Nông Dân Miền Tây Thất Thu Vì Tôm Thẻ Chân Trắng
Vụ thu hoạch này người nuôi tôm giảm lãi khoảng 30-40 triệu đồng mỗi tấn, do giá giảm không đủ bù đắp chi phí.
Hàng nghìn nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng đồng bằng sông Cửu Long đang mất ăn mất ngủ vì thời gian gần đây giá tôm nguyên liệu có tăng trở lại nhưng còn chậm khiến bà con chưa đủ bù đắp giá thành. Ông Lê Văn Tích ở xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết vụ này thả 500.000 tôm thẻ, thu hoạch hơn 9,2 tấn nhưng chỉ bán được 1,3 tỷ đồng.
"Đầu vụ tôm loại 45 con một kg giá 190.000 đồng, nay chỉ còn 142.000-145.000 đồng một kg khiến tôi mất hơn 420 triệu đồng", ông Tích tính toán.
Thu hoạch sau ông Tích để chờ giá lên, ông Phạm Văn Quắn ở xã Mỹ Long Nam cho biết vài ngày gần đây giá tôm tăng nhưng rất chậm và thấp hơn rất nhiều so với đầu vụ. Tại Trà Vinh, tôm loại 100 con giá 97.000 đồng một kg, loại 75 con giá 115.000 đồng và 50 con giá 124.000 đồng, giảm 30.000-60.000 đồng một kg so với cùng kỳ năm trước.
Tại Bạc Liêu, giá tôm thẻ chân trắng đang tăng từ 15.000 đến17.000 đồng một kg và giá tôm sú chỉ biến động nhẹ theo hướng có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, người nuôi cho rằng giá tôm thẻ như hiện nay chưa đủ bù đắp chi phí giá thành bởi giá con giống, thức ăn đều tăng.
Ông Dương Văn Đởm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cầu Ngang đánh giá vụ trước tôm thẻ chân trắng trúng giá đậm nên năm nay nhiều người ồ ạt bỏ tôm sú để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Giá tôm thẻ đầu vụ khá cao, nông dân thu hoạch sớm lãi từ 30 đến 40% so với vốn đầu tư, gần đây tôm giảm giá mạnh lợi nhuận người nuôi teo tóp dần. Dự báo vào vụ thu hoạch rộ giá sẽ còn biến động bất thường.
Theo thạc sĩ Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện vùng ngập mặn ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành có hơn 34.380 hộ thả nuôi trên 3 tỷ con tôm giống trên diện tích 37.786 ha.
Trong đó, tôm sú chưa được một nửa, còn lại là tôm thẻ chân trắng với trên có 6.600 hộ thả nuôi 1,65 tỷ con giống (diện tích hơn 4.000 ha, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ). Tại các tỉnh khác như Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng ồ ạt cũng đang diễn ra. Nhiều nơi nông dân phá mía, đào ao trên đất ruộng để nuôi tôm thẻ.
Nhận định của Sở Nông nghiệp các tỉnh miền Tây, nguyên nhân tôm thẻ chân trắng giảm giá do hiện nay tại Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… nghề nuôi tôm thẻ đã hạn chế được dịch bệnh khiến sản lượng tăng lên. Từ đó, nguồn cung trên thị trường dồi dào trở lại đã khiến giá giảm mạnh.
Theo giới chuyên môn, tình trạng “bùng nổ” nuôi tôm thẻ chân trắng ở miền Tây đang dự báo nhiều bất lợi về giá cả và môi trường cũng như nguy cơ về dịch bệnh. Mới đây, Sở Nông nghiệp Cà Mau khuyến cáo người dân cần cân nhắc trước khi quyết định đầu tư nuôi tôm chân trắng với quy mô lớn vì ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro, trong khi số vốn đầu tư khá lớn.
Cụ thể, vốn đầu tư cho một ao nuôi tôm chân trắng thấp nhất là 200 triệu đồng, trong khi mỗi hộ nuôi ít nhất là hai ao. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi tôm cũng phức tạp do những quy trình không phù hợp với điều kiện và trình độ của người nông dân, trong khi tỷ lệ nuôi thành công là 50/50. Ngoài ra, tình trạng điện chập chờn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nghề nuôi gặp khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng mạnh ở các địa phương Cà Mau (tăng gấp 5 lần), Trà Vinh (tăng 4 lần), Sóc Trăng (tăng 167%), Bạc Liêu (tăng 118%)... Tại những địa phương này, tôm thẻ chân trắng đã được nuôi song song với tôm sú trong vài năm gần đây ở vùng nước lợ. Thậm chí, hiện nay nhiều vùng nước ngọt nông dân cũng nuôi tôm thẻ chân trắng.
Có thể bạn quan tâm
Các nhà vườn trồng nho cho biết, tình trạng khan hiếm nho là khó tránh khỏi khi nhiều tháng nay, nắng hạn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận.
Người nuôi tôm hùm Khánh Hòa đang lao đao vì giá giảm chưa từng thấy vào cuối vụ xuất bán. Hiện tôm hùm đã giảm giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013, qua 2 năm, 13 tỉnh ĐBSCL bắt tay thực hiện đến nay đã đạt được nhiều thành công nhất định.
Liên tiếp là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trồng rừng mới, với độ che phủ đạt 64%, song hiện nay tỉnh Tuyên Quang bị “tố” vì các dự án trồng rừng kém hiệu quả, nhiều nơi đã lợi dụng trồng mới để... phá rừng.
Như NTNN đã đưa tin, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang xuất hiện tình trạng sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) tàn phá cây cà phê, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Theo các chuyên gia nông nghiệp, loại sâu này hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.