Đầu Năm Con Tôm Gặp Khó

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL đang tăng cao. Từ đầu tháng đến nay, các thương lái đang thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 250.000- 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg từ 160.000 - 170.000 đồng/kg; tăng bình quân 10.000- 30.000 đồng/kg so với tháng trước và là mức giá cao nhất trong khoảng một năm nay.
Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm ở vùng tôm lớn nhất Việt Nam này lại cho biết, giá tôm tăng cao nhưng hầu hết người nuôi không còn tôm để bán do đang vào thời điểm vụ nghịch; hơn nữa, năm ngoái tôm nuôi ở ĐBSCL bị dịch bệnh làm chết tràn lan nên sản lượng tôm thiếu trầm trọng, kéo theo giá không ổn định khiến nhiều hộ nuôi tôm đã bỏ nghề.
Hiện nay các doanh nghiệp chế biến tôm phải đối mặt với vấn đề thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng và thuế nhập khẩu nguyên liệu cao. Giá tôm nguyên liệu trong nước đang cao hơn 20- 30% so với Ấn Độ, 30% so với Ecuador… trong khi giá bán tôm Việt Nam ra thị trường thế giới không thể cao hơn các quốc gia khác.
Không chỉ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu mà tôm Việt Nam cũng vừa có một năm lao đao tại hầu hết các thị trường nhập khẩu chính. Trong top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, chiếm khoảng 95% tổng giá trị, có đến 5 thị trường sụt giảm mạnh về giá trị, bao gồm Mỹ giảm 15,6%, EU 25%, Canada 14%, ASEAN 22%, Thụy Sĩ gần 11%.
Đáng lo ngại là vấn đề “hàng rào kỹ thuật Ethoxyquin” được dựng lên tại thị trường Nhật Bản, vốn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam hiện nay, với yêu cầu tôm nhập khẩu vào nước này thì dư lượng chất Ethoxyquin không quá 0,1ppm.
Hiện Nhật là thị trường lớn nhất, chiếm tới 27,7% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm ngoái. Quy định của Nhật khiến người nuôi tôm trong nước gặp khó khăn. Không những thế, tại thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét đơn kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam, do nghi ngờ tôm nhập khẩu từ các nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ.
Nếu phía Mỹ kết luận tôm Việt Nam có trợ cấp của chính phủ, các nhà xuất khẩu tôm sẽ gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ vì phải chịu cả 2 loại thuế bán phá giá và bán trợ cấp.
Theo Vasep, hàng loạt những khó khăn trên đã khiến 1/3 số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu mặt hàng tôm. Một số doanh nghiệp còn hoạt động đã phải lựa chọn giải pháp nhập khẩu tôm nguyên liệu có giá rẻ hơn, đảm bảo về dư lượng hóa chất, để chế biến, xuất khẩu nhằm giữ chân khách hàng.
Có thể bạn quan tâm

Mật ong hoa nhãn là đặc sản của Hưng Yên, được thị trường ưa chuộng, giá cao hơn so với các loại mật khác từ 30 – 50 nghìn đồng/kg. Việc xây dựng thương hiệu cho mật ong hoa nhãn Hưng Yên sẽ giúp loại đặc sản này khẳng định uy tín, chất lượng, thêm cơ hội vươn ra thị trường rộng lớn.

Xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp đang được nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin, tỉnh Dak Lak) lựa chọn không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động và phát huy thế mạnh của địa phương góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

Do sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá không đúng cách, nước ao hồ tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong tỉnh Bắc Giang đang bị ô nhiễm nặng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh ở cá liên tiếp xảy ra, nhất là vào mùa nắng nóng gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hà Xuân Tùng, 64 tuổi, ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) mỗi năm thu lợi trên 140 triệu đồng nhờ nuôi trùn quế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Theo các kết quả nghiên cứu, các bệnh thường gặp trên tôm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đầu vàng... thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn chuyển mùa và thời gian tới là giai đoạn thuận lợi nhất để các mầm bệnh trên tôm nuôi phát triển