Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tháo Gỡ Khó Khăn, Vướng Mắc Trong Trồng Rừng Thay Thế

Tháo Gỡ Khó Khăn, Vướng Mắc Trong Trồng Rừng Thay Thế
Ngày đăng: 07/03/2015

Trong giai đoạn 2014-2016, tỉnh Đác Nông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) giao trồng 7.721 ha rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Tuy nhiên, đến nay qua một năm triển khai, kết quả trồng rừng thay thế (TRTT) trên địa bàn đạt rất thấp, đòi hỏi địa phương có những giải pháp cụ thể để công tác TRTT hoàn thành đúng tiến độ.

Đâu là nguyên nhân Mặc dù công tác TRTT được tỉnh Đác Nông triển khai ngay từ đầu năm 2014, nhưng đến hết tháng 10-2014, toàn tỉnh mới chỉ có bốn dự án của bốn chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt phương án TRTT với tổng diện tích là 45,26 ha.

Trong đó có một dự án thủy điện với diện tích một ha và ba dự án khác với diện tích 44,26 ha. Bên cạnh đó, chỉ mới có bốn dự án của ba chủ đầu tư đang xây dựng phương án TRTT với diện tích 558,05 ha; chín dự án của tám chủ đầu tư chưa xây dựng phương án TRTT với diện tích 1.911,9 ha và có chín dự án của tám chủ đầu tư chưa triển khai TRTT trong năm 2014 với diện tích 1.814,9 ha. Không những vậy, theo kế hoạch trong năm 2014, các dự án thủy điện trên địa bàn được giao TRTT với diện tích 1.912,92 ha nhưng đến cuối năm các chủ dự án chỉ trồng được hơn 41 ha, đạt 2,14% kế hoạch.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Nguyên nhân chính khiến diện tích TRTT trên địa bàn đạt thấp là do các chủ dự án chưa quan tâm, còn lơ là công tác TRTT, đến nay nhiều chủ dự án chưa xây dựng phương án và chưa tổ chức TRTT.

Bên cạnh đó, diện tích TRTT theo kế hoạch của tỉnh Đác Nông quá lớn, chỉ trong ba năm 2014-2016 toàn tỉnh phải TRTT với diện tích 7.721 ha, chưa bao gồm diện tích phát sinh các công trình mới ngoài kế hoạch, thời gian thực hiện quá ngắn, không chỉ gây khó khăn cho chủ đầu tư các dự án mà kể cả các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc tổ chức thực hiện từ khâu rà soát, xác định chủ đầu tư, diện tích TRTT đến việc rà soát, xác định quỹ đất, bàn giao và hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục pháp lý, thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các đơn vị TRTT, do diện tích trồng rừng lớn, thời gian thực hiện ngắn nên các đơn vị đều gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị nguồn kinh phí để tổ chức trồng rừng, đặc biệt là các công trình thủy điện đã được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và công trình đã hoàn thành thi công đang đưa vào vận hành. Thêm vào đó, chủ đầu tư dự án các công trình thủy điện không có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác trồng và quản lý các dự án trồng rừng.

Do đó, khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn về lập phương án trồng rừng, hồ sơ thiết kế trồng rừng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với quỹ đất để bố trí cho việc TRTT chủ yếu là dựa trên cơ sở báo cáo rà soát, thống kê của các đơn vị chủ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao ngoài thực địa thì hầu hết diện tích đất bị xâm canh và hiện đang được người dân canh tác.

Đồng thời, trình tự thủ tục xây dựng phương án TRTT cũng còn rườm rà, phương án phải trình hội đồng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt trước khi xây dựng hồ sơ thiết kế..., khiến thời gian bị kéo dài và chưa hợp lý.

Mặt khác, phần lớn chủ đầu tư các dự án thủy điện chưa tích cực triển khai, thực hiện nghĩa vụ TRTT, đến nay chỉ mới có một chủ đầu tư dự án thủy điện lập phương án trồng rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn lại chín chủ đầu tư dự án thủy điện chưa lập phương án trồng rừng như Ban Quản lý dự án thủy điện Đồng Nai 5 với diện tích TRTT là 213 ha; Công ty TNHH Mê Kông II với diện tích trồng rừng hơn 101 ha; Công ty cổ phần VRG Đác Nông với diện tích trồng rừng hơn 139 ha...

Giải pháp tháo gỡ Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác TRTT mà các doanh nghiệp, đơn vị đang gặp phải, sở đã kiến nghị với UBND tỉnh báo cáo Bộ NN và PTNT cho gia hạn thời gian TRTT trên địa bàn tỉnh Đác Nông kéo dài đến hết năm 2019 để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn kinh phí, đồng thời quy định cụ thể về sở hữu rừng trồng đối với diện tích TRTT. Nếu quy định không rõ ràng như hiện nay thì sau này rừng trồng thay thế lớn lên sẽ xảy ra tranh chấp trong việc sở hữu.

