Dịch bệnh trên cây tiêu nỗi sợ của nông dân
Gia đình anh Biểu vốn thuộc diện hộ nghèo nhưng mấy năm trước cũng cố vay mượn tiền để đầu tư trồng 350 trụ tiêu. Vụ hồ tiêu 2013 - 2014, gia đình anh thu về được 1,5 tấn. Những tưởng vườn hồ tiêu sẽ tiếp tục giúp gia đình thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế nhưng vụ vừa rồi, anh chỉ thu về vỏn vẹn chưa được 5 tạ hạt do nhiều cây bị bệnh và chết.
Vay mượn gần 80 triệu đồng để mua giống, trụ, phân bón đầu tư chăm sóc 5 năm trời nhưng hiện nay, vườn tiêu của nhà anh đang chết gần hết.
Anh Biểu xót xa cho biết: “Hiện vườn tiêu của gia đình đã chết gần hết, chỉ còn 100 cây nữa nhưng chắc rồi cũng sẽ bị chết. Khi mới phát hiện vườn tiêu có dấu hiệu vàng lá, một vài cây bị héo thì tôi đã đến các tiệm thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua các loại thuốc về cứu vườn nhưng không được”.
Còn anh Đàm Văn Hào, ở thôn 4, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng thuộc diện cận nghèo thì than thở: Thấy bà con trong xã trồng tiêu để phát triển kinh tế, mấy năm trước, gia đình tôi cũng vay mượn cả trăm triệu đồng đầu tư trồng được 600 trụ tiêu.
Năm vừa rồi, tôi mới thu bói được 3 tạ hạt nhưng hiện nay vườn tiêu đã bị bệnh chết gần 400 trụ do bị bệnh chết nhanh và số còn lại cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh. Cây tiêu bị bệnh chết rất nhanh, sáng sớm còn thấy xanh tươi nhưng trưa đã thấy cành, lá rũ xuống hết rồi và vài ngày sau là tàn.
Tôi cũng đã học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ dân và các chủ tiệm thuốc nhưng không cứu được vườn tiêu. Năm nay, tôi đành phải nhổ trụ những cây đã chết để trồng cà phê. Vườn tiêu đã chết nhưng anh Hào vẫn đang phải “ôm nợ” và không biết cuối năm nay lấy gì để trả.
Anh Đàm Văn Hào, ở thôn 4, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đang lâm vào cảnh nợ nần khi vườn tiêu chưa thu hồi vốn đã chết khô
Rủi ro cao, đó là nhận định của bất kỳ người dân nào khi đầu tư vốn liếng vào trồng hồ tiêu. Không chỉ người nghèo mà các gia đình có kinh tế khá giả cũng đang “khóc” vì hồ tiêu bị bệnh.
Hộ chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) thì đã 2 lần thất bại trong trồng hồ tiêu. Mấy năm trước, gia đình chị đã đầu tư 200 triệu đồng trồng tiêu nhưng hơn 2 ha của gia đình mới cho thu hoạch được vụ đầu thì sang năm sau bị bệnh chết nhanh, chết chậm phải phá bỏ hết cả vườn tiêu.
Nhưng với hy vọng cây tiêu sẽ giúp gia đình hồi phục kinh tế nên sau đó chị Hằng lại đầu tư trồng mới 1 ha. Thế nhưng, sau 3 - 4 năm chăm sóc, bây giờ hơn 1.500 trụ hồ tiêu của gia đình cũng đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm.
Nhìn vườn tiêu, chị Hằng ngán ngẩm: “Hiện nay, hơn 300 trụ tiêu của gia đình tôi đã bị úa, vàng lá và chết. Tôi đã đầu tư tiền của và mua thuốc về phun nhưng nếu lần này lại thất bại nữa thì phải chuyển sang trồng cây khác cho an toàn hơn chứ trồng hồ tiêu rủi ro cao quá”.
1.000 trụ tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) đang vàng lá và có nguy cơ bị chết
Trồng tiêu quả là “cay” và rủi ro cao chứ không hoàn toàn như mong muốn của người dân là làm giàu. Nhất là hiện nay, do giá hồ tiêu cao nên người dân ồ ạt trồng tiêu và nguồn giống thì khó kiểm soát. Ngoài các bệnh như chết nhanh, chết chậm thường xảy ra trên cây tiêu thì còn có những bệnh khác như rệp, sâu, nấm…
Thực tế, cách đây chục năm về trước, tại các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của tỉnh như ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) và các xã khác của huyện Đắk Mil cũng đã bị dịch bệnh tấn công làm hàng ngàn ha hồ tiêu chết khô.
Nhiều gia đình đã phải lâm vào cảnh “trắng tay” khi dồn toàn bộ tiền của đầu tư vào trồng tiêu. Thực trạng này cũng là lời cảnh báo cho người dân hãy thay đổi cách trồng trọt, tránh tự phát trồng tiêu theo phong trào và ồ ạt như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 3 tháng nay, các ao nuôi cá của Trung tâm Giống thủy sản đứng chân trên địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai) đã bị khô kiệt vì nguồn nước chính dẫn từ đập dâng Thanh Bình không còn. Nhiều ao đến nay không còn đủ nước để cá sinh sống buộc phải chuyển qua nơi khác, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất và chất lượng đàn cá bố mẹ.
Năm 2015 được nhận định là thời điểm hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là giai đoạn cuối nước ta đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nghề nuôi dê có mặt ở hầu hết các huyện, thị của Tiền Giang, trong đóđối với huyện ven biển huyện Gò Công Đông thì nuôi dê là nghề truyền thống và hiện nay đang phát triển, với tổng đàn là 18.829 (năm 2014), chiếm tỷ lệkhoảng 40% so với tổng đàn dê của tỉnh (47.000 con).
Với mức thuế suất được đưa về 0% khi gia nhập TPP, nhiều sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Việt Nam vốn đã trong guồng quay “năng suất thấp, giá thành cao” lại càng thêm thách thức bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Điều này gây ra nhiều lo lắng cho người chăn nuôi trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
Ngày 15-4, đại diện Công ty NutiFood cho biết sẽ xây một trại bò sữa kiểu mẫu tại tỉnh Hà Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để nông dân đến tham quan học tập và ứng dụng.