Mía Không Còn... Ngọt!
Gần phân nửa diện tích mía ở huyện Ea Kar và M’Drak - hai vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh Đắk Lắk - đã quá thời kỳ thu hoạch, khô nỏ hết lá; nhiều bãi mía đã được chặt nhiều ngày nhưng chưa được tiêu thụ, nằm phơi nắng khiến người trồng mía “đứng ngồi không yên”.
Nông dân thiệt đơn thiệt kép
Tính đến thời điểm này, tại huyện Ea Kar chỉ mới có 65% diện tích mía được thu hoạch; tương tự, tại huyện M’Drak, cũng chỉ khoảng 3.000 ha/7.600 ha. Theo phản ánh của nông dân, sức tiêu thụ mía nguyên liệu năm nay chậm hơn so với nhiều năm trước. Ông Hồ An Tiêm (thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’ Drak) – một nông dân gắn bó nhiều năm với cây mía than thở: “Với tiến độ thu hoạch mía như hiện nay, nông dân cầm chắc phần lỗ!”.
Ông Tiêm cho biết, 4,5 ha mía của gia đình trồng có hợp đồng với các nhà máy mía đường trong và ngoài tỉnh nhưng hiện nay các nhà máy chậm xếp lịch chặt khiến nhiều bãi mía khô nỏ hết lá. Ngày 19-2, gia đình ông được xếp lịch chặt khoảng 2 ha mía nhưng chưa chặt được một nửa đã phải ngưng lại do nhà máy tồn mía nhiều. Đã vậy, số mía chặt xong (khoảng 100 tấn) phải nằm đồng nhiều ngày liền.
Quá sốt ruột, vợ chồng ông Tiêm liên tục gọi điện thoại hối thúc cán bộ phụ trách địa bàn của các nhà máy vận chuyển mía nhưng mãi đến ngày 25-2 mới được giải quyết… một phần. Hiện vẫn còn khoảng 20 tấn mía nguyên liệu đã chặt tiếp tục nằm phơi nắng, chưa biết đến bao giờ mới có lịch nhập. Xót của, hằng ngày vợ chồng ông vơ lá mía đắp cho số mía đã chặt để chống khô.
Ông Tiêm ngậm ngùi: “Nhìn số mía nằm trơ dưới cái nắng cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, vợ chồng ăn, uống không nổi. Cả một năm làm lụng vất vả, chỉ chờ đến ngày thu hoạch, nhưng nay tài sản đang bị hao hụt ngay chính trên đồng ruộng. Mía chỉ cần chặt một ngày không nhập được là đã giảm trọng lượng, giảm trữ đường, huống gì đã hơn 8 ngày trôi qua”.
Sốt ruột không kém gì người trồng mía, Chủ tịch UBND xã Ea Pil Nguyễn Doãn Sùng đứng ngồi không yên khi lượng mía của xã “khê” (tồn đọng) trên đồng quá nhiều khiến người trồng thua lỗ nặng.
Ông Sùng hạch toán: năng suất mía của xã trung bình chỉ đạt 60-65 tấn/ha và giá thu mua mía nguyên liệu hiện tại là 840.000 đồng/tấn (áp dụng cho loại đạt 10 chữ đường). Tuy nhiên trong thực tế, lượng mía đạt 10 chữ đường không nhiều, chủ yếu là 9, thậm chí là 8; cứ giảm một chữ đường sẽ trừ đi 10% giá thu mua.
Như vậy, với sản lượng 60 tấn/ha, nhân với đơn giá 756.000 đồng (loại 9 chữ đường)/ha thì người trồng mía thu được hơn 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê nhân công chặt và chi phí chăm sóc thì lợi nhuận chỉ còn 19 triệu đồng. Trong trường hợp chữ đường đạt 8, giá còn 672.000 đồng/tấn thì lợi nhuận chỉ còn hơn 14 triệu đồng.
Tại xã Ea Sô - một trong những xã trọng điểm trồng mía của huyện Ea Kar - tuy chưa đến mức “đắng” nhưng người trồng mía cũng đang đứng ngồi không yên trước tình trạng mía nguyên liệu chậm được tiêu thụ. Toàn xã có khoảng 2.000 ha mía, trong đó khoảng 1.500 - 1.600 ha có hợp đồng trồng với các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh, nhưng đến nay mới thu hoạch được khoảng 50% diện tích.
Nhiều ruộng mía đã quá thời gian thu hoạch một vài tháng nhưng vẫn chưa được xếp lịch chặt nên đang trổ cờ trắng đồng. Không ít nông dân nóng ruột, liên tục gọi điện thoại cho cán bộ địa bàn (người đầu tư) để thông báo về tình trạng mía quá lứa và đề nghị được xếp lịch chặt, nhưng luôn nhận được câu trả lời là “từ từ rồi tính”, “Ôi! đang bận lắm” và … tắt máy!
