Nuôi tôm trên cát kết hợp ốc hương lợi bất cập hại?
Phập phồng nuôi ghép với ốc hương
Mặc dù đã 2 tháng trôi qua theo lịch thời vụ, nhưng trên những ruộng tôm ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức - Quảng Ngãi) vẫn vắng lặng, buồn hiu hắt, hồ tôm bỏ hoang phế vì liên tiếp thất bại, người nuôi ôm nợ nần.
Trên ruộng tôm cả chục ha ven bờ biển chỉ có vài ruộng được thả nuôi. Chỉ tay về đồng tôm vắng vẻ, anh Hùng- một hộ nuôi tôm vẻ mặt mệt mỏi cho biết: “Họ bỏ nuôi cả rồi, tôm chết miết ai dám làm? Hai năm liên tiếp tôi thả xuống cứ 15 - 20 ngày là chết nổi trắng hồ. Vụ này 7 hồ tôi thả thí nghiệm 3 hồ kết hợp với ốc hương thử xem sao? Vừa nuôi vừa phập phồng, mình cũng xác định có chết tôm còn ốc hương vớt vát phần nào”.
Đây là vụ đầu tiên anh Hùng nuôi kết hợp tôm sú với ốc hương. Với một hồ nuôi diện tích 1.500m2 anh thả 2 vạn tôm và 60 vạn ốc hương.
Chia sẻ về sự kết hợp giữa tôm và ốc hương, anh Hùng lý giải: Nuôi tôm với cá dìa thì vùng này chưa nghe nói, mà nếu muốn nuôi cũng không biết lấy giống ở đâu? Đã nuôi kết hợp thì phải tính toán nuôi loại gì cho thu nhập cao chứ cá rô phi bán ai mua? So với cá dìa và cá rô phi thì ốc hương cho thu nhập gấp nhiều lần.
Cũng theo anh Hùng thì anh chỉ nghe nói ốc hương nếu nuôi kết hợp với tôm sẽ ăn tạp chất, tảo làm sạch môi trường giúp tôm phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là nghe nói chứ chưa ai thực hiện thành công. Không chỉ anh Hùng mà có khoảng 10 hộ dân khác ở các Đức Thắng, Đức Phong và Phổ Quang với diện tích gần 3 ha đang thí điểm mô hình khá mơ hồ và phập phồng lo âu.
Việc nuôi kết hợp giữa tôm thẻ chân trắng và ốc hương trên cát đang tạm thời “thuận buồm xuôi gió”. Lần đầu tiên thử nghiệm nên các người nuôi thuê cả người từ các vùng nuôi tôm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ra trực tiếp phụ trách kỹ thuật.
Tuy nhiên, qua trao đổi với những người phụ trách kỹ thuật, họ thừa nhận đó chỉ là lý thuyết còn thực tế không biết đâu mà lần. Có khi cả tôm và ốc hương chết vẫn hoàn chết. Mô hình nuôi kết hợp này dấy lên mối lo ngại “lợi bất cập hại”?
Điều đáng nói ở đây, thức ăn của ốc hương là các loại hải sản đòi hỏi phải tươi sống. Vì thế, không chỉ chi phí trong 6 tháng từ ngày thả nuôi đến lúc thu hoạch người nuôi bỏ ra quá lớn mà công sức cũng không hề nhỏ khi giá giống ốc hương đắt gấp đôi giá tôm giống.
Trong khi người nuôi phải liên tục giữ vệ sinh hồ nuôi bằng cách vớt thức ăn dư thừa không để bị ương thối gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, thức ăn của ốc hương là cá tạp, cua và có cả tôm. Không ngoại trừ khả năng, ốc hương sẽ ăn cả tôm trong hồ nuôi.
Theo bà Đỗ Thị Thu Đông, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) thì mô hình nuôi kết hợp này rủi ro không kém gì nuôi tôm. Quảng Ngãi đã từng thành công với mô hình nuôi ốc hương, nhưng nuôi ở vùng triều chứ chưa có mô hình nuôi kết hợp với tôm trên cát.
