Đảo Bé Ở Quảng Ngãi Được Mùa Tỏi
Cùng với người trồng tỏi trên đảo Lớn (An Vĩnh, An Hải), hiện nay người trồng tỏi ở đảo Bé, xã An Bình, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang khẩn trương thu hoạch diện tích tỏi đông xuân. Được mùa tỏi, không khí trên đảo Bé trở nên nhộn nhịp hơn.
Những ngày này trên đảo Bé người dân trở nên bận rộn hơn, người lớn thì ra đồng thu hoạch tỏi, người già, trẻ con ở nhà đảm nhiệm công việc cắt bỏ phần rễ và thân để kịp bán cho các tiểu thương từ đảo Lớn sang đặt hàng.
Cũng như bao gia đình khác trên đảo, thời điểm tỏi đang vào kỳ chín rộ gia đình bà Trần Thị Bông, xã An Bình liên tục bám đồng dài ngày để thu hoạch tỏi, phấn khởi cho biết: “Vụ tỏi này gia đình bà trồng 5 sào tỏi, nhờ thời tiết thuận lợi, cộng thêm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, công chăm sóc từ ban đầu nên năng suất sau khi thu hoạch tăng gấp 3 lần so với vụ tỏi năm trước”.
Theo nhẩm tính của bà Bông, với 5 sào tỏi khi thu hoạch năng suất cũng đạt trên 1 tấn tỏi, trừ chi phí gia đình lãi được khoảng chục triệu đồng.
Ở thời điểm đầu vụ, đảo Bé chịu ảnh hưởng liên tiếp các cơn bão khiến nhiều diện tích tỏi vừa được xuống giống bị mưa gió cuốn trôi. Tuy nhiên nhờ sự cần cù, chịu khó khôi phục sản xuất nên vụ tỏi đông xuân này đảo Bé trúng đậm. Ông Trần Sơn, một nông dân ở đảo Bé chia sẻ: “Được mùa tỏi nông dân trên đảo rất phấn khởi, có thêm thu nhập, không những người dân chúng tôi lo cái ăn, cái mặc, vật dụng cho gia đình, con cái ăn học mà còn góp thêm phần chi phí để đầu tư sản xuất vào vụ xuân hè sắp đến”.
Ông Trần Minh Hoằng - Bí thư Đảng ủy xã An Bình cho biết: “Vụ tỏi đông xuân này toàn xã trồng trên 18 ha diện tích, nhờ thời tiết giữa vụ trở đi thuận lợi, bên cạnh đó chính quyền xã cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng chăm sóc nên năng suất tỏi năm nay tăng từ 3-4 lần so với các vụ tỏi trước.
Hiện nay toàn xã đã thu hoạch được khoảng 14 ha diện tích, năng suất đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 106 tấn”. Dự kiến trong vài ngày tới, bà con nông dân đảo Bé sẽ thu hoạch hoàn tất diện tích tỏi đông xuân-ông Hoằng nói.
Cùng với việc thu hoạch tỏi đông xuân, người dân đảo Bé cũng đang tập trung chăm sóc một số cây trồng vụ xuân hè với hy vọng cây trồng vụ tới sẽ bội thu, để đời sống người dân nơi đây được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nghề nuôi tôm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng gặp khó khăn, người dân phải đối mặt với thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, đến khi thu hoạch, giá tôm không ổn định.
Chỉ còn khoảng 3-5 ngày nữa, vựa vải thiều Thanh Hà sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Thời điểm này, các nhà vườn vải thiều ở các vùng vải trọng điểm như Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn... (huyện Thanh Hà) cũng đã bắt đầu rục rịch vào vụ thu hoạch. Dọc hai bên tỉnh lộ 390, các chủ vựa thu mua vải thiều đã bắt đầu hoạt động tấp nập.
Đánh giá lại thực trạng diễn biến tình hình bệnh tôm ở Cà Mau, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề nuôi tôm bền vững là nội dung quan trọng tại hội thảo khoa học được tổ chức ngày 1/7 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải đồng tổ chức.
Mặc dù Ấn Độ và Ecuador vẫn trúng mùa, nhưng tôm nuôi của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia đang bị thiệt hại nặng do hội chứng chết sớm (EMS) nên nguồn cung không còn dồi dào như ở thời điểm tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường vẫn không suy giảm, giúp giá tôm tăng trở lại trong tháng 6.
Sáng 12/6, tại UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hỗ trợ vốn cho 150 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 15 tàu của huyện Núi Thành.