Công Nghệ Thông Tin Trong Nông Nghiệp Ngỡ Ngàng Và Thán Phục
Công nghệ thông tin (CNTT) giúp được gì cho SX nông nghiệp? Cơ hội nào cho nền nông nghiệp VN tiếp cận với CNTT?
Diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam – ASOCIO 2014 (diễn ra từ ngày 28-31/10) đã dành chủ đề chính cho lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.
CNTT hướng về nông nghiệp
ASOCIO ICT Summit 2014 là sự kiện quốc tế lớn nhất về CNTT của khu vực châu Á và châu Đại Dương do tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương tổ chức thường niên luân phiên tại các nền kinh tế trong khu vực.
Sau 11 năm diễn ra, đây là lần thứ 2 Việt Nam được quyền đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này. Điều đặc biệt ở diễn đàn năm nay, hơn 700 đại biểu là lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn CNTT hàng đầu của gần 20 nền kinh tế châu Á và châu Đại Dương đã hướng trọng tâm chủ đề diễn đàn cho việc thảo luận các vấn đề ứng dụng của CNTT trong SX nông nghiệp, đặc biệt gắn với bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang tái cấu trúc mạnh mẽ.
Với ý nghĩa quan trọng của diễn đàn, tại phiên khai mạc diễn ra hôm 29/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng.
Hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến đưa nội dung về áp dụng CNTT trong nông nghiệp và nông thôn tại diễn đàn, Phó Thủ tướng đánh giá: Việt Nam có nhiều lợi thế trong SX nông nghiệp, tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam hiện chưa gắn nhiều với công nghệ, đặc biệt là chưa gắn nhiều với CNTT.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục xác định CNTT là yếu tố then chốt tạo động lực quan trọng cho sự phát triển, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế, là con đường nhanh nhất để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, bước vào kinh tế trí thức.
Tại phiên khai mạc diễn đàn hôm qua, còn có sự có mặt rất đặc biệt của ngài Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản.
Ông Yukio Hatoyama cho biết, sau các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, hai nước đã có nhiều cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt mới đây, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã triển khai sáng kiến “Chiến lược chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” nhằm đưa công nghệ của Nhật Bản ra nước ngoài, đặc biệt trong đó có Việt Nam.
Với đặc điểm tỉ lệ SX nông nghiệp quy mô hộ gia đình còn lớn, mô hình HTX nông nghiệp cộng đồng gắn với CNTT của Nhật Bản là một cách làm mà Việt Nam rất đáng học tập. Cũng theo ngài Hatoyama, Nhật Bản hiện đã áp dụng CNTT trong rất nhiều các công đoạn của SX nông nghiệp, tập trung vào 4 nhóm ứng dụng chính bao gồm: Các hệ thống hướng dẫn định vị vệ tinh gắn với các máy nông nghiệp như các máy làm đất, máy thu hoạch... giúp điều hành các máy cơ giới nông nghiệp làm việc hiệu quả hơn; các mạng lưới thiết bị cảm biến gắn phần mềm điều khiển giám sát SX, đặc biệt tại các nhà kính thông minh điều khiển bằng công nghệ tự động...
Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và SX các loại ro-bot nông nghiệp tự động thu hoạch và phân loại sản phẩm nông sản. Ro-bot tự động sẽ từng bước thay thế lao động trực tiếp ở nhiều công đoạn nhằm giúp giảm sức lao động cũng như rủi ro trong công việc thay cho nông dân...
Cuối cùng, Nhật Bản có một hệ thống điều hành thương mại nông sản điện tử giúp việc phân phối nông sản, giám sát và phân tích thị trường hết sức hiện đại. Với những ứng dụng rộng khắp CNTT trong SX nông nghiệp, Nhật Bản hi vọng sẽ là đối tác tích cực giúp Việt Nam từng bước tiếp cận với lĩnh vực này trong thời gian tới.
Ngỡ ngàng trước công nghệ
Tại diễn đàn chuyên đề với chủ đề “CNTT trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp” diễn ra hôm qua, nhiều diễn giả đến từ các tập đoàn CNTT lớn ở các nước nông nghiệp phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Đài Loan... đã “trình làng” nhiều tiến bộ CNTT ứng dụng trong tự động hóa SX nông nghiệp khiến nhiều đại biểu của nước chủ nhà không khỏi ngỡ ngàng.
