Nhiều Cơ Chế Khuyến Khích Phát Triển Tiêu Tiên Phước
Trong vòng 3 năm trở lại đây, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hướng tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa Tiên Phước và bước đầu có chuyển biến tích cực.
Phục hồi giống tiêu
Trước thực trạng dịch bệnh hoành hành trên những vườn tiêu Tiên Phước và sự khan hiếm nguồn giống gốc sạch bệnh, thời gian qua, đã có nhiều đề tài, mô hình, dự án nghiên cứu nhằm phục hồi và phát triển loài cây bản địa này. Giai đoạn 2012 - 2013, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã tiến hành một số mô hình liên quan tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa.
Ông Lê Kim Hoàn - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiên Phước cho hay, mô hình quản lý dịch hại, bảo tồn và phát triển giống tiêu Tiên Phước do trạm triển khai trước đó đã từng bước hướng dẫn người dân tự nhân giống từ tiêu Tiên Phước bằng kỹ thuật giâm hom, thay đổi tập quán nhân giống truyền thống trước đó. Từ mô hình, 30 hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ kỹ thuật và cấp giống trồng 20 choái tiêu/hộ với tổng diện tích trồng là 0,5ha...
Thông qua đó, bà con được tiếp cận với chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây tiêu, nắm vững kỹ thuật canh tác và được hỗ trợ chế phẩm Tricoderma để ủ phân hữu cơ, lân, vôi, đạm, kali và thuốc bảo vệ thực vật để xử lý đất và bón cho cây tiêu. Nhờ tiếp thu kỹ thuật và thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, một số vườn tiêu cũng dần xanh trở lại trên mảnh đất Tiên Phước.
Cũng giai đoạn này, nhiều mô hình về cây tiêu cũng được Trạm Bảo vệ thực vật huyện thực hiện, ví như mô hình phục hồi giống tiêu Tiên Phước tại 3 xã Tiên Lộc, Tiên Mỹ và Tiên Phong triển khai tại những vườn tiêu cũ đang bị thoái hóa giống; hay mô hình bảo tồn và phát triển giống tiêu Tiên Phước cũng được thực hiện tại 3 xã trên. Nhờ áp dụng tổng hợp các biện pháp thâm canh, kỹ thuật trẻ hóa vườn tiêu, kỹ thuật nhân giống giâm hom có tỷ lệ nhân giống cao... nhiều vườn tiêu tại 3 xã nói trên đã dần phát triển tốt, xanh trở lại.
Giai đoạn 2012 - 2015, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và chế biến tiêu theo hướng bền vững” tại huyện Tiên Phước được Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN Quảng Nam thực hiện.
Dự án đã xây dựng được mô hình nhân giống, mô hình trồng tiêu theo hướng bền vững, mô hình chế biến tiêu đen thành tiêu sọ, đồng thời đào tạo và tập huấn công nghệ sản xuất, chế biến tiêu cho người dân trong vùng. Thành quả từ dự án là đã khảo sát, chọn hộ, xây dựng hồ sơ thiết kế trồng tại 2 xã Tiên Thọ và Tiên Lộc.
Ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN, chủ nhiệm dự án cho hay, dự án đã hỗ trợ 64 hộ dân tại xã Tiên Lộc trồng 2.140 choái tiêu và hỗ trợ 23 hộ dân tại xã Tiên Thọ trồng 1.870 choái. Thành quả từ dự án còn thể hiện ở việc đã chọn lọc 170 cây mẹ để sản xuất giống, vườn tiêu nhân giống lấy hom cũng được sản xuất từ những cây tiêu mẹ được chọn lọc này nên tỷ lệ sạch bệnh rất cao.
“Hiện, nhiều vườn tiêu tại Tiên Thọ được trồng từ năm 2013 cây phát triển tốt, riêng tại Tiên Lộc do mới trồng, khâu cải tạo đất của bà con chưa đạt nên mầm bệnh trong đất còn khá cao, tỷ lệ cây chết nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con cách ly mầm bệnh, sau đó cấp giống để tiếp tục nhân rộng tại những diện tích còn lại” - ông Phu chia sẻ.
Ông Hồ Quang Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Lộc chia sẻ, vùng này trước đây cây tiêu được trồng với diện tích rất lớn, song do quá trình trồng lâu năm thiếu chăm sóc kỹ, tiêu bị xuống hết. Từ sự hỗ trợ của dự án KH-CN của Trung tâm Ứng dụng và thông tin KH-CN, bà con đã trồng mới 1.500 choái, tỷ lệ cây sống đạt 70 - 80%. “Từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện, Hội Nông dân sẽ tích cực vận động nhân dân trồng phục hồi với quy mô lớn để được hưởng lợi từ cơ chế, chính sách” - ông Thái nói.
