Nuôi Bò Sữa Hướng Đi Hiệu Quả Của Xã An Sinh (Quảng Ninh)
Dẫn tôi đi thăm mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Bãi Dài, một hộ dân nuôi bò sữa lớn nhất trên địa bàn xã An Sinh (Quảng Ninh) hiện nay, ông Lê Đình Đảm, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ An Sinh cho biết: Hiện nay, có 3 thôn của xã An Sinh duy trì và phát triển tốt đàn bò sữa với tổng số là 53 con, nuôi tại 12 hộ dân.
Đây là giống bò đã được chọn mua từ Tuyên Quang, nhưng có nguồn gốc xuất xứ từ New Zealand, đã được thuần hoá nhân giống phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
Trại nuôi bò nhà ông Thu tuy quy mô chưa thật lớn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thu vui vẻ cho biết: Nhà tôi nuôi bò sữa cách đây đã hơn 10 năm rồi, lúc đó điều kiện kinh tế không có, nên lúc đầu chỉ dám nuôi 2 con bò sữa. Bắt đầu từ năm 2010, nhà tôi mới phát triển nuôi thêm 4 con nữa, sau hơn 4 năm, hiện tại toàn bộ đàn bò sữa của tôi có 11 con.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi, theo ông Thu, việc nuôi bò sữa cũng rất đơn giản, ngoài cỏ tự nhiên thì phải trồng cỏ V26, cỏ voi. Khi vào mùa mưa cỏ phát triển tốt cần tận dụng cỏ, đem thái nhỏ trộn với bột ngô và muối cho vào ủ kín để tích trữ làm thức ăn cho bò vào mùa đông khi thức ăn khan hiếm. Đồng thời, còn cho bò ăn thêm cám ngô để tăng chất dinh dưỡng cho bò.
Theo tính toán của ông Thu, trung bình một ngày chi phí thức ăn chăn nuôi khoảng 30.000 đồng nhưng sản lượng sữa lúc cao điểm một ngày nhà ông khoảng 3 tạ sữa với giá bán 12.500 đồng/kg. Một tháng gia đình ông thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng.
Ông Thu cho biết thêm: Hiện nay nhà tôi đang đầu tư xây dựng mới chuồng trại nuôi bò, trong thời gian tới tôi sẽ đưa mô hình nuôi bò sữa của mình phát triển lên thành 20 con.
Cũng giống như ông Thu, nhà ông Lê Đình Nhác ở thôn Đồng Dung, nuôi 4 con bò sữa, theo dự án phát triển bò của địa phương. Ông Nhác cho biết: Nuôi bò sữa so với chăn nuôi khác thì phát triển tốt hơn, chăm sóc đơn giản hơn, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiện nay tuy số lượng bò sữa chỉ có 4 con, nhưng theo ông Nhác một ngày trung bình nhà ông thu được khoảng 60kg sữa. Ông Nhác dự định sẽ phát triển và nhân rộng đàn bò của mình lên thành 10 con.
Qua thực tế, việc phát triển đàn bò sữa ở An Sinh cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo tính toán thì một con bò sữa hiện nay có thể cho thu nhập tới 80 triệu đồng/năm.
Vì nếu tính ngoài sản lượng sữa hàng năm từ 4-4,5 tấn/con thì mỗi năm bò đẻ một lần, điều này giúp cho người dân có thêm con giống, thêm nguồn thu nhập khi bán bò ra thị trường. Hiện tại, sản phẩm sữa của các hộ dân được Công ty Cổ phần sữa An Sinh thu mua toàn bộ, nên đầu ra được đảm bảo, giá cả ổn định, người dân có điều kiện yên tâm phát triển.
Sản lượng sữa bò của xã hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của Công ty. Theo ông Đảm sau khi thấy bò sữa phát triển hiệu quả, hiện trên địa bàn xã đã có 20 hộ dân đăng ký tham gia mô hình nuôi phát triển bò sữa, và dự kiến toàn xã sẽ phát triển nuôi 200 con bò sữa trong thời gian tới.
Hiện nay, bên cạnh lợi thế về trồng rừng, trồng cây ăn quả thì việc phát triển mô hình nuôi bò sữa đã thật sự đem lại hiệu quả cho người dân nơi đây, đem lại sức bật quan trọng giúp An Sinh vươn mình trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Sáu tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản tại hầu hết các tỉnh miền Trung đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngư dân các tỉnh đã tích cực đóng mới, cải hoán tàu cá để vươn khơi.
Tại huyện Trưởng Phong, mọi người đều biết thành công hôm nay của anh Đồng Trưởng Viễn gắn liền với một quãng thời gian đau buồn trong quá khứ. Anh đã từng phải hứng chịu nỗi đau khi vợ và con gái anh đều qua đời do khó sinh. Để chạy trốn khỏi nỗi buồn, anh đã bỏ công việc làm báo, chuyển về nông thôn ở ẩn. Tuy nhiên, chính bởi giai đoạn chạy trốn nỗi buồn này lại giúp anh trở thành người dẫn đầu trong nghề trồng mướp tại huyện Trưởng Phong.
Năm 2011, nước ta đã thu được về hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu sắn. Thấy sắn bán được, nhiều địa phương đã đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Bất ngờ là năm nay Trung Quốc ngừng nhập khẩu sắn của VN, dẫn tới giá sắn bị rớt thê thảm tại nhiều địa phương.
Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.
Trong thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi như hiện nay, một mô hình chăn nuôi mới đang dần mở ra hướng tích cực, bởi ít gặp rủi ro lại nhẹ công chăm sóc. Đó là mô hình chăn nuôi trăn của một số hộ dân thuộc ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.