Cuộc Chiến Đầm Ngao
Hơn chục năm nay, cuôc chiến giữa những người khai thác tự nhiên và các hộ nuôi trồng thủy sản vùng triều khu vực bãi Đai, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái (Quảng Ninh) chưa bao giờ dứt.
Chính quyền và người dân đều có lỗi
Đỉnh điểm của “cuộc chiến đầm ngao” tuy đã xảy ra được hơn nửa tháng, từ 15 đến 19/5/2014, nhưng ông Bùi Văn Minh ở thôn Trung, xã Vạn Ninh vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Minh là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất của “cuộc chiến” này. Hơn 2 ha đầm nuôi ngao của gia đình ông bỗng nhiên bị phá sạch sành sanh.
Ông Minh kể, ngay từ sáng 15/5, khi nước thủy triều bắt đầu rút cạn, hàng trăm người rầm rập kéo xuống 4 ô nuôi ngao của gia đình ông. Trên tay họ là cuốc, mai, xẻng. Họ băm vằm, lật tung tất cả các bãi cát nuôi ngao, đập phá chòi canh và lấy đi tất cả những gì có thể.
“Lúc ấy, tôi đang đưa con trai 13 tuổi đi cấp cứu tại Bệnh viên Đa khoa Móng Cái nên không về kịp. Khi về đến đầm ngao thì chẳng còn gì nữa, họ đã phá sạch”, ông Minh nói trong nước mắt.
Để đầu tư 4 ô nuôi ngao, ông Minh đã phải bỏ ra gần 500 triệu đồng, gồm thế chấp sổ đỏ nhà cửa vay ngân hàng được 100 triệu đồng, cộng với 50 triệu đồng vay tín chấp. Số tiền còn lại, ông huy động của anh em, bạn bè. Giờ đây, đầm ngao bị phá, không biết ông sẽ lấy gì để trả nợ.
Không chỉ có gia đình ông Minh bị phá đầm, hàng chục hộ trên tổng số 75 hộ đầu tư nuôi ngao, nghêu ở khu vực bãi Đai cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong 5 ngày cao điểm của “cuộc hỗn chiến”, lực lượng an ninh thường trực của TP Móng Cái đã bắt một số đối tượng thanh niên quá khích, đánh lộn ở khu vực bãi Đai, tịch thu 21 ống tuýp sắt dài khoảng 1,2 m và 1 khẩu súng hoa cải.
Bãi Đai thuộc địa bàn hành chính của xã Vạn Ninh, song lại là khu vực khai thác thủy sản tự nhiên của người dân ven biển TP Móng Cái từ lâu đời. Năm 2006, UBND thị xã (nay là TP Móng Cái) phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nuôi trồng thủy sản vùng bãi triều tỷ lệ 1/5.000, diện tích được quy hoạch là 148 ha/1.280 ha tổng diện tích bãi triều.
Năm 2009, UBND xã Vạn Ninh cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP đã tổ chức bốc thăm cho 45 hộ có đơn xin thuê đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực trên. Theo đó, TP đã có quyết định tạm cho thuê đất 5 năm (tính từ ngày ký quyết định là ngày 16/6/2008).
Tuy nhiên, theo các hộ dân nuôi trồng thủy sản ở đây thì khu vực quy hoạch trên không phù hợp nên các hộ đã không nhận. Một số hộ bỏ không làm nữa, còn một số khác tự ý cắm cọc, quây lưới để nuôi nghêu, ngao ở một khu vực khác cũng gần với khu vực được quy hoạch.
Từ năm 2012, khi thấy việc nuôi ngao, nghêu ở bãi Đai mang lại lợi nhuận cao, số lượng hộ dân tự ý lấn chiếm, mở rộng diện tích nuôi trồng ngày càng nhiều. Theo đó, đã thu hẹp diện tích khai thác của các hộ khai thác tự nhiên dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Rõ ràng, hành vi lấn chiếm đất bãi Đai để tự ý khoanh nuôi nghêu, ngao tự phát đã vi phạm quy định tại Luật Đất đai, Thông tư số 09 ngày 28/5/2013 của Bộ Tài nguyên – Môi trường về quy định quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.
Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên, đặc biệt tình trạng vi phạm này đã kéo dài nhiều năm cũng có phần thiếu sót trong công tác quản lý; sự chậm trễ, thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương trực tiếp quản lý hành chính khu vực bãi Đai là xã Vạn Ninh và TP Móng Cái. Bởi theo nhiều hộ dân nuôi ngao, nghêu, họ đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương quy hoạch lại vùng nuôi trồng, song vấn đề chưa được xem xét thấu đáo.