Từng 4 năm làm việc tại Việt Nam, ông Matan Nemenoff, TGĐ tập đoàn quốc tế Orca (Israel) so sánh: Quy mô đất SX của nông dân Israel có nhiều đặc thù nhỏ lẻ giống Việt Nam do điều kiện đất đai hết sức khô hạn và chật hẹp, tuy nhiên, hầu như toàn bộ các khâu từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ hiện nay nông dân Israel đã áp dụng CNTT hoàn toàn và gần như nông dân không còn phải có mặt trên đồng ruộng.
"CNTT giúp những người vốn nhiều thiệt thòi là nông dân có thể vươn lên, và tương lai họ sẽ được thụ hưởng nhiều hơn nhờ CNTT. Vì vậy cùng với cải cách thể chế, tôi hi vọng những thành tựu về CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp mà các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn sẽ là bài học quý để Việt Nam vận dụng nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch và bền vững” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Theo đó, chỉ cần một máy tính bảng hoặc một chiếc điện thoại Smart Phone có kết nối internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ giúp nông dân biết vườn cây nào cần bón phân, bón bao nhiêu, bón loại phân gì, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa..., và họ chỉ cần một cái click chuột để hệ thống canh tác tự động làm việc.
Các bộ cảm biến được dùng rộng rãi tại các vùng SX cũng giúp nông dân cập nhật được liên tục các chỉ tiêu về độ ẩm, nhiệt độ, khí cacbonic, cường độ ánh sáng... Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào, điều chỉnh ra sao và lúc nào cần điều chỉnh thông qua máy tính bảng hoặc điện thoại Smart Phone dù họ đang ở bất kỳ nơi đâu.
CNTT đã giúp một đất nước vô cùng khó khăn về điều kiện SX nông nghiệp như Israel có thể tự túc nông sản và XK. Năm 1955, mỗi nông dân Israel nuôi được trung bình 15 người, nhưng đến nay mỗi nông dân có thể nuôi được hơn 150 người khác.
Vùng sa mạc Arava khô cằn nhất Israel, lượng mưa chỉ 20 mm/năm nhưng nay lại là vùng SX rau quả hết sức trù phú. Một nông dân Israel hiện có thể tự một mình quản lí toàn bộ các khâu SX đối với diện tích canh tác 5-6 nghìn ha mà không phải tốn chút lao động tay chân nào...
“Việt Nam hiện là nước XK cà phê lớn nhất nhì thế giới, nhưng năng suất cà phê chỉ có 1,8 tấn/ha. Nếu áp dụng được công nghệ canh tác tự động hóa như Israel, các bạn sẽ có năng suất cà phê 6 tấn/ha, mà chất lượng cà phê còn cao lên rất nhiều. Tất cả đều phải nhờ CNTT”, ông Matan Nemenoff chia sẻ.
Ông Wataru Kuribayashi đến từ Cty TNHH Fujitsu Kyushu của Nhật Bản lấy một ví dụ khác: Hiện Cty Fujitsu có phần mềm Gyuho Sus đang được ứng dụng rộng rãi ở các trang trại chăn nuôi bò ở Nhật. Phần mềm này có thể phát hiện thời kỳ phát dục của bò cái thông qua nhận dạng bước đi của bò, có thể giúp người chăn nuôi đưa ra quyết định thời điểm thụ tinh nào là phù hợp nhất.
“Các hệ thống cảm biến thông minh điều khiển qua phần mềm tự động từ xa ở hầu hết các trang trại nhà kính ở Nhật Bản hiện nay có thể giúp nông dân toàn bộ các công việc, họ không cần phải ra ruộng nhưng cứ như lúc nào cũng có người ngoài ruộng vậy", ông Wataru so sánh.
Có thể bạn quan tâm
Trồng ớt xuất khẩu đang là mô hình thành công ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Đây là mô hình hợp tác “ba nhà” tạo bước đột phá nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân.
“Cơn sốt” ươi đi qua, giờ đến mùa trái xay vào vụ sai quả. Để loại cây quý hiếm này không bị xâm hại, những ngày này cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hà đang ngày đêm bám trụ tại những điểm “nóng”, kịp thời ngăn chặn nhiều đối tượng khai thác xay trái phép.
Giá đường tại kho các nhà máy sản xuất đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi lượng đường tồn kho tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.
Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay mấy năm gần đây giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ngành nuôi cá của tỉnh. Một thời gian dài, giá cá tra luôn ở mức xấp xỉ và thấp hơn giá thành sản xuất cá đẩy người nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản lượng cá tra toàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước khoảng 95.500 tấn.