Hướng đi mới từ măng tây xanh
Hiệu quả kinh tế cao
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thuận Bùi Thị Lăng cho biết, việc tìm kiếm các loại giống cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Theo đó, nhiều loại cây như chanh đào, dâu, phật thủ, măng tây xanh được trồng thay thế một phần diện tích cây trồng truyền thống. Riêng cây măng tây xanh mới được đưa về trồng ở Hiệp Thuận từ đầu năm 2015. Do là cây trồng mới và giá thành đầu tư ban đầu cũng khá cao (khoảng 30 triệu đồng/sào) nên người dân còn khá dè dặt trong việc sản xuất đại trà. Để tạo được sự tin tưởng cho bà con nông dân, những cán bộ của địa phương đã tự nguyện đi tiên phong. Sau thời gian trồng thử nghiệm, loại cây này rất hợp với thổ nhưỡng của địa phương và hiện đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, bước đầu cho những tín hiệu khả quan.
Chị Nguyễn Thị Tuyết đang chăm sóc vườn măng tây xanh.
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng tổ sản xuất măng tây xanh Hiệp Thuận chia sẻ, măng tây xanh là loại cây trồng dễ chăm sóc, tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Sau thời gian ươm hạt giống trong bầu khoảng 3 tháng là có thể mang ra vườn trồng.
Sau 6 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình 20kg/ha/ngày, khi cây trưởng thành có thể cho thu hoạch 80kg/ha/ngày. Cây măng tây sinh trưởng và phát triển mạnh trên các loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc chu đáo. Một năm cây sẽ cho thu hoạch liên tục trong 9 tháng, 3 tháng còn lại là thời gian cây nghỉ ngơi lấy dinh dưỡng nuôi thân.
Để đảm bảo việc thu hoạch sản phẩm măng tây đều đặn hàng ngày với năng suất và chất lượng cao, người trồng cần phải thường xuyên tưới tiêu và cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý. Bên cạnh bón phân hợp lý thì nước tưới là một yếu tố quyết định cho năng suất măng nhiều hay ít. Măng tây sau khi được thu hoạch phải đem ngay vào nơi thoáng mát, tránh không để tiếp xúc với ánh nắng, sau đó sơ chế phân loại theo yêu cầu của bên thu mua.
Ông Nguyễn Bảo Khánh - Chủ nhiệm HTX Măng tây xanh Bảo Khánh cho biết, so với các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, hoa màu thì măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần. Hiện nay, HTX có 2ha trồng măng tây và đang bắt đầu cho thu bói, trung bình mỗi ngày cũng thu được 40kg, giá bán trung bình dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg, mỗi ngày thu trên 2 triệu đồng.
Cung không đủ cầu
Với giá trị dinh dưỡng cao, măng tây xanh được mệnh danh là “rau vua” trên thị trường quốc tế và đang trở nên gần gũi với bữa ăn hàng ngày của mọi gia đình. Đồng thời, đây cũng là một loại cây có giá trị về dược liệu, chữa bệnh. Từ những ưu điểm đó, người trồng măng tây xanh hoàn toàn có thể yên tâm về thị trường đầu ra của sản phẩm.
Hiện nay, toàn xã Hiệp Thuận có 4,7ha trồng măng tây xanh đang bắt đầu cho thu bói, mỗi ngày cung cấp khoảng gần 100kg măng ra thị trường. Tất cả số măng này được một DN đứng ra thu mua, và DN cũng đã ký cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng măng ở địa phương. Bên cạnh đó, rất nhiều tiểu thương đến đặt hàng để bán lẻ tại các chợ. “Nhiều người không gọi điện đặt trước thì không có hàng để mua” - bà Lăng cho biết thêm.
Tuy nhiên, sản phẩm măng tây xanh Hiệp Thuận hiện nay vẫn còn khá mới mẻ trên thị trường vì chưa xây dựng được thương hiệu. Do vậy, giá bán sản phẩm vẫn thấp hơn so với các địa phương khác. Để người dân yên tâm phát triển thêm diện tích trồng măng tây xanh ở địa phương thì việc sản phẩm sớm được cấp nhãn hiệu và công nhận nguồn gốc xuất xứ là điều rất cần thiết.
Việc trồng măng tây xanh đang mở ra một hướng đi tích cực cho bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù hiệu quả của mô hình trồng măng tây xanh an toàn mới chỉ ở bước đầu, song đây là hướng đi mới cho người dân Hiệp Thuận sớm khẳng định được thương hiệu măng tây xanh trên thị trường để vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 20.9, trao đổi với PV Thanh Niên, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Tây Ninh Trần Văn Thạnh cho biết đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở có hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với tổng số tiền 80 triệu đồng.
Hơn một tháng qua, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) không khỏi buồn rầu vì vụ lúa mùa thất bát. Trước đó, lúa vẫn làm đòng, trổ bông nhưng qua thời gian sinh trưởng, chỉ cho toàn hạt lép.
Ðến nay, toàn tỉnh Thái Bình gieo trồng được 5.060ha cây màu vụ đông ưa ấm, chủ yếu là ngô, bí, ớt và rau màu các loại. Vụ đông năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 20.000ha cây màu vụ đông ưa ấm.
Đội ngũ cán bộ, công chức xã Hương Trà (Hương Khê) được xem là những người “lĩnh ấn” tiên phong trong xây dựng NTM ở địa phương này.
Dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 2 hộ dân trên địa bàn xã Phú Lộc (Can Lộc) và xã Thạch Trị (Thạch Hà) với tổng số gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy 1.380 con.