Đắng Ngắt Bòn Bon

Những ngày qua, người trồng dâu bòn bon ở ĐBSCL rầu rĩ, thấp thỏm khi dâu rớt giá thê thảm, chín rục khắp vườn mà không bán được...
Ông Phạm Minh Hoàng, 72 tuổi, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu (TX Ngã Bảy, Hậu Giang) cho biết: “Vườn tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Năm nay, dâu đã 18 năm tuổi. Mọi năm, vườn dâu này thu hoạch xong vào khoảng 23/6, nhưng năm nay đến giờ vẫn không bán được vì chẳng có thương lái nào đến mua, kể cả những thương lái quen.
Bán lẻ đến nay đã 1 tháng nhưng mới thu hết lượng quả của 3 cây. Năm nay, vườn nhà tôi được mùa, vào khoảng 12 tấn trái. Riêng năm 2013, bán được giá 5.000 đ/kg thì có lời, nhưng năm nay đầu vụ giá chỉ còn 1.500 đ/kg mà chẳng có ai hỏi mua".
Là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dâu bòn bon (dâu vàng) từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 năm, còn dâu Gia Bảo (dâu xanh) trồng 5 năm mới cho thu hoạch và năng suất cũng thấp hơn nhiều so với dâu vàng. Mọi năm, dâu xanh bán giá 6.000 đ/kg thì dâu vàng cũng bán được giá 5.500 đ/kg nhưng năm nay thì giá quá rẻ.
Hiện nay, người trồng dâu ở các nơi như huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), Châu Thành A, Ngã Bảy (Hậu Giang), Núi Cấm (Tịnh Biên – An Giang) rất khó khăn về đầu ra. Vườn dâu nhà ông Hoàng đã chín rục nếu để thêm 1 tuần nữa không bán được thì dâu sẽ rụng hết, hiện dâu đã rụng khoảng 30 – 40%.
Cũng trong tình trạng thấp thỏm, bà Nguyễn Thị Hai, ở ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) trồng 3,5 công dâu cho biết: Năm trước dâu thất mùa nhưng cũng thu lãi trên 10 triệu đồng, còn năm nay trúng mùa nhưng dâu đã rụng sắp hết mà chẳng thấy ai đến hỏi mua.
Chạy ra những vựa lớn kêu bán với giá 1.500 đ/kg nhưng phải mang đến tận nơi và họ chỉ mua cầm chừng vài trăm ký. Tiền mướn nhân công, tiền thuê xe vận chuyển mỗi chuyến tính ra cũng mất trên 200 kg dâu...
Không bán được cho thương lái, một số nhà vườn đành thu hoạch vài chục ký dâu một đem ra chợ mong gỡ gạc chút vốn. Bà Hai nghẹn ngào nói: “Dâu đã trễ quá thời điểm thu hoạch nên chín rụng khắp vườn, bán lẻ ngày kiếm được 15 - 20 ngàn đồng, thậm chí có ngày không bán được đồng nào. Thấy vườn dâu chín rụng mà ăn ngủ không yên, giờ không biết sống thế nào".
Ông Lê Văn Thương, một chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cho biết: Chưa có năm nào dâu xuống giá mạnh như năm nay. Thông thường vào mùa mưa cũng là mùa xuất bán dâu bòn bon sang Campuchia với số lượng lớn. Năm nay thị trường nước bạn không ăn hàng nên dâu dội chợ, đẩy giá xuống thấp nhất. Trong khi đó các nhà vườn trồng các loại dâu khác như dâu da xanh, dâu Gia Bảo, dâu Xiêm… tuy giá có giảm nhưng vẫn tiêu thụ được.
Theo ông Thương, riêng vụ dâu năm nay vựa ông nhập gần 10 tấn dâu bòn bon nhưng không có đầu ra cuối cùng đành đổ xuống sông.
Có thể bạn quan tâm

Ông Huỳnh Hồng Tiền, ngụ ấp Đông Bình Trạch, xã Vĩnh Thành (Châu Thành - An Giang) cho biết, ông trồng 1 héc-ta dưa leo đang cho thu hoạch, bán từ 7.000 – 9.000 đồng/kg (tùy loại), tăng gấp 3-4 lần so thời điểm Tết Nguyên đán. Với giá bán này, trừ các khoản chi phí, ông còn lãi trên 7 triệu đồng/công.

Thuế chống bán phá giá cá tra đối với các doanh nghiệp Việt Nam tăng lên 2,11 USD mỗi kg, thay vì mức 0,42 USD mỗi kg như đã công bố hồi tháng 3.

Chi nhánh Điện lực huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa thông báo sẽ ngưng cấp điện nuôi tôm công nghiệp qua bình hạ thế công cộng từ ngày 15-6. Đây chủ yếu là những hộ nuôi tôm công nghiệp tự phát, không có bình hạ thế riêng mà đấu nối qua bình hạ thế công cộng.

Do lợi nhuận trước mắt, nhiều nhà vườn đã bán “khoán” vườn xoài cho người khác chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, xét về lâu dài, hình thức này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển của cây và giá trị kinh tế của vườn.

Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là trên 500 ha. Người nuôi tôm đang khẩn trương xử lý môi trường, cải tạo ao đầm… để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi tôm đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ nhiều phía.