Đắng Ngắt Bòn Bon

Những ngày qua, người trồng dâu bòn bon ở ĐBSCL rầu rĩ, thấp thỏm khi dâu rớt giá thê thảm, chín rục khắp vườn mà không bán được...
Ông Phạm Minh Hoàng, 72 tuổi, ở khu vực 3, phường Lái Hiếu (TX Ngã Bảy, Hậu Giang) cho biết: “Vườn tôi có 7 công dâu bòn bon với 250 cây. Năm nay, dâu đã 18 năm tuổi. Mọi năm, vườn dâu này thu hoạch xong vào khoảng 23/6, nhưng năm nay đến giờ vẫn không bán được vì chẳng có thương lái nào đến mua, kể cả những thương lái quen.
Bán lẻ đến nay đã 1 tháng nhưng mới thu hết lượng quả của 3 cây. Năm nay, vườn nhà tôi được mùa, vào khoảng 12 tấn trái. Riêng năm 2013, bán được giá 5.000 đ/kg thì có lời, nhưng năm nay đầu vụ giá chỉ còn 1.500 đ/kg mà chẳng có ai hỏi mua".
Là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dâu bòn bon (dâu vàng) từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 năm, còn dâu Gia Bảo (dâu xanh) trồng 5 năm mới cho thu hoạch và năng suất cũng thấp hơn nhiều so với dâu vàng. Mọi năm, dâu xanh bán giá 6.000 đ/kg thì dâu vàng cũng bán được giá 5.500 đ/kg nhưng năm nay thì giá quá rẻ.
Hiện nay, người trồng dâu ở các nơi như huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), Châu Thành A, Ngã Bảy (Hậu Giang), Núi Cấm (Tịnh Biên – An Giang) rất khó khăn về đầu ra. Vườn dâu nhà ông Hoàng đã chín rục nếu để thêm 1 tuần nữa không bán được thì dâu sẽ rụng hết, hiện dâu đã rụng khoảng 30 – 40%.
Cũng trong tình trạng thấp thỏm, bà Nguyễn Thị Hai, ở ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) trồng 3,5 công dâu cho biết: Năm trước dâu thất mùa nhưng cũng thu lãi trên 10 triệu đồng, còn năm nay trúng mùa nhưng dâu đã rụng sắp hết mà chẳng thấy ai đến hỏi mua.
Chạy ra những vựa lớn kêu bán với giá 1.500 đ/kg nhưng phải mang đến tận nơi và họ chỉ mua cầm chừng vài trăm ký. Tiền mướn nhân công, tiền thuê xe vận chuyển mỗi chuyến tính ra cũng mất trên 200 kg dâu...
Không bán được cho thương lái, một số nhà vườn đành thu hoạch vài chục ký dâu một đem ra chợ mong gỡ gạc chút vốn. Bà Hai nghẹn ngào nói: “Dâu đã trễ quá thời điểm thu hoạch nên chín rụng khắp vườn, bán lẻ ngày kiếm được 15 - 20 ngàn đồng, thậm chí có ngày không bán được đồng nào. Thấy vườn dâu chín rụng mà ăn ngủ không yên, giờ không biết sống thế nào".
Ông Lê Văn Thương, một chủ vựa trái cây ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ cho biết: Chưa có năm nào dâu xuống giá mạnh như năm nay. Thông thường vào mùa mưa cũng là mùa xuất bán dâu bòn bon sang Campuchia với số lượng lớn. Năm nay thị trường nước bạn không ăn hàng nên dâu dội chợ, đẩy giá xuống thấp nhất. Trong khi đó các nhà vườn trồng các loại dâu khác như dâu da xanh, dâu Gia Bảo, dâu Xiêm… tuy giá có giảm nhưng vẫn tiêu thụ được.
Theo ông Thương, riêng vụ dâu năm nay vựa ông nhập gần 10 tấn dâu bòn bon nhưng không có đầu ra cuối cùng đành đổ xuống sông.
Related news

Nhiều năm liền vùng nuôi tôm càng xanh lớn nhất ĐBSCL tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) trong vụ nghịch đều thắng đậm, nhưng năm nay lại thất thu, có hộ bị thua lỗ nặng.

Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cải tạo đất nền sau khai thác và bùn đỏ của Nhà máy Khai thác luyện bauxit- alumin kết hợp với một số chế phẩm hữu cơ thành nền đất trồng tại Tân Rai-Lâm Đồng”, nhóm các nhà khoa học của các Sở Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt, Công ty Bauxit Lâm Đồng cùng các chuyên gia trong tỉnh đã trồng thử nghiệm thành công bước đầu cây thanh long và cây dứa cayenne trên 300 mét vuông đất bùn đỏ được trung hòa bằng các vật liệu hữu cơ có tính axit.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa, rau màu vụ Hè Thu, vụ Mùa 2015 trong tình hình hạn hán.

Do ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt kéo dài trong thời gian qua, nhiều diện tích chè ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bị cháy búp gây thiệt hại lớn cho người trồng chè. Không những thế, đến thời điểm này, một số diện tích cây đã chết khô không thể cứu vãn, phải nhổ bỏ.

Trong khi hàng ngàn hecta trà tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chết héo vì nắng hạn thì ngành trà Lâm Đồng lao đao vì sản phẩm không xuất bán được