Ảnh Hưởng Dịch Cúm Gia Cầm Người Chăn Nuôi Gặp Khó
Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, sức tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm giảm mạnh, giá trứng, thịt gia cầm cũng giảm theo, làm người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Sức tiêu thụ chậm, giá giảm
Hơn tháng qua, sức tiêu thụ các sản phẩm gia cầm ở các chợ trên địa bàn tỉnh Phú Yên giảm mạnh. Ông Trần Văn Tự, chủ kinh doanh trứng gia cầm ở chợ Tuy Hòa cho biết, mỗi ngày sạp hàng ông chỉ bán được khoảng 500 đến 700 quả trứng các loại, giảm hơn nửa so với trước Tết Nguyên đán.
Còn bà Nguyễn Thị Loan, chủ một hàng trứng bên cạnh cho hay: “Cả tháng nay, hàng trứng của tôi gần như chỉ bán sỉ cho các bạn hàng quen, ngày nào không có bạn hàng đến mua thì ngồi chơi không, thị trường bán lẻ gần như “đứng”, mặc dù trứng gia cầm tôi bán đều được nhập về từ các trại chăn nuôi uy tín”. Theo những tiểu thương này, nguyên nhân chính dẫn đến thị trường trứng gia cầm bị “đóng băng” là vì dịch cúm gia cầm đang xảy ra ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Phú Yên, nên người tiêu dùng e ngại sử dụng.
Chính vì sức tiêu thụ trứng gia cầm đang giảm mạnh nên giá trứng trong thời gian gần đây cũng “tụt dốc” theo. Hiện trứng gà bán tại chợ có giá 14.000 đến 16.000 đồng/chục, giảm 6.000 đồng so với trước.
Ngoài mặt hàng trứng, gia cầm sống, thịt gia cầm cũng rất khó tiêu thụ. Theo chị Nguyễn Thị Lan, chủ hàng gà, vịt ở chợ Tuy Hòa, hiện nay giá bán gà, vịt sống cũng giảm khá mạnh, gà ta chỉ còn khoảng 70.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với trước, vịt 30.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg… Mặc dù vậy, mỗi ngày sạp hàng của chị chỉ bán được hơn chục con gà cho các quán quen.
Người chăn nuôi lỗ nặng
Do tác động của dịch cúm gia cầm khiến giá bán các sản phẩm gia cầm giảm mạnh trong thời gian qua làm cho các trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm bị lỗ nặng. Ông Trần Văn Đức ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) cho biết: “Đàn vịt đẻ 1.000 con của nhà tôi mỗi đêm đẻ được 700 trứng, với giá bán 20.000 đồng/chục trứng (giảm 8.000 đồng so với trước), chỉ thu được 1,4 triệu đồng.
Trong khi đó, đàn vịt mỗi ngày ăn hết 4 bao cám với giá 1,7 triệu đồng, lỗ 300.000 đồng/ngày; đó là chưa tính các chi phí khác như điện, thuốc thú y, công chăm sóc… Tính ra, giá trứng đã hạ khoảng 1 tháng, tổng cộng đến giờ này gia đình tôi đã lỗ gần 10 triệu đồng”.
Không riêng gia đình ông Đức, nhiều hộ chăn nuôi vịt đẻ đang phải gồng gánh nợ nần vì mỗi ngày phải bù lỗ cho chi phí thức ăn từ vài trăm đến cả triệu đồng tùy đàn vịt nhiều hay ít. Theo những hộ nuôi vịt, mặc dù giá trứng hạ và họ phải bù lỗ nhưng vẫn cố gắng duy trì đàn, đợi đến mùa thả đồng (mùa thu hoạch lúa) hy vọng sẽ giảm được chi phí thức ăn, còn ngay lúc này mà cắt hoặc giảm đàn thì sẽ càng bị lỗ hơn.
Ông Võ Văn Công ở xã An Ninh Tây (Tuy An) đang nuôi 1.500 vịt con cho biết: Chi phí để nuôi vịt từ khi gầy giống đến lúc sinh sản có giá thành hơn 95.000 đồng/con, nhưng hiện nay giá bán vịt thịt hoặc vịt thải chỉ 55.000 đồng/con, nếu trong lúc này mà thải đàn thì sẽ lỗ không dưới 55 triệu đồng.
