Đắk Mil Tập Trung Sản Xuất Vụ Đông Xuân
Trong những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Đắk Mil đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân để kịp theo lịch thời vụ của tỉnh.
Gia đình anh Nguyễn Nhật Nam, thôn Thanh Hà, xã Đức Minh có hơn 2 sào lúa. Những ngày qua, gia đình anh đã tập trung lực lượng ra đồng làm đất, gieo mạ để cấy lúa vụ đông xuân.
Anh Nam cho biết: “Những năm trước đây, gia đình tôi thường gieo mạ ngay ngoài ruộng. Tuy nhiên, do ruộng xa nhà nên việc kiểm soát bệnh, nhất là chuột phá hoại rất khó khăn. Năm nay, tôi gieo mạ ở trong sân nhà để vừa trông coi được chuột mà việc tưới nước cũng thuận lợi hơn. Sau tết Nguyên đán, thời tiết nắng ấm nên cây mạ phát triển khỏe. Từ nay cho tới cuối tháng 2, sau khi làm đất xong, gia đình tôi có thể thực hiện việc cấy lúa trên ruộng, đúng như lịch thời vụ hướng dẫn”.
Còn gia đình ông Phạm Văn Hội, thôn Xuân Trang, xã Đức Minh cũng đang tập trung nhân lực để làm đất chuẩn bị gieo cấy 2,5 sào lúa.
Ông Hội cho biết: “Đồng đất ở đây hay gặp hiện tượng ngộ độc hữu cơ nên lúa thường bị bệnh sinh lý, gây hại bộ rễ. Trước đây, gia đình tôi không biết chuẩn bị đất kỹ nên năng suất về sau rất kém. Sau này, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách khử phèn, ủ đất kỹ theo đúng thời gian nên cây lúa phát triển khỏe hẳn, năng suất thường đạt cao hơn.
Do biết cách làm nên nhiều năm nay, ruộng lúa này thường được ngành nông nghiệp chọn để xây dựng mô hình trình diễn về các giống lúa mới, cách phòng trừ rầy nâu bằng nấm xanh, kết quả thu được rất tốt. Năm nay, gia đình tôi chọn giống lúa lai để gieo cấy vì năng suất cao hơn so với các giống lúa địa phương khác”.
Theo ông Bùi Đình Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh thì để bà con sản xuất hiệu quả, hàng năm, xã đều phối hợp với ngành nông nghiệp huyện triển khai cho bà con gieo trồng đúng lịch thời vụ cũng như tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con các biện pháp canh tác theo khoa học kỹ thuật.
Nhờ đó, nhiều năm nay, nông dân, nhất là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số đã biết canh tác lúa theo hướng khoa học nên các loại sâu bệnh được phòng trừ kịp thời, năng suất lúa luôn ổn định. Hiện tại, nhiều diện tích lúa đã vào giai đoạn bén rễ hồi xanh, địa phương đang vận động bà con thường xuyên thăm đồng, chú ý phòng trừ các bệnh như bệnh bọ trĩ, nghẹt rễ sinh lý, ốc bươu vàng.
Ngoài diện tích lúa, nông dân trên địa bàn huyện cũng đang tập trung gieo trồng một số loại cây hoa màu ngắn ngày khác.
Theo ông Nguyễn Bá Quý, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Đắk Mil thì thông thường, sau dịp tết Nguyên đán, nông dân trên địa bàn huyện mới bắt đầu ra quân gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân. Vì thế, ngay từ đầu năm, Trạm đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn, động viên bà con tập trung nguồn lực để gieo trồng kịp lịch thời vụ. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo trồng được 345/797 ha, trong đó diện tích lúa 234/651 ha, ngô 5/8 ha, khoai lang 13/40 ha…
Ngoài việc tập trung gieo trồng, huyện cũng triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Điển hình như tại một số xã Đắk N’Drót, Long Sơn có hiện tượng châu chấu gây hại cục bộ trên ruộng ngô, ngành đã huy động nông dân ra quân bắt châu chấu, cấp thuốc phun phòng trừ và sử dụng nấm xanh Metarhizium.
Nhờ đó đến nay, bệnh châu chấu hại ngô đã được khống chế. Qua theo dõi, hiện tại châu chấu chỉ xuất hiện với mật độ thấp khoảng 0,1 con/m2, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, để bảo đảm cho người dân sản xuất an toàn, Trạm vẫn tiếp tục thực hiện điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên các cánh đồng để sớm có cảnh báo, biện pháp phòng trừ giúp bà con yên tâm sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến thời điểm này, mùa vải năm 2015 tại Bắc Giang cơ bản đã kết thúc với những kết quả khả quan cả về tiêu thụ, giá cả lẫn thị trường mới.
Chị Trần Thị Trúc Mai (ngụ ấp An Thạnh, xã Lê Trì, Tri Tôn, An Giang) đang thu hoạch vườn thanh long ruột đỏ. Với 300 trụ, cách 2 tuần, chị thu được từ 100 – 300kg thanh long, bán cho bạn hàng tại chợ Ba Chúc và Tri Tôn từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Ngày 7/7/2015, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) và Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã đến vườn nhãn của ông Tô Văn Bảy (ấp An Thạnh, xã An Bình - Long Hồ) để nghiên cứu về 2 cây nhãn da bò không nhiễm bệnh chổi rồng.
6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) có 105 ha thanh long được cấp mới chứng nhận VietGAP, tái cấp 373 ha, nâng diện tích thanh long có chứng nhận VietGAP trên địa bàn huyện là 3.648 ha, đạt 91,2% so với chỉ tiêu tỉnh giao.
Đó là tổng số diện tích nhãn bị nhà vườn Vĩnh Long đốn bỏ từ năm 2012 đến nay. Riêng, trong 6 tháng qua là 451 ha.