Nông dân Tháp Mười trăn trở chuyện trồng sen
Nông dân gặp khó khăn khi giá sen liên tục giảm mạnh
Theo nhiều nông dân trồng sen ở huyện Tháp Mười, hiện họ phải đối mặt với 2 khó khăn lớn là vấn đề tiêu thụ sen và quản lý dịch hại để đảm bảo năng suất. Ông Nguyễn Văn Hơn ở ấp 1, xã Mỹ Hòa cho biết: “Khoảng 5 năm trước tình hình tiêu thụ sen rất dễ dàng, bởi có đến vài chục thương lái thu mua sen tươi, do đó giá cả rất cạnh tranh, nông dân chỉ việc canh tác không lo vấn đề đầu ra. Còn bây giờ, trên địa bàn xã chỉ còn 3 - 4 lái sen nên vấn đề tiêu thụ gặp nhiều khó khăn”.
Ngoài ra, nông dân trồng sen ở Tháp Mười hiện còn phải đối mặt với khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh. Thay vì trồng xen vụ “một vụ lúa - một vụ sen” thì nhiều người lại trồng thâm canh sen. Trồng thâm canh nên đất không có thời gian nghỉ ngơi và cách ly mầm bệnh, do đó trên cây sen đang xuất hiện nhiều bệnh lạ, không có thuốc trị như bệnh thối ngó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây sen, làm sen giảm năng suất.
Ông Bùi Văn Ân ngụ ấp 1, xã Mỹ Hòa chia sẻ: “Sen được trồng trên đất mới hoàn toàn thì 1.000m2 có thể đạt 1 tấn gương tươi. Nếu giá từ 12 ngàn đồng/kg trở lên thì người nông dân mới có lãi. Bởi so với lúa thì trồng sen phải tốn hao nhiều chi phí hơn như: vật tư nông nghiệp, chi phí lao động thu hoạch sen...
Còn hiện nay, mức giá từ 7 - 8 ngàn đồng/kg, nhưng do thâm canh nên năng suất chỉ đạt từ 400 - 500kg gương tươi thì coi như lỗ vốn. Nếu giá sen cứ thế này thì chắc phải tìm cây trồng khác để thay thế. Nhưng trồng lúa thì giá thấp, trồng sen thì tiêu thụ khó, bây giờ cũng không biết phải trồng loại cây nào”.
Thông thường khi giá nông sản giảm, người nông dân là thành phần thường chịu nhiều thiệt thòi, tuy nhiên khi sản phẩm khó tiêu thụ thì những người đứng ở khâu trung gian như thương lái cũng gặp không ít khó khăn và rủi ro. Anh Hà Phước Dũng - chủ cơ sở thu mua và chế biến sen Dũng Diệp, xã Mỹ Hòa chia sẻ: “Những năm trước, sen của quê mình đắt như “tôm tươi”, những lúc hiếm hàng các chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh gọi điện đặt hàng dồn dập.
Còn bây giờ, sen không còn là độc quyền của riêng Đồng Tháp mà các tỉnh như: Long An, Cần Thơ họ cũng trồng khá nhiều, chưa kể năng suất của họ tốt hơn ở tỉnh mình. Do đó, các chợ tiêu thụ hàng không kịp, tình trạng dội chợ thường xuyên xảy ra. Những năm trước sen lụa còn bán sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan, riêng năm nay thì các thị trường này không còn nhập hàng, sen tươi chủ yếu được tiêu thụ ở nội địa. Vì vậy, dù ở địa phương không có sen nhưng giá sen vẫn cứ mất giá và chúng tôi cũng liên tục chịu cảnh thua lỗ”.
Ông Bùi Văn Kiệt ngụ xã Mỹ Hòa tâm sự: “Hiện người trồng sen đang gặp nhiều khó khăn, chúng tôi rất mong liên kết được với công ty thu mua như sản xuất lúa. Do phần lớn các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công bằng tay chân, chưa có máy móc hỗ trợ nên tốn chi phí cho các khâu này rất nhiều.
Thế nên, chúng tôi rất mong được hỗ trợ về khoa học công nghệ, ứng dụng máy móc nhằm góp phần giảm giá thành cho sen, cũng như nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm sen”.
Có thể bạn quan tâm
Trước nhu cầu tiêu thụ thịt dê mạnh, nhiều nông dân ở An Giang đang phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng hoặc thả lan, đem lại thu nhập cao.
Bệnh khô vằn, bệnh đốm nâu, bệnh đốm lá… tiếp tục hại ngô. Sâu xanh, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn… hại nhẹ các loại rau màu.
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của ông Mol cũng như 47 hộ chăn nuôi khác ở xã Tân Tuyến đều cho thấy, heo nuôi khỏe mạnh và tăng trưởng nhanh.
Quá trình nuôi tôm theo VietGAP, công tác quản lý con giống, kiểm soát dịch bệnh và quản lý các chế phẩm sinh học phải được gắn liền với nhau.
Nông dân Danh Văn Dưỡng ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn là cha đẻ của 3 bộ giống lúa mới, có tính chống chịu tốt, cứng cây, kháng sâu rầy và cho năng suất cao.