Đầu Năm Hồi Hộp, Lo Lắng Về Cá Tra
Năm 2014 kết thúc, khép lại một năm “trầm lắng” cho DN XK cá Tra Việt Nam, khi mà nhu cầu thị trường chưa hồi phục, hoạt động sản xuất và chế biến trong nước khó khăn, tổng kim ngạch XK của mặt hàng thủy sản XK chủ lực này ước đạt 1,75 tỷ USD, tương đương với năm trước. Và ngay đầu tháng 01/2015, hai thông tin nóng nhất về con cá Tra lại đang thu hút sự quan tâm của người nuôi, DN XK, khách hàng NK với tâm trạng hồi hộp và lo lắng: đó là việc lùi thời hạn thực hiện 2 điểm trong NĐ36 với sản phẩm cá Tra XK và lần đầu tiên lô hàng cá tra bị cảnh báo tại EU về hóa chất kháng sinh.
Vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP thống nhất chưa thực hiện các quy định tại điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) với sản phẩm cá tra philê XK là: phải đảm bảo hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh và tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% đến hết ngày 31/12/2015.
Quyết định phù hợp tại “phút chót” này của Chính phủ và Bộ NN và PTNT đã khiến DN XK cá Tra Việt Nam giải tỏa bớt căng thẳng, khó khăn vì thời hạn thực thi cận kề mà DN không kịp giải quyết hàng tồn, không có thời gian thuyết phục khách hàng, thị trường chấp nhận sản phẩm theo quy định mới. Và đây là một thử thách không nhỏ với DN cá Tra trước sự cạnh tranh gay gắt của mặt hàng cá thị trắng.
Lùi thời gian thực hiện quy định mới thêm một năm cho sản phẩm cá Tra philê đông lạnh XK đã là một tin đáng trông đợi trong đầu năm mới, tiếp theo cả ngành lại trông chờ vào kết quả Đề tài khoa học cấp cơ sở “Khảo sát bổ sung nhằm đánh giá các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến hàm lượng nước trong cá tra nguyên liệu” vừa được Hội đồng thẩm định nghiệm thu lần 1 vào ngày 29/12/2014. Kết quả này rất quan trọng để có quyết định về tỷ lệ nước và mạ băng trong sản phẩm cá Tra bao nhiêu là phù hợp với thực tế trong quy trình chế biến cá tra và yêu cầu từ thị trường NK. Nói như Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, Bộ đưa ra chỉ tiêu cụ thể như vậy là để hướng tới cung cấp cho thị trường sản phẩm cá tra có chất lượng và nâng cao uy tín trên toàn thế giới.
Ngày 17/12/2014, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã có công văn thông báo, ngày 10/12/2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng - Ủy ban Châu Âu (EC) đã có thông báo tình hình các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào thị trường EU, trong đó có tôm, cá tra….Đồng thời cho biết, trước ngày 9/01/2015, nếu phía Việt Nam không có các biện pháp khẩn cấp và thông báo cho phía EU thì cơ quan thẩm quyền EU sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khu vực này kể cả việc cấp NK thủy sản từ Việt Nam. Đây là lần đầu tiên cá Tra bị cảnh báo là có dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép.
Mặc dù trước đây, Bộ NN và PNT đã nhận diện việc sử dụng kháng sinh cấm và tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản chưa được kiểm soát một cách triệt để. Do đó, khâu nuôi là khâu yếu nhất trong chuỗi quản lý CL, ATTP. Sự cố kháng sinh trong lô hàng cá tra XK vượt ngưỡng cho phép tại EU khiến cho cơ quan quản lý không thể không có những biện pháp khẩn cấp.
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2014 tổ chức vào ngày 25/12/2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: "Điều mà tôi trăn trở nhất hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản, tôi quyết định lấy năm 2015 là năm an toàn thực phẩm”.
Ngay trong ngày 25/12/2014, Bộ NN và PTNT đã ra Chỉ thị số 10318/CT-BNN-QLCL thực hiện các biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và XK thủy sản, trong đó, Bộ chỉ thị UBND các tỉnh/Tp trực thuộc TƯ có vùng nuôi thủy sản XK chỉ đạo các Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương tổ chức lực lượng thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán, sử dụng hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản không có tên trong danh mục được phép lưu hành. Các Chi cục Thú y tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra trong quá trình lưu thông, mua bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y thủy sản. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các Chi cục thủy sản; Chi cục nuôi trồng thủy sản tăng cường kiểm tra trong quá trình sản xuất, lưu thông, mua bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người nuôi tại thực địa thực hiện “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi và trị bệnh cho thủy sản.
Các DN XK thủy sản rà soát các chương trình kiểm soát CL, ATTP theo HACCP đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của DN đối với các lô nguyên liệu tiếp nhận để chế biến XK.
DN XK thủy sản mong muốn và tin tưởng rằng với những chỉ đạo kịp thời, cấp bách của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT ngay từ đầu năm về việc kiểm soát hóa chất kháng sinh không phải chỉ ở đầu ra XK mà cả chuỗi sản xuất, nhất là “lỗ hổng” lớn từ khâu nuôi trồng, cộng với những nỗ lực tái cơ cấu ngành thì từ năm 2015, chất lượng sản phẩm thủy sản, trong đó có sản phẩm XK chủ lực cá Tra sẽ ngày càng nâng cao, uy tín càng được giữ vững.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến thời điểm hiện tại, các mặt hàng nông sản (gạo, ngô, sắn, bột ngô...) đang bị ùn ứ nghiêm trọng tại các cảng Nam Ninh, Vật Cách, Hoàng Diệu (Hải Phòng), số lượng lên tới hàng vạn tấn.
Ngày 24/4, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tàu Dân Tiến, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết đơn vị vừa phát hiện 2 vụ nhập lậu sò Trung Quốc vào nội địa.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật Bản nhằm nâng cao chất lượng cá ngừ và giá trị kinh tế cho ngư dân.
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt nói riêng. Những kết quả đạt được về nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần tích cực vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.