Củ Chi trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của TP. HCM
Kênh thủy lợi tại xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi) thuộc hệ thống kênh đông được kiên cố hóa phục vụ tưới cho 10.500ha đất nông nghiệp.
Ngày 9/9, Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Củ Chi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
Đây là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo Củ Chi đã có nhiều thay đổi vượt bậc. 20 xã của huyện Củ Chi đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Địa phương không còn hộ đói; tiêu chí hộ nghèo dưới 16 triệu đồng/hộ/năm còn 3,75%.
Thu nhập bình quân hộ gia đình tại các xã đạt 40,5 triệu đồng/người/năm, phấn đấu đến năm 2020 tăng lên 60 triệu đồng/người/năm.
Huyện tham gia tích cực việc thực hiện chương trình nông thôn mới, người dân trên địa bàn đã hiến gần 750.000m2 đất và công trình tổng trị giá trên 355 tỷ đồng, đóng góp hàng nghìn ngày công dọn vệ sinh hơn 340 tuyến đường, xây dựng 87 tuyến đường kiểu mẫu; triển khai thực hiện công tác đầu tư 582 công trình.
Công tác chăm lo đời sống nhân dân cũng được các cấp chính quyền ở Củ Chi quan tâm. Đến nay, huyện có 3 bệnh viện, 1 trung tâm y tế dự phòng và 100% số xã, thị trấn có trạm y tế có bác sỹ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 76 %. Củ Chi có 10 xã được công nhận là xã văn hóa.
Từ định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện, những năm qua, diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả đã giảm đáng kể, nhiều mô hình trồng hoa lan, trồng cỏ nuôi bò và phát triển thủy sản được hình thành và phát triển có hiệu quả kinh tế cao.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đặc biệt, đến 99% người dân Củ Chi đã tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới từ khi xác định nội dung, triển khai biện pháp thực hiện cho đến đánh giá kết quả. Điều đó cho thấy chương trình đã khơi dậy được tinh thần phấn đấu trong Đảng bộ, nhân dân, thúc đẩy phong trào thi đua mạnh mẽ.
Theo ông Thưởng, những kết quả trong xây dựng nông thôn mới của Củ Chi góp phần thu hẹp khoảng cách đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngoại thành với người dân nội đô.
Bên cạnh đó, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi tiếp tục nỗ lực để nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt được, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, tạo diện mạo mới đối với Củ Chi nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
"Huyện Củ Chi cần tiếp tục quán triệt quan điểm xây dựng nông thôn mới với mục tiêu chính là lo cho dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất văn hóa tinh thần cho cư dân nông thôn, coi người dân là chủ thể. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, bộ máy quản lý của nhà nước, về nông nghiệp nông thôn, xác định nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghiệp cao là hướng đi cần tập trung, ưu tiên," Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng Bằng khen cho 13 tập thể, tặng cán bộ và nhân dân huyện Củ Chi và 6 xã cùng 5 tập thể, 17 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực trong phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Related news
Với tập quán chăn nuôi truyền thống, từ bao đời nay đa phần người dân vùng nông thôn vẫn làm chuồng nuôi lợn ở vị trí thấp. Cũng chính vì cách chăn nuôi truyền thống này mà mỗi khi có lũ lớn xảy ra, người chăn nuôi thường bị thiệt hại rất nhiều.
Bất cứ ai có dịp về thăm mô hình chăn nuôi lợn nái kết hợp trồng bưởi của gia đình chị Mầu Thị Yến - thôn Tam Hợp, xã Cát Quế (Hà Nội), đều không khỏi ngỡ ngàng trước hiệu quả trong phát triển. Đây là mô hình mẫu cho nhiều cá nhân trong và ngoài địa phương đến học tập.
Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Đức Minh ở thôn Hộ Diêm 1, xã Hộ Hải (huyện Ninh Hải) vượt qua những thất bại, vươn lên làm giàu nhờ nuôi ốc hương và chim bồ câu.
Do hạn hán kéo dài, không đủ nước sản xuất lúa nên vụ hè-thu năm nay, anh Lê Quang Thành, thôn Láng Me, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) đã chuyển đổi 9 sào ruộng lúa nước sang trồng dưa hồng xiêm.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, nhóm rau ăn lá như rau muống, rau ngót, cải xanh, cải thảo, cải ngọt, bắp cải… là các loại rau được dùng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày ở nước ta vẫn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.