Dù vậy, việc thải đàn cũng không dễ dàng gì vì hiện nay các thương lái chuyên mua vịt để đi Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, là những nơi thường tiêu thụ gia cầm của tỉnh đều không mua vì các thị trường này cũng dè chừng với thịt gia cầm.
Trong khi người chăn nuôi vịt đang khốn đốn vì thua lỗ thì tại các trang trại nuôi gà đẻ càng khó khăn gấp bội. Ông Lê Trung Khang, chủ cơ sở chăn nuôi gà sạch Đồng Lợi ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) cho hay, bình quân mỗi ngày trang trại thu được khoảng 40.000 quả trứng. Tuy nhiên, hơn tháng nay giá trứng gà liên tục giảm, giá bán tại trại chỉ còn 13.000 đồng/chục trứng.
Với giá này, mỗi ngày trại gà của ông lỗ khoảng 10 triệu đồng cho chi phí thức ăn. Đồng thời sức tiêu thụ giảm 1/3 so với trước tết nên lượng trứng tồn ngày càng nhiều. Cũng theo ông Khang, tất cả các khâu chăm sóc, sản xuất của cơ sở được thực hiện quy trình chăn nuôi gà sạch theo công nghệ CP của Thái Lan, sản phẩm bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Mặt khác, mỗi khi cơ sở xuất trứng đều có cán bộ thú y địa phương giám sát, kiểm dịch, niêm phong đảm bảo chất lượng khi đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra, giá gà công nghiệp cũng đang giảm rất mạnh, chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với trước tết, đây cũng là khó khăn lớn cho các trang trại nuôi gà muốn giảm đàn.
Theo Chi cục Thú y, những tỉnh trước đây thường nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm của Phú Yên như Gia Lai, Đắk Lắk thì nay cũng cấm không cho nhập các mặt hàng này từ các tỉnh có dịch. Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm gần đây của tỉnh.
Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho hay: Đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm đã được ngành Thú y kiểm dịch đều đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng. Để an toàn hơn, bà con nên nấu chín trước khi dùng, không nên ăn sống, tái hoặc dùng tiết canh đối với tất cả các loại thực phẩm kể cả gia cầm.
Tính đến ngày 8/3 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa) đã qua 21 ngày và không có dấu hiệu lây lan. Hiện Chi cục Thú y đang xem xét bãi bỏ các thủ tục kiểm soát, khống chế tại vùng dịch này để việc mua bán, giết mổ gia cầm ở đây được hoạt động trở lại bình thường.
Có thể bạn quan tâm
Đó là lời chia sẻ của anh Nông Văn Chính, chủ cở sở sản xuất miến dong Chính-Tuyển ở thôn Lủng Vạng, xã Côn Minh (Na Rì), khi được hỏi về bí quyết đem lại sự thành công trong sản xuất miến dong với doanh thu mỗi năm mấy tỷ đồng.
Đến thời điểm này, 70/80ha mía của bà con nông dân các xã Hòa Mục, Cao Kỳ, Nông Hạ, Nông Thịnh và một số xã lân cận của huyện Chợ Mới đã được tiêu thụ xong. Còn lại trên 10ha bị sâu bệnh hại, đang được người dân bán lẻ, tốc độ tiêu thụ chậm, giá bán dao động từ 3-5 nghìn đồng/1 cây.
Đức Phú là xã nằm xa trung tâm huyện, nơi tuyến kênh Tà Pao chưa được đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Điều này dẫn đến tình hình sản xuất lúa gặp không ít khó khăn. Để nâng cao năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích lúa, những năm gần đây xã đã luân canh, chuyển từ 3 vụ lúa ở khu nội đồng sang 2 vụ lúa và 1 vụ bắp đông xuân mang lại hiệu quả…
Đến hết tháng 4/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 231,1ha, giảm 4,6ha so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi thả bị thu hẹp do bước vào mùa nắng nóng thời tiết khô hạn làm cho nguồn nước bốc hơi nhanh, độ mặn tăng, môi trường nước biến động, độ PH thay đổi.
Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020 do UBND tỉnh ban hành thì vấn đề tái cơ cấu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là một nội dung quan trọng nhằm từng bước nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.