Theo người trồng mía, mía thu hoạch quá lứa không chỉ giảm năng suất, trữ đường vụ này mà còn liên tiếp ảnh hưởng xấu đến sự phát triển, năng suất vụ sau. Càng về cuối vụ, giá thuê nhân công chặt mía càng tăng. Nguy hiểm nhất là số diện tích chặt vào thời điểm bắt đầu có mưa đầu mùa, đất ẩm ướt nên việc đốt lá mía trên ruộng chẳng khác nào “luộc gốc mía”, dẫn đến mía chết hàng loạt.
Nguy cơ nông dân quay lưng với mía
Theo tìm hiểu, người trồng mía trên địa bàn tỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy đường. Hiện đầu ra của các nhà máy đang gặp khó khăn thì người nông dân đừng mong chờ gì giá mía tăng hay đẩy nhanh được tiến độ thu hoạch.
Vì vậy, nông dân đành phải tìm cách “tự cứu” mình. Tại xã Ea Sô, không ít bà con nông dân tỏ ra ngao ngán với cây mía dù loại cây trồng này đã bén rễ với đất và người nơi đây, thậm chí có thời điểm đã trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho nhiều hộ. Vị ngọt của cây mía ngày nào, nay bắt đầu đắng chát trên từng số phận của nông dân.
Ông Nguyễn Kim Anh (thôn 2, Ea Sô), quê ở Phú Yên – một trong những vùng quê giàu kinh nghiệm về trồng mía - đã quyết định “chia tay” với cây mía sau nhiều năm gắn bó. Vụ mía trước, gia đình ông đã chuyển 2 ha mía sang trồng loại cây khác và sau vụ mía 2013-2014, ông dự tính tiếp tục phá bỏ toàn bộ diện tích còn lại.
Ông so sánh: giá nhiều loại hoa màu khác hiện nay tương đối cao, chắc chắn sẽ cho thu nhập cao hơn mía. Trao đổi về tình trạng nông dân có ý định phá bỏ diện tích mía với chính quyền xã Ea Sô, được biết: mới đây Đảng ủy xã cũng đã có Nghị quyết theo hướng giảm đáng kể diện tích trồng mía, thay vào đó là các cây hoa màu khác. Còn tại xã Ea Pil (huyện M’Drak), nông dân cũng đang tính toán đến chuyện trồng cao su, trồng sắn - những loại cây trồng được cho là dễ bán và đem lại thu nhập cao.
Chuyện nông dân chuyển đổi từ loại cây trồng này sang một loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người đầu tiên gánh chịu không ai khác cũng sẽ chính là nông dân.
Vấn đề đặt ra, nếu nông dân ồ ạt chuyển sang trồng sắn vì đang có giá cao và đầu ra ổn định thì nguy cơ cung vượt cầu và rớt giá là rất lớn, chưa kể việc này sẽ làm cho đất nhanh bạc màu, để sau đó chuyển đổi sang trồng cây gì cũng khó. Còn với ý định trồng cao su, mặc dù một số diện tích trồng cao su ở Ea Pil cho sản lượng lẫn chất lượng mủ đều đạt yêu cầu, nhưng điều này cũng không đồng nghĩa là có thể trồng đại trà ở đây.
Nói điều này để thấy rằng, việc chuyển đổi sang cây trồng khác nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân là cần thiết, song chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm tránh tình trạng “chặt – trồng - chặt…” như đã từng xảy ra đối với nhiều loại cây như cà phê, hồ tiêu, điều, ca cao…
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, trong quý 1/2014, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 1.510ha. Trong đó, mức độ thiệt hại trên 70% chiếm hơn 190ha, và dưới 70% khoảng 1.320ha. Tuy nhiên, bà con nông dân chỉ mới khắc phục khoảng 540ha.
Sáng 1/4, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ phát động thả giống thủy sản để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại TX Sông Cầu và huyện Sông Hinh.
Là xã nằm ven sông Gianh, bốn bề sông nước, có nhiều diện tích đất ven bãi thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản, những năm qua, xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn - Quảng Bình) đã phát huy được thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM của nơi đây.
Đến xã Giao Thiện (Giao Thuỷ - Nam Định) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân nơi đây. Anh Trần Văn Nguyên ở xóm Tân Hồng phấn khởi cho biết, gia đình anh đang lắp đặt các quạt đảo nước tạo ô-xy cho các ao nuôi để kịp thả tôm giống.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1/8/2011 đến 31/7/2012 (POR 9) đối với phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.