Ốc hương với thức ăn tươi sống nên lượng chất thải lớn, người nuôi phải thay nước liên tục. Một tác nhân quan trọng là do thời tiết nắng nóng nên tảo sinh sôi phát triển nhanh dù người nuôi thay liên tục hơn 80% lượng nước trong ao mà tảo vẫn xanh hồ. Nếu không xử lý tốt sẽ càng gây ô nhiễm môi trường nên không khuyến khích.
Khuyến khích nuôi kết hợp cá dìa, cá rô phi
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người nuôi tôm do hội chứng hoại tử gan, tụy, nhiễm bẩn nặng nguồn nước. Kết quả quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm ở TP. Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ cho thấy, ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép. Đây là hệ hụy của việc nuôi tôm tự phát, “xé rào”, mạnh ai nấy làm.
Trong khi các giải pháp bảo vệ môi trường gần như không đem lại hiệu quả, để khôi phục những vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, ngành nông nghiệp khuyến cáo nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình VietGAP; nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính lên cỡ 2 - 3cm rồi mới thả ra ao nuôi thương phẩm...
Với nuôi tôm vùng triều, trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã triển khai khá thành công mô hình nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cá dìa.
Nuôi ghép với tôm sú, tôm sống ở tầng mặt, còn cá dìa sống ở tầng đáy. Với đặc tính ăn tạp, cá dìa ăn hết các rong tảo cùng thức ăn thừa của tôm giúp môi trường nuôi luôn sạch, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là giúp người nuôi tiết kiệm chi phí vệ sinh hồ nuôi.
Mối quan hệ cộng sinh mang lại hiệu quả kinh tế cao khi chỉ với một diện tích mà người nuôi tôm có thu nhập từ tôm và cá dìa. Việc nuôi cá dìa kết hợp tôm sú được ngành nông nghiệp khuyến khích, nhất là trong tình cảnh người nuôi phải “treo” hồ vì dịch bệnh hoành hành.
Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Đông, ngoài nuôi tôm kết hợp cá dìa, vụ này, ngành nông nghiệp cũng đang triển khai thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản thí điểm mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh sử dụng nước từ ao chứa có thả nuôi cá rô phi với diện tích 2.500m2 tại xã Đức Thắng đến nay đã được hơn 20 ngày tuổi.
Mô hình này đã thành công ở những vùng nuôi tôm bị dịch bệnh của đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thành khác. Cá rô phi sẽ làm nhiệm vụ xử lý nước trong ao lắng cung cấp nước cho ao tôm. Cá rô phi cũng ăn mùn bã hữu cơ trong ao, giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi. Ngoài ra, cá rô phi còn có tác dụng tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ăn cả xác tôm chết, giúp hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong ao nuôi.
Bên cạnh đó, ngành cũng cắt giảm bớt 1 vụ nuôi, vùng triều chỉ còn 1 vụ và trên cát còn 2 vụ thay vì 3 vụ như mọi năm. Bà con cũng chuyển đổi những diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh sang nuôi các đối tượng thủy sản khác như: cua xanh, cá chẽm, ốc hương để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đồng thời duy trì nghề nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục trầm lắng, giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức thấp, diện tích nuôi và sản lượng tăng ít so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh phát sinh đã ảnh hưởng sản xuất của nông dân.
Đến nay đã mấy năm, người dân xã Lộc Bình (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế) vẫn còn tiếc “đứt ruột” khi những viên ngọc trai bị bế tắc đầu ra.
Theo đánh giá chung, nuôi tôm theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật...
Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp (CN-BCN) trên địa bàn huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) phát triển rất nhanh, chưa có quy hoạch đồng bộ. Đặc biệt, tại các xã thuộc khu vực nước mặn như Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Mỹ A… việc phát triển nuôi tôm tự phát đã gây quá tải cục bộ đường dây hạ thế, tạo áp lực rất lớn trong công tác cung cấp điện.