Nông Dân Quảng Tân Sản Xuất Cà Phê Theo Hướng Bền Vững
Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).
Mô hình thu hút tham gia 60 hộ dân, với 30 ha cà phê vối tập trung ở các thôn Đắk R’tăng, Đắk M’rê, thôn 7, thôn 4, thôn 8, thôn 5 và thôn Đắk Suôn, xã Quảng Tân (Tuy Đức).
Theo đó, tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn các kỹ thuật bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản theo tiêu chuẩn 4C, đồng thời được tập huấn về bộ quy tắc 4C. Trong quá trình triển khai mô hình, các cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện cũng đã theo sát diễn biến từng vườn cây, do đó, giúp bà con kịp thời điều chỉnh, bổ sung những vấn đề còn hạn chế về cách áp dụng các kiến thức đã học.
Nhờ đó, các vườn cà phê sản xuất theo mô hình đều cho kết quả khả quan, giảm được sâu bệnh, năng suất cao hơn và chất lượng hạt cà phê cũng hơn hẳn so với trước kia.
Theo ông Nguyễn Hoàng ở thôn Đắk R’tăng thì qua tham gia mô hình, ông đã biết cách tạo tán, tỉa cành hợp lý. Ông không còn để nhiều cành như trước đây mà mạnh tay bỏ những cành phụ, cành nhỏ, cành sát đất nhằm tập trung dinh dưỡng cho những cành chính.
Tán cây nhìn cũng không quá sum suê mà thông thoáng hơn nên hạn chế được phần nào sự phát sinh của sâu bệnh, nhất là trong mùa mưa. Do được tạo tán đúng cách nên cành cà phê dài, khỏe, quả cũng to và nhiều hơn. So với trước, năng suất tăng lên 2 tạ/ha.
Còn theo ông Trần Phụng thì sản xuất cà phê bền vững giúp ông hiểu được giá trị của việc bảo vệ tài nguyên đất, tạo môi trường trong sạch cho vườn cây.
Cụ thể như việc trước đây, gia đình ông chú trọng nhiều đến các loại phân hóa học thì nay đã cân đối tất cả các thành phần, nhất là ưu tiên dùng các loại chế phẩm vi sinh, phân sinh học, phân chuồng để tạo độ phì nhiêu cho đất, nhờ đó đất không còn chai cứng.
Cũng theo ông Phụng thì tổng số chi phí đầu tư cho mỗi héc ta cà phê trước kia là hơn 30 triệu đồng gồm phân bón, thuốc trừ sâu, trừ bệnh nhưng khi tham gia mô hình chỉ mất khoảng 26 triệu đồng. Chi phí giảm nhưng năng suất lại tăng cho nên thu nhập trên cùng diện tích cũng tăng lên đáng kể.
Nếu tính giá trung bình khoảng 33.000 đồng/kg, với năng suất trung bình của các mô hình là 4,1 tấn/ha thì nhà nông thu về 135 triệu đồng, trừ chi phí 26 triệu đồng thì có lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Tuy Đức thì kết quả quan trọng nhất khi tham gia mô hình là các hộ dân đã được học và thực hành đạt hiệu quả các kỹ thuật cao trong chăm sóc cà phê.
Nhờ đó, đất đai được cải tạo, tơi xốp, những công đoạn chăm sóc như tỉa bỏ những cành sinh trưởng kém, cành tăm, phun thuốc 4 đúng (liều lượng, thời điểm, nồng độ, đúng loại), hạch toán kinh tế đều đã đem lại cho bà con những tư duy mới trong việc thâm canh cà phê. Kết quả đối chứng cho thấy, vườn mô hình sản xuất cà phê bền vững thu từ 3,9-4,3 tấn/ha, trong khi đó chi phí giảm và đảm bảo sức khỏe vườn cây, duy trì năng suất vụ sau.
Công ty Netslé đã liên kết với các đại lý để thu gom toàn bộ sản phẩm của tất cả các hộ tham gia mô hình với giá cộng thêm là 200-300 đồng/kg. Từ thành công này, huyện sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các cuộc tham quan, hội thảo để nhân rộng ra tất cả các xã.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2011 Cần Thơ xây dựng CĐL đầu tiên chỉ với 400 ha, đến vụ HT 2014 có 14 DN ký hợp đồng liên kết trên 63 CĐL trên 5.700 ha với 12.000 nông hộ tham gia. Nhiều nông dân cho biết sản xuất trong CĐL an tâm không phải lo khâu tiêu thụ nhờ có sự tham gia bao tiêu của DN và đạt lợi nhuận cao so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại hai xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện tại, toàn huyện có 730 hộ sản xuất muối, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.800 lao động. Trong năm 2014, toàn huyện đưa vào sản xuất gần 1.700 ha ruộng muối, trong đó có hơn 900 ha ứng dụng phương pháp trải bạt, tăng 519 ha so với năm 2013.
Ông Trịnh Thanh Hồng, Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) than thở, năm nay, sau vụ thu hoạch tôm, nhiều hộ còn nợ tiền thức ăn của ông. Tính đến nay, số hộ và xã viên HTX còn nợ tiền thức ăn nuôi tôm do ông Hồng làm đại lý gần 2 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ 2013.
Những năm trước đây, cứ khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước lũ tràn về, cánh đồng Gò Kén, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh lại nhộn nhịp người đi đánh bắt cá. Mùa nước nổi năm nay, tuy lũ về sớm nhưng lại lên xuống thất thường khiến cho bà con nông dân vốn quen làm nghề này cũng phải vất vả lắm mới kiếm được con cá.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm chân trắng, vừa qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm chân trắng thương phẩm theo hướng VietGAP tại Móng Cái. Bước đầu, mô hình đã cho năng suất khá cao, không xảy ra dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra triển vọng mới đối với nghề nuôi tôm chân trắng.