Quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm vùng miền
Chưa phát huy giá trị
Quảng Nam có khoảng 100 sản phẩm đặc trưng và sản phẩm làng nghề truyền thống mang đặc thù vùng miền, nhưng tới nay chỉ mới 26 sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới các hình thức: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể (NHTT).
Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Ánh Tuyết, Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ & an toàn bức xạ và hạt nhân (Sở KH-CN), trên thực tế, 26 sản phẩm đã được bảo hộ này, nhiều NHTT không được quan tâm đầu tư, hỗ trợ, phát huy giá trị, nhiều nhãn hiệu không phát huy hiệu quả trong thực tế.
Nhiều sản phẩm đặc trưng chỉ được tiêu thụ nhỏ lẻ trong vùng biết tới, song thương hiệu lại không có mặt rộng rãi trên thị trường; sản phẩm khi đưa ra thị trường không gắn nhãn mác, bao bì, logo, tem chứng nhận nên giá trị không cao.
Ví như, tại làng hương Phú Lộc (Đại Hòa, Đại Lộc), sản phẩm làng nghề dù đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, song đến nay người dân làng nghề vẫn “bỏ quên” việc sử dụng nhãn hiệu của chính làng nghề mình để gắn lên sản phẩm mà chỉ sử dụng nhãn mác trôi nổi trên thị trường.
Hay như, nhiều nhãn hiệu lại bị chính chủ sở hữu lãng quên, ví như bưởi Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn), tiêu Tiên Phước (Tiên Phước), rau Bàu Tròn (Đại An, Đại Lộc), nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình)…
Cùng với sự ra đời của nhà sơ chế rau củ quả Bàu Tròn, việc gắn nhãn mác, logo, thiết kế bao bì khiến tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Thực tế, NHTT “Rau Bàu Tròn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận bảo hộ số: 151308 ngày 20.8.2010, Bưởi Đại Bình được bảo hộ nhãn hiệu tập thể số: 126173 ngày 2.9.2009, song nhiều năm, các chủ sở hữu hầu như không sử dụng trong sản xuất, tiêu thụ, lại còn làm thất lạc giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ.
Tiêu Tiên Phước được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 125322 ngày 20.5.2009, song Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất chế biến nông lâm Cẩm Hà, đơn vị được giao quyền quản lý nhãn hiệu lại không phát huy giá trị nhãn hiệu được bảo hộ suốt nhiều năm qua.
“Qua khảo sát, 100% hộ tham gia sản xuất nước mắm Cửa Khe, tiêu Tiên Phước, bưởi Đại Bình, rau Bàu Tròn đều sản xuất ở dạng nhỏ lẻ, phần đông chưa nhận biết, nhận thức về nhãn hiệu hàng hóa.
Rất ít hộ sử dụng nhãn mác, bao bì, tem gắn lên sản phẩm.
Kênh giao dịch qua truyền miệng chứ chưa qua hợp đồng ký kết hay được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như bán hàng qua mạng, qua truyền hình” - bà Tuyết nói.
Vận hành mô hình quản lý
Theo bà Hà Thị Ánh Tuyết, từ kết quả đề tài “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam” (đã được Sở KH-CN nghiệm thu), mô hình quản lý NHTT cho 4 sản phẩm được xây dựng tại các địa phương.
Dưới sự hỗ trợ của Sở KH-CN, 2 đơn vị HTX Dịch vụ sản xuất Nông lâm Cẩm Hà (Tiên Phước) và HTX Quế Trung (Nông Sơn) đã chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp cho 2 đơn vị được chọn giao quyền quản lý hiện nay trên địa bàn là HTX Nhật Linh và Hội Nông dân xã Quế Trung.
Hiện, Hội Nông dân xã Quế Trung đã trao quyền sử dụng NHTT bưởi Đại Bình cho 10 thành viên là những người tham gia sản xuất; UBND xã Bình Dương cũng tiến hành trao quyền cho 11 thành viên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm.
Tương tự, HTX Đại An trao quyền cho 43 hộ tham gia sản xuất tại Bàu Tròn; HTX Nhật Linh cũng trao quyền cho 5 hộ dân sản xuất, kinh doanh tiêu Tiên Phước.
Bà Hà Thị Ánh Tuyết cho biết, ngoài được hỗ trợ chuyển giao, xác lập lại quyền sở hữu công nghiệp, các tổ hợp tác, người dân tại các địa phương còn được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhãn mác, bao bì, logo, tem chống giả, mã vạch cho 4 sản phẩm đặc trưng.
Sản phẩm bà con sản xuất được đã được hỗ trợ đưa vào quảng bá tại một số siêu thị và bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao.
Qua tiếp thị, quảng bá, một số sản phẩm được đặt hàng với số lượng nhiều khiến bà con an tâm bám nghề.
“Đây là những mô hình điểm, thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình quản lý và phát triển NHTT này đối với những nhóm sản phẩm còn lại đã được trao quyền sở hữu công nghiệp nhưng chưa được phát huy trên thực tế, góp phần nâng cao uy tín, giá trị của thương hiệu” - bà Tuyết nói.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban quản lý Làng nghề nước mắm Cửa Khe cho hay, từ khi mô hình quản lý NHTT được vận hành, 11 thành viên tại làng nghề đã được ban quản lý trao quyền sử dụng nhãn hiệu.
Họ phải có nghĩa vụ tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản nước mắm do ban quản lý xây dựng dựa trên thực tiễn sản xuất tại làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, sản phẩm khi đưa đi tiêu thụ phải được gắn nhãn mác, đóng bao bì, chai lọ phải có mã vạch, logo thương hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng triển khai Dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2013-2020; Đây là một trong những dự án chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Ngày 8/3, Chi cục Thú y Hà Nội tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 cho gần 600 cán bộ thú y của các trạm thú y trên địa bàn TP.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, đánh giá dịch cúm gia cầm đang có hiện tượng lây lan. Sau Trảng Bom và Cẩm Mỹ, huyện Vĩnh Cửu là địa phương thứ 3 của tỉnh xuất hiện dịch trên đàn vịt hơn 20 ngàn con.
Tỉnh Bắc Cạn tập trung phát triển đàn lợn giống Móng Cái thuần trên địa bàn từ hai năm nay với mong muốn tạo đàn lợn giống để cung cấp đủ con giống nuôi thương phẩm tại chỗ, phòng, chống dịch bệnh, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, để đề án thành hiện thực, tránh lãng phí, đến nay vẫn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 28.000 ha hồ tiêu, chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, với năng suất đạt 3,5 tấn/ha.