Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Xây Dựng Mô Hình Tái Canh Cà Phê

Nông Dân Xây Dựng Mô Hình Tái Canh Cà Phê
Ngày đăng: 04/11/2014

Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương dẫn đầu trong cả nước về thực hiện hiệu quả chương trình tái canh cà phê, trong đó đã phát huy tính chủ động của người nông dân trong việc xây dựng các mô hình điểm.

Ở xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm hiện có khá nhiều mô hình tái canh cà phê do nông dân tự xây dựng với quy mô lớn, đã được ngành nông nghiệp chọn làm mẫu để nhân rộng trong toàn tỉnh.

Như mô hình 10ha cà phê ghép năng suất cao của hộ gia đình ông Lê Quang Linh, được lãnh đạo các cấp, ngành từ trung ương, tỉnh đến huyện, xã thường xuyên quan tâm động viên, tạo mọi điều kiện để phát triển. Hạ tuần tháng 10/2014, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Quốc Doanh đã đến và đánh giá đây là những kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý báu để ngành nông nghiệp địa phương tổng kết, hoàn chỉnh mới quy trình kỹ thuật chuyển giao rộng rãi cho nông dân.

Bởi từ một cánh đồng 10ha cà phê trồng thuần quá lâu năm, qua sự cần mẫn, sáng tạo của nhà nông Lê Quang Linh đã ghép cải tạo, nâng sản lượng thu hoạch hạt nhân trên mỗi hécta từ 3,5 - 4 tấn tăng lên 7 - 7,5 tấn.

Kể chuyện với khách tham quan về việc ghép cải tạo cà phê năng suất cao, ông Linh khiêm tốn: “Bây giờ cả xã Lộc Đức, Bảo Lâm, hộ gia đình nào cũng có thể ghép cải tạo cà phê đạt năng suất cao. Thành công chung của nhà nông chúng tôi bắt đầu từ tinh thần chịu khó học hỏi lẫn nhau trên từng khu vườn cà phê…”.

Nhà nông Lê Quang Linh ở thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, Bảo Lâm (người cầm loa) đang giới thiệu với khách tham quan về mô hình cà phê ghép cải tạo của mình đạt năng suất từ 7 tấn nhân/ha/năm

Gắn bó trên vùng đất Lộc Đức, Bảo Lâm từ năm 1988, nhà nông Lê Quang Linh luôn trăn trở tìm kiếm mọi giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê - một loại cây “sống đời” đối với kinh tế hộ gia đình nơi này.

Nếu tính từ năm 2008 trở về trước, năng suất trung bình những diện tích cà phê trên dưới 20 năm tuổi ở xã Lộc Đức chỉ vào khoảng 2 - 3 tấn nhân/ha, thì ông Linh đã tích cực thâm canh đạt đến 4 - 4,5 tấn nhân/ha.

Đến giai đoạn năm 2008 về sau, phong trào ghép chồi giống mới trên gốc cà phê cũ được ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm hướng dẫn, triển khai trên địa bàn, ông Linh là một trong những hộ gia đình hưởng ứng khá tích cực. Trên 10ha cà phê, ông quyết định ghép mới đồng loạt và đã hoàn thành trong vòng 2 năm 2008 và 2009. Cứ mỗi gốc cây cũ ghép lên từ 3 - 5 chồi mới, mỗi ngày, hộ gia đình ông Linh gồm 4 công lao động ghép xong từ 1.200 - 1.500 chồi.

Đi vào chăm sóc năm đầu tiên, chặt bỏ 1/3 số cành cũ trên cây cho chồi mới phát triển. Năm thứ hai, tiếp tục 2 lần chặt bỏ 2/3 số cành cũ còn lại (mỗi lần cách nhau 6 tháng), tập trung “không gian” riêng biệt cho tất cả số chồi mới vươn cành, tỏa nhánh.

Kết quả nguồn thu nhập trên cây cà phê của hộ ông Linh đã không bị gián đoạn: trong 2 năm đầu nuôi chồi mới, số cành cũ còn lại vẫn thu được từ 2 - 3 tấn nhân/ha/năm; năm thứ 3, toàn bộ chồi cà phê ghép đã “trưởng thành” khép tán, cao từ 3,5 - 4m, thu bói đạt 5,5 - 6 tấn nhân/ha.