Biến thành cây chủ lực
Thời gian qua, dù giá tiêu trên thị trường luôn biến động, có thời điểm giá 1kg tiêu khô Tiên Phước hơn 500.000 đồng, song ở Tiên Phước, nơi từng là quê hương của cây tiêu, mặt hàng nông sản này lại trở nên khan hiếm và sản lượng suy giảm nghiêm trọng.
Nếu những năm 1980 - 2000, cây tiêu là loại cây trồng chủ lực, phát triển mạnh ở 15 xã/thị trấn của Tiên Phước với tổng diện tích hơn 300ha, sản lượng đem lại hằng năm đạt từ 300 - 400 tấn thì hiện tại, diện tích hồ tiêu trong vùng Tiên Phước chỉ còn khoảng chục héc ta với sản lượng chỉ khoảng 15 tấn/năm.
Nhận thấy giá trị và vị thế chiến lược của loại cây trồng bản địa này, UBND tỉnh và UBND huyện Tiên Phước đã đầu tư nhiều hơn cho cây tiêu thông qua nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mới. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm phục vụ hỗ trợ và phát triển cây tiêu. Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước chia sẻ: “Con số 1 tỷ đồng/năm thể hiện sự quan tâm của tỉnh với cây tiêu.
Tranh thủ sự hỗ trợ từ dự án phát triển cây tiêu của UBND tỉnh bên cạnh Cơ chế 11, huyện sẽ hướng tới xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn quốc gia, đưa ra cấy mô trồng nhân rộng với diện tích lớn, đầu tư cho khâu đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và khâu quảng bá thương hiệu sản phẩm”. Cũng theo bà Sáu, về phía huyện Tiên Phước, mới đây, HĐND huyện cũng ban hành Nghị quyết 18 về phục hồi và phát triển cây tiêu Tiên Phước.
Theo tinh thần nghị quyết, huyện sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng đối với những hộ trồng mới 20 choái và 10 triệu đồng đối với những hộ trồng từ 100 choái trở lên. “Nguồn hỗ trợ nhắm đến những hộ trồng tiêu có quy mô lớn, có dự án với số lượng trồng từ 100 choái trở lên để khuyến khích sản xuất theo hướng hàng hóa” - bà Sáu nói.
Có thể nói, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nói trên, cùng với việc lồng ghép nhiều mô hình, dự án về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, thời gian qua, nỗ lực phục hồi và phát triển cây tiêu tại Tiên Phước là động thái rất tích cực.
Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện, giai đoạn 2012 - 2013, toàn huyện đã xây dựng hơn 20 mô hình phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại. Ở kinh tế vườn, ngoài đầu tư cho nhiều đối tượng cây ăn quả bản địa, Tiên Phước đầu tư mạnh và hướng trọng tâm cho cây tiêu.
Giai đoạn 2014 - 2015, huyện đã và đang xây dựng 50 mô hình trên cơ sở lồng ghép nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, Quyết định số 11 của UBND tỉnh và Nghị quyết 18 của HĐND huyện. Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng Dự án phát triển cây tiêu Tiên Phước giai đoạn 2014 - 2018.
Trọng tâm của dự án là hướng tới xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn, đưa công nghệ nuôi cấy mô để lập vườn cây đầu dòng đạt chuẩn. Có thể thấy, nỗ lực phục hồi và phát triển cây tiêu Tiên Phước có sự hậu thuẫn, tạo đà rất lớn từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước và đó là động lực của sự phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Các doanh nghiệp thủy sản cho biết, việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, nhất là siêu thị ngoại đang ngày càng khó khăn bởi cứ mỗi năm lại xuất hiện thêm một vài khoản chiết khấu “trời ơi” mới với những cái tên nghe rất “mỹ miều” từ “trên trời rơi xuống”.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),Thái Lan đang là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam tại ASEAN.
Vì sao “hạt ngọc” Việt rơi vào tình cảnh “3 không”- không thuần loại, không truy xuất được nguồn gốc, không thương hiệu?
Tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 1.237,819 triệu USD, bằng 107,6% so với kế hoạch năm, về đích trước 2 tháng. Đó là những tín hiệu vui đối với kinh tế Thanh Hóa.
Thời gian qua, thực hiện nhiều phong trào thi đua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã có những việc làm thiết thực cùng với cấp ủy đảng, chính quyền phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM).