Củ cải trắng nghịch mùa ở Long Sơn (Trà Vinh)

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thêm thu nhập, một số nông dân ấp Huyền Đức đã mạnh dạn trồng củ cải trắng mùa nghịch. Nông dân Tạ Chiến Công, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn đã tiến hành trồng củ cải trắng nghịch mùa trên đất giồng cát diện tích 0,2ha; sau 40 ngày trồng, năng suất ước đạt 10 tấn/ha.
Với giá thu mua củ cải vừa mới nhổ lên tại rẫy vào thời điểm này là 3.500 đồng/kg, thì ông Công thu được lợi nhuận gần 04 triệu đồng. Theo ông Công, trồng củ cải vào mùa nghịch tuy năng suất thấp hơn mùa thuận, nhưng nhẹ chi phí và công chăm sóc, lại bán có giá hơn mùa thuận. Thương lái Tạ Thị Thúy ấp Huyền Đức cho biết: Trước đây, bà chỉ thu mua sản phẩm dưa leo, khổ qua, cà tím, đậu các loại của nông dân trong ấp, hiện nay đầu ra củ cải trắng tương đối dễ tiêu thụ, nên bà thu mua luôn sản phẩm củ cải trắng của nông dân.
Giá củ cải trắng hiện nay dao động từ 2.000 - 3.500 đồng/kg. Bình quân bà thu mua khoảng 01 tấn rau củ quả các loại cung cấp cho thương lái chợ Trà Vinh. Củ cải trắng thời gian thu hoạch ngắn, nếu được mùa, được giá thì nông dân thu lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha.
Nông dân ấp Huyền Đức thu hoạch củ cải trắng
Củ cải trắng rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Cây củ cải phù hợp với những vùng đất tơi xốp, ẩm, rất thích hợp vùng đất giồng cát ở ấp Huyền Đức. Tuy củ cải không phải là cây màu chủ lực, nhưng thời gian gần đây, giá sản phẩm tương đối dễ tiêu thụ, một số nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng nhiều, có thể tận dụng các khoảnh đất sát nhà để trồng. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho những hộ dân, nhất là những hộ có ít đất sản xuất.
Trước hiệu quả từ cây củ cải trắng nghịch mùa của nông dân ấp Huyền Đức, ông Kim Sô Phan, cán bộ nông nghiệp xã Long Sơn cho biết: Củ cải trắng là cây tương đối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế lại khá cao so với nhiều loại cây trồng khác, nhất là trồng vào mùa nghịch. Tuy trồng củ cải trắng vào mùa nghịch bán được giá nhưng năng suất thấp do thời tiết bất thường, lại xuất hiện bệnh thối củ. Do vậy, thời gian qua địa phương tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn thuốc bảo vệ thực vật giúp nông dân có biện pháp phòng trừ bệnh thối củ và sâu bệnh gây hại. Đến nay, toàn xã xuống giống được gần 20ha củ cải trắng mùa nghịch, năng suất bình quân đạt từ 10 - 15 tấn/ha, giá bán 3.500 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với mùa thuận, lợi nhuận bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/ha.
Quy trình kỹ thuật trồng cây củ cải trắng
- Thời vụ.
Củ cải trắng có thể trồng được nhiều vụ trong năm: vụ chính gieo hạt tháng 8 - 9; vụ muộn gieo hạt tháng 10 - 11; vụ xuân hè gieo hạt tháng 2 - 4. Củ cải trắng trồng vụ xuân hè nhanh cho thu hoạch nhất (khoảng 25 - 35 ngày) nhưng cho năng suất thấp.
- Chuẩn bị đất và gieo hạt
Cây củ cải trắng cho phần thu hoạch là củ, nên để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn (cây củ cải trắng trồng tốt nhất trên đất phù sa nhiều mùn), cách ly khu vực có chất thải, cách xa đường quốc lộ ít nhất 100m, không tồn dư hóa chất độc hại và kim loại nặng.
- Gieo hạt: Nếu gieo theo luống thì rải phân bón lót trên mặt luống rồi trộn đều với đất, để 1 - 2 ngày mới gieo hạt. Nếu gieo hàng thì tiến hành rạch hàng cách nhau 25 - 30cm, bỏ phân vào rạch, lấp đất vài hôm rồi gieo. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75 - 80%) để hạt nảy mầm tốt.
- Bón lót: Trồng củ cải trắng bón phân lót là chính. Bón lót 100% phân chuồng hoai mục, 100% phân lân, 20% phân đạm và 40% phân kali. Phân lót được trộn đều vào đất trước khi gieo hạt 1 - 2 ngày. Nông dân cũng có thể sử dụng phân NPK tổng hợp (loại chứa nhiều P2O5) để bón lót thay cho phân đơn.
- Phòng trừ sâu bệnh.
Cây củ cải trắng rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Có thể sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ.
Để hạn chế sâu bệnh hại trên cây cải củ, cần chú ý: Không nên gieo 02 - 03 đợt củ cải trắng và các cây họ cải khác liên tục trên cùng một diện tích; ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới để phòng trừ; nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly thuốc dùng đúng hướng dẫn trên bao bì gói thuốc.
Có thể bạn quan tâm

Năm 14 tuổi, anh Trần Trọng Hoài ở khu 1, phường Tuần Châu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đã lặn lội về quê gốc tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) để học nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 1993, trở về Tuần Châu, anh nhận thấy tại khu vực Nuỗng Đầm có thể cải tạo để nuôi thuỷ sản. Anh đã xin chính quyền cấp cho 10ha để phát triển kinh tế.

Sau hơn 5 năm triển khai, dự án biến đổi khí hậu (BĐKH) do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ đã được Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (thuộc Trường Đại học Nông lâm Huế) triển khai có hiệu quả trên nhiều vùng đất bạc màu của tỉnh Quảng Trị. Từ dự án này, nhiều “vùng đất chết” ở hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong đã từng bước hồi sinh và mở ra hướng làm giàu bền vững cho người dân.

Cá còm còn có tên gọi cá Nàng Hai, là loài được xếp phân loại cùng một họ với cá thát lát (họ Notopteridae). Ngoài giá trị được sử dụng làm thực phẩm, cá còm còn được nuôi làm sinh vật cảnh. Đây là giống cá nước ngọt có khả năng chịu phèn, thịt ngọt và dai, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon; đặc biệt là món chả cá.

Vui mừng là tâm trạng của hầu hết nông dân trồng nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre những ngày qua. Vui là vì vụ nghịch năm nay bà con bán được giá cao, còn mừng là vì 34 ha nhãn ở đây đã được Cơ quan Kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp mã số chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường này.

Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) là xã có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nguồn cung con giống tại địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người nuôi. Do vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trại sản xuất con giống để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn giống. Trong số những hộ sản xuất cua giống thành công có hộ anh Ngô Minh Trang (ấp 2A, xã Phong Thạnh Tây B).