Con số này đã tăng lên 7 tấn nhân/ha trong vụ mùa 2013 - 2014, dự kiến sẽ tăng lên 7,5 - 8 tấn nhân/ha ở vụ mùa 2014 - 2015 sắp tới. Hạch toán ở mức giá cà phê hiện thời 40.000 đồng/kg, số lãi thu về trên diện tích cà phê ghép cải tạo của hộ ông Linh khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Ở xã Lộc Đức, Bảo Lâm không chỉ có cây cà phê ghép cải tạo, mà còn có cả cây cà phê ghép trồng mới, điển hình là khu vườn 1ha đang đậu trái bói của hộ nông dân Nguyễn Xuân Hạ ở thôn Tiền Yên.

Trước khi đào hố trồng ra vườn đồi vào tháng 5/2013, hộ ông Hạ đã nuôi cây giống cà phê ghép cao sản trong vườn ươm bằng các phương pháp kỹ thuật mới trong thời gian hơn 2 năm. Đó là kỹ thuật được nhà nông Nguyễn Xuân Hạ “cấu thành” từ thực tế sản xuất và kiến thức tự học từ nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Tính đến cuối tháng 10/2014, trên 1ha cà phê ghép trồng mới trên đất cà phê già cỗi đã phá bỏ hoàn toàn, ông Hạ đã đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng và chắc chắn sẽ thu trái bói vào đầu năm 2015. Mục tiêu đến mùa thu hoạch chính đầu tiên vào năm 2016, ông Hạ sẽ thu đạt năng suất từ 3 tấn nhân/ha trở lên.

“Hiện nay, thôn Tiền Yên thuộc xã Lộc Đức, Bảo Lâm đã có khoảng 1.000ha cà phê tái canh đang vào thời kỳ kinh doanh, trong đó chiếm 80% diện tích cà phê ghép cải tạo và 20% diện tích cà phê trồng mới và trồng xen. Còn khoảng hơn 100ha cà phê già cỗi còn lại trong thôn sẽ hoàn thành việc tái canh trong năm 2015…” - ông Nguyễn Xuân Hạ cung cấp số liệu với chức trách là Trưởng thôn Tiền Yên.


Có thể bạn quan tâm

Lại Bỏ Lúa Trồng Cam Lại Bỏ Lúa Trồng Cam

Từ đầu năm đến nay, hầu hết các loại nông sản đều giảm giá mạnh, nhưng cam sành vẫn giữ được giá cao với gần 30.000 đồng/kg nên rất nhiều người đã đốn nhãn, dừa.

26/07/2012
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Lạc Trên Đất Đồi Ở Văn Bàn Hiệu Quả Mô Hình Trồng Lạc Trên Đất Đồi Ở Văn Bàn

Trong những năm qua, để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã tập trung hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất; cách phòng, chống dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là xây dựng mô hình trình diễn. Mặc dù qua đánh giá, các mô hình trình diễn đều mang lại hiệu quả cao, người dân rất phấn khởi tham gia, nhưng khả năng nhân rộng lại hạn chế. Nguyên nhân là do khó tìm được đầu mối cung ứng giống, đòi hỏi đầu tư, thâm canh cao, thị trường tiêu thụ không ổn định... Những khó khăn đó đòi hỏi khi xây dựng mô hình cần phải tìm hiểu kỹ để khắc phục những hạn chế trên.

30/07/2012
“Bắt” Cây Mía Tăng Năng Suất “Bắt” Cây Mía Tăng Năng Suất

Hiện nay, năng suất bình quân của cây mía tại Đồng Nai đạt khoảng trên 59 tấn/hécta/năm. Tuy nhiên, một số nông dân trong tỉnh lại có “bí quyết” đẩy năng suất mía cao gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân.

31/07/2012
Chuẩn Bị Vườn Cam Sành Nghịch Vụ Chuẩn Bị Vườn Cam Sành Nghịch Vụ

Cây cam sành ở nước ta được trồng nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ…

31/07/2012
Vicofa Hỗ Trợ Tây Nguyên 296.000 Cây Càphê Giống Vicofa Hỗ Trợ Tây Nguyên 296.000 Cây Càphê Giống

Theo kế hoạch, năm 2012, Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ hỗ trợ năm tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp càphê trên địa bàn tổng cộng 296.000 cây giống càphê.

01/08/2012