Yên Bái Khai Thác Hiệu Quả Chè Shan Tuyết Vùng Cao
Với diện tích trên 12.000ha chè, sản lượng thu hái hàng năm đạt trên 90 ngàn tấn, cây chè đang là cây xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững nhất hiện nay.
Không chỉ lớn về diện tích mà Yên Bái còn có trên 4.000ha chè Shan tuyết vùng cao rất quý hiếm không phải địa phương nào cũng có. Tuy nhiên, do trồng nhỏ lẻ, phân tán cùng với công nghệ chế biến chưa hiện đại nên diện tích chè đặc sản Shan tuyết vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, thế mạnh.
Nói đến chè Shan tuyết ở Yên Bái thì cây chè cổ thụ Suối Giàng (Văn Chấn) hay chè Shan tuyết Phình Hồ (Trạm Tấu) đã trở thành thương hiệu và được vinh danh Thương hiệu chè Việt. Nhưng chè Suối Giàng hay chè Phình Hồ chỉ là một phần nhỏ trong tổng số trên 4.000ha chè Shan tuyết vùng cao.
Chè Shan tuyết được trồng ở khắp các xã vùng cao từ Bản Công, Bản Mù, Pá Hu, Pá Lau của huyện Trạm Tấu đến Púng Luông, Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải và huyện Văn Chấn cũng có trên 1.000ha. Sản lượng chè thu hái mỗi năm đạt trên 15.000 tấn búp tươi với giá bán cao gấp đôi giá chè vùng thấp, góp phần không nhỏ trong xóa đói nghèo ở các xã vùng cao còn đầy khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Trong nhiều năm qua, Văn Chấn luôn chú trọng phát triển cây chè Shan tuyết vùng cao, từ vài trăm héc-ta ở Suối Giàng nay đã có ở hầu hết các xã vùng cao.
Trước đây, chè được trồng bằng hạt và trồng theo phong trào nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2008, huyện đã chỉ đạo các địa phương trồng chè giâm cành nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng đáp ứng cho chế biến chè đặc sản. Chỉ tính riêng trong năm 2014 này, toàn huyện trồng mới trên 200ha, đưa tổng diện tích chè Shan lên trên 1.100ha, sản lượng búp thu hái đạt trên 3 ngàn tấn. Một, hai năm nữa, khi toàn bộ diện tích khép tán, sản lượng đạt không dưới 10 ngàn tấn mỗi năm".
Suối Giàng là "thủ phủ" của chè Shan tuyết cổ thụ bởi nơi đây có trên 3 vạn gốc chè hàng trăm năm tuổi thì Nậm Búng, Gia Hội, Sùng Đô, Nậm Mười cũng là vùng “cao nguyên” rộng lớn của chè Shan tuyết. Riêng xã Nậm Búng đã có gần 200ha. Chè ở đây được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước, cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Vài năm trở lại đây, xã, huyện đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho người dân trồng chè Shan tuyết bằng cành nên phát triển rất tốt, búp to, mẩy, năng suất đạt 9 - 10 tấn/ha. Ở Nậm Búng và Gia Hội, có 3 nhà máy chế biến chè với công suất hàng chục tấn mỗi ngày. Cũng như Văn Chấn, huyện Trạm Tấu có trên 1.000ha chè Shan tuyết được trồng ở hầu hết các xã, sản lượng búp đạt gần ngàn tấn.
Điều đặc biệt là cây chè Shan tuyết phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và đều được trồng trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển bốn mùa mây phủ, phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của trời đất, tạo nên hương vị rất riêng. Do vậy, dù chế biến thủ công hay công nghiệp cũng không làm mất đi chất lượng vốn có của chè.
Giá chè nguyên liệu thường cao gấp hai, ba lần giá chè thường; giá một ki - lô - gam chè chế biến thường có giá từ 120.000 - 150.000 đồng. Chè Shan tuyết khi pha nước vàng như mật ong rừng, hương thơm ngào ngạt, uống vào vị đượm, man mát ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của chè Shan vùng cao.
Diện tích chè lớn nhưng trồng nhỏ lẻ, không tập trung; việc thu hái cũng không được nhân dân chú trọng, nhiều nơi khai thác hoàn toàn tự nhiên, dẫn tới hiệu quả không cao. Trong chế biến cũng còn nhiều bất cập, ngoại trừ vùng chè Suối Giàng của huyện Văn Chấn thì còn lại vẫn chưa được chính quyền, doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Số lượng nhà máy, cơ sở chế biến nhiều nhưng công nghệ chế biến lạc hậu và chưa thực sự quan tâm đến xây dựng chiến lược sản phẩm cũng như thương hiệu sản phẩm.
Để khai thác hiệu quả cây chè Shan tuyết vùng cao, thiết nghĩ, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển diện tích bằng cách trồng dặm vào những diện tích hiện có. Bên cạnh đó, cần có những quy hoạch cụ thể, không nên trồng ồ ạt mà chỉ tập trung phát triển ở những địa phương có lợi thế.
Đồng thời tích cực tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, chăm sóc cơ bản cho người dân để nâng cao năng suất, chất lượng chè, đáp ứng cho chế biến. Tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính, công nghệ, tâm huyết với cây chè để sản phẩm chè đạt chất lượng xuất khẩu, nâng cao giá trị, thu nhập cho người trồng chè. Làm được như vậy, chắc chắn cây chè Shan tuyết không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu ở vùng cao.
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian du nhập vào Việt Nam, không chỉ được nuôi nhốt tại các vườn thú phục vụ nhu cầu tham quan, chăn nuôi đà điểu đã trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều trang trại và nông hộ.
Nắng nóng kéo dài, người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang hết sức lo lắng bởi tình trạng khô hạn ở các ao đầm, suy giảm tốc độ tăng trọng và nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Sáng 24/6, tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã tổ chức khai giảng lớp nghề nuôi và phòng trị bệnh trâu bò cho 31 nông dân trên địa bàn xã.
Hiện nay, do nắng nóng kéo dài, một số địa phương lại xuất hiện mưa dông nên nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn bất ổn. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi diễn biến phức tạp khiến người nuôi không an tâm.
Ngày 22/6, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT) và Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU).