Củ Chi trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của TP. HCM

Kênh thủy lợi tại xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi) thuộc hệ thống kênh đông được kiên cố hóa phục vụ tưới cho 10.500ha đất nông nghiệp.
Ngày 9/9, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Củ Chi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Đây là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo Củ Chi đã có nhiều thay đổi vượt bậc. 20 xã của huyện Củ Chi đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Địa phương không còn hộ đói; tiêu chí hộ nghèo dưới 16 triệu đồng/hộ/năm còn 3,75%.
Thu nhập bình quân hộ gia đình tại các xã đạt 40,5 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2020 tăng lên 60 triệu đồng/người/năm.
Huyện tham gia tích cực việc thực hiện chương trình nông thôn mới, người dân trên địa bàn đã hiến gần 750.000m2 đất và công trình tổng trị giá trên 355 tỷ đồng, đóng góp hàng nghìn ngày công dọn vệ sinh hơn 340 tuyến đường, xây dựng 87 tuyến đường kiểu mẫu; triển khai thực hiện công tác đầu tư 582 công trình.
Công tác chăm lo đời sống nhân dân cũng được các cấp chính quyền ở Củ Chi quan tâm. Đến nay, huyện có 3 bệnh viện, 1 trung tâm y tế dự phòng và 100% số xã, thị trấn có trạm y tế có bác sỹ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 76 %. Củ Chi có 10 xã được công nhận là xã văn hóa.
Từ định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, những năm qua, diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả đã giảm đáng kể, nhiều mô hình trồng hoa lan, trồng cỏ nuôi bò và phát triển thủy sản được hình thành và phát triển có hiệu quả kinh tế cao.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đặc biệt, đến 99% người dân Củ Chi đã tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới từ khi xác định nội dung, triển khai biện pháp thực hiện cho đến đánh giá kết quả. Điều đó cho thấy chương trình đã khơi dậy được tinh thần phấn đấu trong Đảng bộ, nhân dân, thúc đẩy phong trào thi đua mạnh mẽ.
Theo ông Thưởng, những kết quả trong xây dựng nông thôn mới của Củ Chi góp phần thu hẹp khoảng cách đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngoại thành với người dân nội đô.
Bên cạnh đó, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi tiếp tục nỗ lực để nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt được, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, tạo diện mạo mới đối với Củ Chi nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
"Huyện Củ Chi cần tiếp tục quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới với mục tiêu chính là lo cho dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho cư dân nông thôn, coi người dân là chủ thể. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, bộ máy quản lý của nhà nước, về nông nghiệp nông thôn, xác định nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghiệp cao là hướng đi cần tập trung, ưu tiên," Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng Bằng khen cho 13 tập thể, tặng cán bộ và nhân dân huyện Củ Chi và 6 xã cùng 5 tập thể, 17 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực trong phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Có thể bạn quan tâm

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh (Thuận Nam - Ninh Thuận), tôi tìm gặp ông Võ Hồng Tâm, 57 tuổi, nông dân làm giàu từ cây mãng cầu trên vùng đất Quán Thẻ.

Theo thống kê, toàn huyện Vân Canh, diện tích trồng xen canh chuối, thơm, đu đủ khoảng 600 ha; trong đó, chuối vẫn là chủ lực, được trồng tập trung ở các xã Canh Vinh, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh, Canh Thuận và Canh Hòa.

Chúng tôi đến ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách - Bến Tre) theo tin phản ánh của một số người dân trong xã. Về tình trạng thương lái mua ép sầu riêng chưa đủ ngày tuổi (khoảng hơn nửa tháng), đã gây ảnh hưởng đến chất lượng của sầu riêng.

Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) cho biết, sản lượng bưởi Tân Triều trong dịp Tết Nguyên đán 2014 giảm chỉ bằng 2/3 sản lượng Tết năm ngoái.

Diện tích trồng dưa hấu tết năm nay tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) giảm hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, giá dưa ngoài thị trường hiện đang giữ mức khá cao. Nhiều nông dân dự báo, giá dưa tết năm nay sẽ “không đến nỗi nào”, đặc biệt dưa chưng Tết có khả năng sẽ khan hàng.