Lỗ tiền tỷ thủ phủ gà điêu đứng
Với giá bán hiện nay, người nuôi gà phải bù lỗ các khoản tiền điện, tiền công nhân, thức ăn, thuốc thú y…
Lỗ tiền tỉ
Ông Phan Văn Tươi - Phó Chủ tịch UBND xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - cho biết: ừ đầu năm 2015 đến nay, giá gà thịt trong nước giảm xuống quá thấp.
Hiện gà lông màu (tam hoàng) giá chỉ 25.000 đồng/kg, gà trắng công nghiệp 20.000 - 23.000 đồng/kg, gà ta thả vườn cũng chỉ còn 60.000 đồng/kg…
Người nuôi gà ở Đồng Nai đang điêu đứng vì giá bán xuống thấp.
“Trước kia, 2 trại gà của gia đình tôi mỗi tháng có hơn 60.000 con, tiền điện chỉ tiêu hao khoảng 9 triệu đồng, giờ tăng lên 16 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí mua thuốc thú y, thức ăn hằng ngày...
Hàng trăm hộ chăn nuôi ở địa phương như đang ngồi trên lửa vì lo bị phá sản nếu giá gà cứ thấp thế này trong thời gian tới” - ông Tươi than thở.
Gia đình bà Hoàng Thị Khuê (ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo) bắt đầu nuôi gà thịt từ năm 2002 với quy mô lớn dần - ban đầu 2.000 con, đến nay lên tới 12.000 con/lứa.
Bà Khuê đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây chuồng trại, hệ thống làm mát, thức ăn, nước uống… toàn bộ đều tự động cho 3 trang trại.
Hai năm nay, giá bán gà “chạm đáy” nên gia đình bà lỗ gần 1 tỉ đồng/năm.
Cuối tháng 9 vừa qua, bà Khuê xuất bán 60.000 con với giá trung bình chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, tính ra lỗ trên 250 triệu đồng.
Tại 2 xã Cây Gáo và Thanh Bình - nơi có tổng đàn và số hộ chăn nuôi lớn nhất của huyện Trảng Bom - gà quá lứa xuất bán cho thương lái không được, buộc người nuôi phải bán lẻ với giá chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg để gỡ chút vốn.
Nhiều hộ muốn chuyển từ nuôi gà thịt sang gà trứng nhưng phải đập bỏ chuồng trại để xây dựng lại nên không có khả năng.
Chỉ những chủ trại có tiềm lực mới làm được, còn hộ chăn nuôi đầu tư bằng vốn vay ngân hàng thì chỉ làm cầm chừng hoặc phá sản.
“Nuôi gà thịt thường thì mỗi năm 6 lứa nhưng hiện nay, người dân chỉ nuôi cầm chừng 2-3 lứa/năm” - bà Hoàng Thị Khuê rầu rĩ.
Tìm đường...
sống
Theo bà Phạm Thị Nga, chủ cơ sở thu mua, giết mổ gà Thuận Trường ở huyện Trảng Bom, mọi năm, cơ sở của bà thu mua cho người nuôi với giá: gà trắng công nghiệp gần 35.000 đồng/kg, gà lông màu trên 50.000 đồng/kg, gà ta thả vườn ăn thức ăn chăn nuôi 80.000 đồng/kg, gà ta nuôi ở vườn đồi từ 120.000 đồng/kg trở lên.
Hiện nay, hầu hết giá gà đã rớt 30% - 40%.
“Chưa bao giờ tôi thấy giá rớt thảm hại như vậy.
Những cơ sở thu mua như Thuận Trường cũng bị ảnh hưởng bởi khi giá thấp, nhiều người nghi ngờ chất lượng sản phẩm có vấn đề nên chuyển sang lựa chọn nguồn thực phẩm khác” - bà Nga giải thích.
Trong chăn nuôi, giá cả là yếu tố quyết định nên khi giá bán lên xuống thất thường, nhiều chủ trại gà thịt ở Đồng Nai dần chuyển sang nuôi gia công tập trung theo quy trình khép kín - từ khâu sản xuất con giống, tự phối trộn thức ăn đến nuôi thịt thương phẩm.
Những công ty lớn như CP, Japfa, Emives… nhận cung cấp toàn bộ con giống, thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y, đồng thời bao tiêu đầu ra.
Người dân chỉ “góp vốn” bằng đất và công chăm sóc nên dù giá bán có “chạm đáy”, các trang trại vẫn có thể tồn tại được.
“Để duy trì trại gà thịt mà gia đình đã bỏ tiền tỉ gầy dựng, tôi vừa ký hợp đồng với Công ty Japfa nuôi gia công.
Tuy không lời nhiều nhưng gia đình tôi không lỗ thảm hại như tự nuôi trong thời gian qua.
Ngay cả trại gà của gia đình ông Phan Văn Tươi cũng đã chuyển sang nuôi gia công gà trứng” - ông Trần Viết Phương, chủ trại gà ở huyện Trảng Bom, cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Phòng Nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết gà là vật nuôi chủ lực của tỉnh.
Năm 2015, quy mô đàn gà tăng lên 15,5 triệu con (tăng 74% so với năm 2010), trong đó chăn nuôi trang trại chiếm gần 88% tổng số đàn với 464 trang trại.
Tuy nhiên, với giá cả bấp bênh như hiện nay, người chăn nuôi gặp khó khăn rất lớn.
Để tháo gỡ, tỉnh Đồng Nai đang khuyến khích nhiều chủ trại gà chuyển sang nuôi gia công cho các công ty lớn như CP, Japfa, Emives… Dù không mang lại lợi nhuận cao như trước đây nhưng nuôi gia công giúp người dân ít chịu áp lực về nguy cơ thua lỗ.
Có thể bạn quan tâm
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 409,15 ha tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm, trong đó có 24 ha nhiễm nặng, tập trung tại các huyện Ea H’leo (134 ha), Krông Năng (46,6 ha), Krông Pắc (46 ha), thị xã Buôn Hồ (47,5 ha)…
Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Huỳnh Thế Năng khẳng định, thị trường lúa gạo sôi động đến đầu 2016.
Theo GS Trần Đình Long, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chạy theo số lượng lớn, từ khâu sản xuất, chế biến, thương mại đều yếu kém: Không điều khiển được cơ cấu giống chất lượng cao, sản xuất theo kiểu mạnh ai người ấy làm.
Mặc dù luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều nhưng hiện các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nỗi lo thiếu nguyên liệu để chế biến.
Đến nay, nông dân trong tỉnh Phú Yên đã xuống giống 5.100ha lúa vụ mùa (vụ 10-12), cây lúa đang trong giai đoạn trên 30 ngày tuổi. Hiện nông dân đang tập trung làm cỏ, bón phân chăm sóc lúa vụ mùa.