Cần có giải pháp linh hoạt
Trước nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho rằng, giải quyết dứt điểm là phương án tối ưu nhất để lập lại trật tự tại bãi Đai, đồng thời phải đảm bảo lợi ích của người nuôi trồng thủy sản cũng như người khai thác tự nhiên trên địa bàn.
Thiết nghĩ, các giải pháp của TP Móng Cái là đúng đắn, tuy nhiên, TP cũng cần xem xét nguyện vọng của 75 hộ nuôi trồng cho phép kéo dài thời gian thu hoạch thêm khoảng 3- 4 tháng để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, xem xét quy hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản để đấu thầu, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.
Theo ông Ký, quan điểm chỉ đạo là sẽ thu hồi toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trái phép tại khu vực bãi Đai và không giao, thuê đất cho bất kỳ một tổ chức, cá nhân nào.
Ngay chiều 21/5, TP đã công khai kết quả kiểm tra thực tế tại cuộc gặp đại diện các hộ nuôi trồng, người khai thác tự nhiên và chính quyền. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, có 75 hộ nuôi nghêu, ngao với 207 ô. Tổng số nghêu, ngao đã thả ước tính 1.100 tấn trên diện tích gần 310 ha. Hiện tại, 3 ô của 3 hộ đã thu hoạch; 116 ô sẽ thu hoạch trước 31/12/2014, chiếm gần 60% diện tích.
“Sau khi được tuyên truyền, các hộ dân tự ý nuôi nghêu tại khu vực bãi Đai đã thấy được hành vi vi phạm của mình và 100% hộ ký cam kết đồng ý sẽ thực hiện giải tỏa sau khi thu hoạch xong để trả lại bãi triều cho người dân khai thác tự nhiên. Đồng thời, đại diện những hộ nuôi trồng tại đây đã gửi lời xin lỗi tới bà con khai thác tự nhiên và mong muốn được bà con tạo điều kiện cho họ về thời gian để thu hoạch xong vụ nuôi này”, ông Ký nói.
Vụ việc tưởng chừng đã được giải quyết xong, tuy nhiên, ngày 2/6, hơn 70 hộ dân nuôi trồng tại bãi Đai lại kéo nhau lên khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân của UBND TP Móng Cái.
Họ cho rằng, thông báo của UBND TP về việc phải thu hoạch toàn bộ diện tích ngao, nghêu trước 31/12/2014 sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhân dân vì thời điểm đó, gần nửa diện tích trên chưa cho thu hoạch. Đồng thời việc cơ quan chức năng của TP đề xuất phá bỏ các chòi bảo vệ ngao khiến các hộ không có địa điểm để canh giữ, bảo vệ tài sản…
Chiều 2/6, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Ký cho rằng, việc lập lại trật tự của bãi Đai là hết sức cần thiết và quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, TP cũng sẽ cân nhắc đến việc đảm bảo hài hòa lợi ích của các hộ dân nuôi ngao. Còn về việc phá dỡ các chòi canh, ông Ký cho biết, TP chỉ thực hiện vận động nhân dân phá bỏ các chòi không còn sử dụng để đảm bảo mỹ quan và trả lại hành lang an toàn giao thông đường thủy.
Có thể bạn quan tâm
Từ cuối năm 2012 đến nay, lượng đường tồn kho trong nước luôn ở mức cao kỷ lục (khoảng 500 nghìn tấn). Mặc dù các cơ quan chức năng đã dồn sức tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nhưng vẫn chưa thật sự có hiệu quả. Ðể giải bài toán khó này, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ các ngành, các cấp.
Đến nay trên địa bàn huyện Gò Dầu đã hình thành 3 vùng nhân lúa giống tập trung ở 3 xã Phước Trạch, Cẩm Giang và Bàu Đồn.
Sáng 20-8, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng phối hợp với huyện Thủy Nguyên tổ chức thả hơn 11 vạn cá giống nước ngọt ra sông Giá, huyện Thủy Nguyên, chủ yếu là cá mè, cá trắm đen, trắm cỏ, chép, rô phi.
Ông Huỳnh Văn Tâm, ngụ ấp Bình Phú I, xã Phú Bình (Phú Tân, An Giang) thành công với mô hình nuôi cá tai tượng trong ao hầm đạt lợi nhuận cao, góp phần đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản ở địa phương. Hiện tại, ông Tâm đang mở rộng nuôi 20.000 con cá tai tượng. Loài thủy sản này dễ chăm sóc, ít hao hụt, đầu tư chi phí thấp hơn cá tra. Thức ăn chủ yếu là cám, cá biển, kèm thêm các loại lá cây, rau lang, rau muống...
Hơn 10 năm nay, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) duy trì, phát triển mô hình chăn nuôi bò góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.