Liều thuốc vực dậy nghề nuôi
Tuy nhiên, ngành thủy sản nước ta cần phải cải thiện toàn diện để vừa “đón” được cơ hội này và cũng vừa để cân bằng lợi ích giữa nông dân (người nuôi) với doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của NTNN, tại nhiều vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người nuôi tôm vẫn đối mặt với rất nhiều rủi ro như giá cả bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra và rất nhiều người đang hi vọng TPP sẽ như một “liều thuốc” để vực dậy nghề nuôi.
Niềm tin vượt khó
Những ngày này trên các vùng nuôi thuỷ sản thuộc tỉnh An Giang, người dân và các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản đang rất ngóng chờ thông tin về TPP.
Gặp chúng tôi, ông Lương Văn Tước - nông dân nuôi hơn 10ha tôm càng xanh ở huyện Thoại Sơn nói: “Chúng tôi cũng có nghe nói về TPP và hy vọng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc nuôi tôm thời gian tới”.
Ông Tước cho biết, trong mặt hàng tôm càng xanh, từ trước tới giờ, đối thủ đáng ngại của chúng ta chỉ có Thái Lan nhưng TPP không có sự tham gia của quốc gia này.
Hơn nữa so với các thành viên TPP, Việt Nam có lợi thế về nguồn nước, diện tích nuôi tôm.
Nông dân xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thu hoạch tôm càng xanh.
Người nuôi tôm và cá tra ở TP.Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng...cũng đặt nhiều niềm tin vào TPP.
Ông Lê Văn Hai -nông dân nuôi cá tra lâu năm ở phường Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) nói: “Khi tham gia TPP, sức tiêu thụ cá tra có thể sẽ khả quan hơn, vì chúng ta có thêm thị trường lớn như Úc, Canada… thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ.
Theo đó, sẽ không xảy ra tình trạng giá cả bấp bênh, người nuôi thua lỗ nữa, nhưng chúng tôi cũng mong được nhà nước hỗ trợ nhiều hơn, nhất là vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư các thiết bị công nghệ cao để nuôi cá”.
Cũng nói về TPP, ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) hy vọng: “Người nuôi tôm đang đối mặt nguy cơ thua lỗ do giá thành thấp, dịch bệnh hoành hành, cộng với việc người dân hết vốn tái sản xuất.
Do đó nếu có được một cơ chế mới làm tăng giá trị sản phẩm con tôm, thì là điều rất vui mừng cho người nuôi”.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), việc gia nhập TPP sẽ tạo ra thị trường tốt nhất cho xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau, mà đặc biệt là Nhật Bản.
“Việc chúng ta tham gia TPP không chỉ có lợi cho DN mà là cả quy trình nuôi, trong đó có nông dân.
Bởi tất cả các mặt hàng vật tư, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, phụ gia thức ăn… đều áp thuế 0%” – ông Ngô Thanh Lĩnh - Tổng Thư ký CASEP nói.
TPP không giải quyết được hết mọi chuyện
" Việc chúng ta tham gia TPP không chỉ có lợi cho DN mà là cả quy trình nuôi, trong đó có nông dân.
Bởi tất cả các mặt hàng vật tư, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản, phụ gia thức ăn...đều áp thuế 0%”. Ông Ngô Thanh Lĩnh - Tổng Thư ký CASEP
Tôm và cá được coi là sản phẩm chủ lực của các tỉnh ĐBSCL với kim ngạch xuất khẩu lên tới cả tỷ USD mỗi năm.
Riêng tại Cà Mau diện tích nuôi thả tôm đã lên đến hơn 267.000ha- lớn nhất cả nước.
Năm 2014 là năm thứ hai tỉnh này đạt kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Với TPP, chúng tôi sẽ tăng cường mở rộng diện tích sản xuất có chất lượng hơn, đáp ứng các yêu cầu quốc gia nhập khẩu”.
