cá, tôi quay lại làm ruộng, vào thời điểm đó nếu so sánh thì trồng lúa vẫn là ăn chắc nhất”- chị Kháng nhớ lại.
Ba năm trở lại đây, khi phong trào nuôi thủy sản phát triển, nhiều hộ trong xã giàu lên từ nuôi cá. Năm 2103, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí dồn ô, đổi thửa, chị dồn đổi diện tích canh tác, quy hoạch tập trung thành 0,5ha.
“Tôi đang tính cải tạo lại đất ruộng, dành 4 sào để đào ao nuôi thủy sản nhưng vốn hơi cạn, rất may, tháng 11.2013, tôi được Hội ND xã cho vay 10 triệu đồng vốn quỹ thành phố” - chị Kháng cho hay. Cùng thời gian đó, chị tham gia lớp dạy nghề nuôi thủy sản do Hội ND xã tổ chức.
Có vốn, có kiến thức, chị yên tâm đầu tư xây dựng tường bao, mua giống cá về thả nuôi. Chị Kháng bảo: “Số tiền tuy không nhiều, nhưng đã tiếp thêm động lực cho gia đình tôi yên tâm làm ăn. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm thu 2 vụ cá, gia đình tôi sẽ có khoản thu đáng kể”.
Mở rộng diện tích ao
Cũng được vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND thành phố để đầu tư nuôi cá, anh Thái Văn Thành, thôn Hậu Xá cho biết: “Tính đến nay, gia đình tôi nuôi cá đã được 4 năm.
Trước đây, tôi chỉ nuôi một ao với diện tích 0,3ha. Tháng 11.2013, được Quỹ HTND thành phố cho vay vốn, tôi mở rộng thêm 1ao rộng 0,5ha. Đầu tư bài bản, lại nắm chắc kỹ thuật nên so với trồng lúa, nuôi cá lãi gấp 2 lần. Dự tính, với quy mô như thế, mỗi năm tôi thu 200-300 triệu đồng là chuyện bình thường”.
"Đầu tư bài bản, lại nắm chắc kỹ thuật nên so với trồng lúa, nuôi cá lãi gấp 2 lần. Tôi và những hộ nuôi cá mong muốn Hội ND thành phố tăng thêm vốn vay từ nguồn Quỹ HTND”.
Anh Thái Văn Thành
Ông Đặng Xuân Quế- Chủ tịch Hội ND xã Phương Tú cho biết: “Hội ND xã đã có nhiều chương trình hỗ trợ để ND sản xuất, trong đó có nguồn vốn từ Quỹ HTND thành phố, với tổng nguồn vốn 300 triệu đồng cho 30 hộ vay, thời gian vay 24 tháng. Khi nhận được nguồn vốn ủy thác từ Hội ND thành phố, Hội ND xã đã thành lập ban điều hành. Ban thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay. Đến nay, không có trường hợp nợ quá hạn và sử dụng vốn sai mục đích.
Cũng theo ông Quế, phí vay vốn dành 0,1% vào quỹ rủi ro. Trong trường hợp bất khả kháng như: Cá chết do dịch bệnh, thời tiết... tùy vào mức độ thiệt hại, Hội ND xã sẽ trích nguồn quỹ này để đền bù cho các hộ chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Ở Lâm Đồng, “Gạo Cát Tiên” là sản phẩm lúa gạo duy nhất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Đó là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 4900.

Ông Trịnh Cảnh ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa, Phú Yên) là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi từ nuôi heo và bò sang nuôi nai, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông ngày càng khá hơn.

Sau 2 tháng xuống giống nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ vụ xuân hè năm 2012, hầu hết tôm cá nuôi tại ao, đầm của Thái Thụy (Thái Bình) đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau những vụ “độc canh” con tôm sú gặp rủi ro, “thất bát” vì dịch bệnh, năm nay nông dân bước đầu chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi thả, chú trọng khâu cải tạo ao đầm, kỹ thuật chăm sóc… quyết tâm giành vụ NTTS thắng lợi cả về sản lượng và giá trị thu nhập.

Sau hành, tỏi, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn nổi tiếng với dưa hấu. Dưa hấu trồng ở đảo này có vị thơm ngon đặc biệt nên được thị trường ưa chuộng, giúp hàng trăm nông dân Lý Sơn có thêm nguồn thu nhập.

Từng là một đội viên du kích, xã đội trưởng gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước, người thương binh ¼ Nguyễn Văn Hồng được điều động vào đội công tác của tỉnh Quảng Nam bổ sung cho đội ngũ cán bộ cốt cán xây dựng điểm kinh tế mới Cư Phiăng, xã Hòa Phong (Krông Bông). Ở quê hương mới, ông Hồng từng đảm nhiệm công tác Đoàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sơn Phong, sau đó công tác tại Công ty Vật tư Nông nghiệp huyện Krông Bông và về nghỉ mất sức năm 1986 vì lý do sức khỏe.