Về thẩm quyền cho phép nộp tiền và giải pháp triển khai thực hiện TRTT: Đối với những đơn vị không đủ điều kiện để thực hiện TRTT mà địa phương có đất để bố trí nhưng còn phải xử lý đất xâm canh, lấn chiếm thì cho phép tỉnh được xây dựng đơn giá TRTT bình quân cho một số loại cây trồng, làm cơ sở để các chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh và địa phương sẽ phân bổ cho các đơn vị chủ rừng có đất trồng rừng để thực hiện. Trong trường hợp địa phương không có quỹ đất để bố trí TRTT, tỉnh sẽ nộp số tiền trên vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng T.Ư theo quy định.

Đối với các công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh mà phần vốn đầu tư có nguồn từ ngân sách nhà nước như: Công trình thủy lợi, đường giao thông, công trình an ninh -quốc phòng, trường học, trạm y tế... đề nghị Bộ NN và PTNT xem xét, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư bố trí đủ vốn TRTT bằng nguồn vốn ngân sách T.Ư để tỉnh triển khai thực hiện, trường hợp không bố trí được vốn thì cho phép tỉnh khấu trừ vào những diện tích trồng rừng bằng vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư trong những năm qua.

Về phương thức TRTT, ngoài phương thức TRTT tập trung, cho phép tỉnh bổ sung phương thức TRTT nông - lâm kết hợp, bởi hiện nay phần lớn diện tích đất quy hoạch TRTT do người dân lấn chiếm, sản xuất. Việc TRTT theo phương thức nông - lâm kết hợp không chỉ thu hút người dân tham gia trồng rừng mà còn nâng cao hiệu quả rừng trồng, đặc biệt là trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, do chủ đầu tư không có chuyên môn về lâm nghiệp nên đề nghị cho phép các chủ rừng trực tiếp tổ chức trồng rừng trên cơ sở phương án trồng rừng mà nhà đầu tư lập và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát trển rừng theo phương án để tỉnh phân bổ cho các đơn vị TRTT. Đồng thời cần xử lý nghiêm đối với các dự án nhà máy thủy điện không thực hiện hoặc thực hiện chậm tiến độ, TRTT không bảo đảm chất lượng...


Có thể bạn quan tâm

Xử Lý Hành Chính 23 Trường Hợp Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Trái Phép Xử Lý Hành Chính 23 Trường Hợp Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Trái Phép

Lực lượng chức năng huyện Núi Thành (Quảng Nam) vừa tổ chức đợt kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 23 hộ với 26 ao nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép trên địa bàn xã Tam Tiến.

11/12/2013
Nuôi Tôm Nước Mặn Thâm Canh Không Phải Dễ Nuôi Tôm Nước Mặn Thâm Canh Không Phải Dễ

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hồng Phong (64 tuổi - xã Giao Thạnh - Thạnh Phú - Bến Tre). Ông Phong đã nhiều năm điêu đứng vì nghề nuôi tôm sú thâm canh, và nay đang hy vọng vào con tôm thẻ chân trắng.

03/01/2014
Triển Khai Nuôi Cá Lăng Chấm Thương Phẩm Trong Ao Triển Khai Nuôi Cá Lăng Chấm Thương Phẩm Trong Ao

Những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ nói riêng phát triển mạnh. Tuy nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu là cá rô phi đơn tính và một số loài cá truyền thống mà chưa phát triển được một số đối tượng thủy đặc sản.

11/12/2013
Để Tôm Chân Trắng Có Thương Hiệu Để Tôm Chân Trắng Có Thương Hiệu

Tôm chân trắng là loài thuỷ sản “ngoại nhập” - có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được nuôi phổ biến ở nhiều vùng trong tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, Móng Cái là địa phương có diện tích nuôi loài tôm này lớn nhất, với năng suất đạt cao nhất trong tỉnh. Dù vậy, tôm chân trắng ở Móng Cái cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề tồn tại mà để giải quyết được nó thì cần phải xây dựng được thương hiệu cho loài thuỷ sản này.

03/01/2014
Tổng Đàn Gia Súc Giảm, Gia Cầm Tăng Tổng Đàn Gia Súc Giảm, Gia Cầm Tăng

Tính đến ngày 1.10, tổng đàn gia súc trên toàn tỉnh Tây Ninh đạt 315.534 con - giảm 10% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở đàn trâu giảm 11,36%, đàn bò giảm 9,74%, đàn lợn giảm 9,96%. Theo Cục Thống kê, nguyên nhân đàn trâu, bò giảm mạnh do không còn đồng trống để chăn thả, vì người dân đã tận dụng hết quỹ đất để trồng cây.

11/12/2013