Tuy vậy, ông Bằng cũng cho rằng, TPP không phải là “cây đũa thần” có thể giải quyết được hết mọi việc: “Tuy hàng rào thế quan được gỡ bỏ nhưng không loại trừ khả năng các nước nhập khẩu sẽ tăng cường các hàng rào phi thuế quan (chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện về kỹ thuật sản xuất…) để bảo hộ sản xuất trong nước của họ”.
An Giang hiện có trên 200ha nuôi tôm càng xanh với sản lượng trên 200 tấn/năm.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, An Giang sẽ có 550ha nuôi tôm càng xanh, chủ yếu theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
“Tới đây, An Giang sẽ thực hiện mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô lớn nhất là tại huyện Thoại Sơn” – bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang cho biết.
Với góc độ là DN xuất khẩu, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ: “Bên cạnh các hiệp định song phương, việc tham gia TPP sẽ tạo ra hành lang pháp lý công bằng, để các nước nhập khẩu không đưa ra các hàng rào kỹ thuật vô lý như trước đây”.
Vấn đề là, theo ông Quang, khi gia nhập TPP cũng sẽ có nhiều thách thức như thương hiệu, hội nhập, bản quyền...
cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Còn ông Đỗ Văn Nghiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản AFA cho rằng: “Thời gian qua, các DN chế biến, xuất khẩu cá tra ở An Giang cũng như ĐBSCL cạnh tranh bằng cách sản xuất hàng giá rẻ nên chất lượng chưa cao.
Cách làm này là “gậy ông đập lưng ông”, vô tình DN đã tự giết lẫn nhau.
Vì lẽ, giá rẻ đi kèm với chất lượng kém.
Trong khi gia nhập TPP, đòi hỏi hàng hóa phải chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý thì mới có thể cạnh tranh với hàng hóa các thành viên trong TPP”.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công thương An Giang: Tổ chức lại sản xuất
Tham gia TPP, vấn đề thuế suất xuất khẩu sẽ không còn lo ngại nữa, giá bán sẽ nhích lên, theo đó người nuôi và DN xuất khẩu có thêm lời.
Ngoài thị trường lớn là Mỹ, chúng ta sẽ có thêm các thị trường lớn khác trong TPP.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ngành cá tra khi tham gia TPP ở chỗ, phải tổ chức lại hệ thống phân phối và liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như ổn định chất lượng sản phẩm.
Việc này ở An Giang mới chỉ có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thuận An thực hiện, còn các DN khác vẫn chưa mạnh dạn đầu tư theo chuỗi.
Mặc khác, lộ trình triển khai xây dựng thương hiệu ngành thủy sản vẫn chưa được cơ quan cấp trên hướng dẫn thực hiện.
TS Lê Văn Bảnh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT): Giá cả phải cạnh tranh
Không riêng TPP, ở các hiệp định khác, ngành thuỷ sản Việt Nam sẽ được lợi về thị trường, giảm được thuế.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là sản phẩm của nước ta, cụ thể là vùng ĐBSCL phải đạt theo tiêu chuẩn nhóm TPP yêu cầu.
TPP sẽ đặc biệt chú trọng về sở hữu trí tuệ nên sản phẩm làm ra phải truy xuất được nguồn gốc, kỹ thuật sản xuất phải cao nhưng giá bán phải hết sức cạnh tranh, nếu không sẽ bị trả lại.
Do đó, chúng ta đừng quá lạc quan nghĩ rằng, cứ vào TPP là xuất khẩu thủy sản cũng sẽ tăng.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phan Văn Đon- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết, định hướng của các tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay là tập trung đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình hiện đại, quy mô lớn. Và để đạt được mục tiêu này cần có một nguồn lực tài chính mạnh.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gieo trồng rau cải trong nhà lưới, giúp cho xã viên HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội phấn khởi thu hoạch cải trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều năm gần đây, các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn, Quảng Nam).
Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị xã Phú Thọ đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh tế mới và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, hộ nghèo vượt khó làm giàu chính đáng do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, hội viên nông dân phường Tiên Cát - thành phố Việt Trì đã mở rộng ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.