Hợp sức vươn khơi
Thay đổi phương thức sản xuất
Đến làng biển Điện Dương vào thời gian này sẽ thấy nhiều ngôi nhà mới mọc lên khang trang.
Đời sống của ngư dân thay đổi nhanh chóng nhờ hiệu quả cao của những chuyến biển xa bờ mang lại.
“Các nghề truyền thống của ngư dân địa phương là lưới cản, lưới rê, suốt cả năm quẩn quanh gần bờ.
Đánh bắt hải sản chỉ diễn ra từ tối đến sáng nên thu được không nhiều cá, mực.
Đời sống bấp bênh đặt ra yêu cầu phải thay đổi” - ngư dân Nguyễn Thanh Tám (khối phố Hà Quảng Đông) cho biết.
Trong hơn 30 năm bám biển của mình, ông Tám trải qua rất nhiều nghề như câu mực khơi, chụp mực, lưới rê hỗn hợp, lưới cản, lưới quét...
Do đi “bạn” và hiệu quả kinh tế thu được không cao đã khiến ông Tám thay đổi phương thức sản xuất.
Ông Tám vận động cháu mình là Nguyễn Thanh Sơn cùng 6 ngư dân khác chung sức, đóng tàu lớn vươn khơi.
Con tàu QNa-92035 có công suất 360CV trị giá 3 tỷ đồng ra đời cách đây hai năm khiến nhiều ngư dân khác phải mơ ước và thán phục.
Ngư dân Điện Dương ăn nên làm ra từ nghề chụp mực.
Trường hợp của ông Tám đã tạo ra động lực làm cho nhiều ngư dân ở địa phương thay đổi phương thức sản xuất và mạnh dạn vươn khơi.
Rồi con tàu lớn thứ 2 ra đời cũng từ hình thức chung lưng đấu cật, góp vốn sản xuất.
Ngư dân Đặng Văn Phương (khối phố Hà Quảng Đông, chủ tàu cá QNa-92032 có công suất 420CV) cho biết, con tàu này lớn hơn, lại trang bị máy thủy mới 100%.
Với cách làm như vậy, đến thời điểm này, tại phường Điện Dương có 8 tàu công suất lớn vươn khơi.
Cả 8 con tàu đều gắn kết với nhau trong quá trình sản xuất trên biển.
“Nghề biển lắm tai ương, lỡ gặp hạn thì không biết đến bao giờ mới trả hết nợ.
Vậy là chúng tôi lại chung sức với nhau thêm một lần nữa, thành lập đội đoàn kết sản xuất trên biển.
Cả 8 tàu cá với 48 ngư dân đều là chủ tàu cùng phối hợp, đương đầu với sóng gió, chia sẻ ngư trường, thông tin giá cả, tương trợ bám biển” - ông Phương cho biết thêm.
Các phương tiện này đều khai thác hải sản bằng nghề chụp mực.
Theo ông Tám, nghề này rất khả quan, sản xuất được ngay trong mùa biển động, có nghĩa là bám biển quanh năm.
Các ngư dân cho biết, mỗi chuyến biển có thời gian trung bình là 15 ngày.
Thời gian qua nghề chụp mực cho thu nhập khá, có chuyến biển mỗi ngư dân thu nhập hàng chục triệu đồng.
Hiện đại hóa tàu cá
Ở phường Điện Dương có 2 làng biển nổi bật là Hà Quảng Đông và Quảng Gia.
Thời gian gần đây, ngư dân khối phố Quảng Gia có thêm tin vui vì làng biển sắp sửa có thêm một tàu công suất lớn, trang bị hiện đại được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Nghị định 67).
Phương tiện này của ngư dân Nguyễn Văn Giỏi được UBND tỉnh phân bổ đóng mới tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67, có công suất 700CV, bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Đến thời điểm này, thiết kế tàu cá theo nghề lưới rê hỗn hợp của ông Giỏi đã được Trung tâm Đăng kiểm quốc gia phê duyệt.
“Trước đây, UBND tỉnh phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn tổ chức buổi làm việc triển khai Nghị định 67, có sự tham gia của Sở NN&PTNT và các ngân hàng thương mại.
Phía ngân hàng đã cam kết khi ngư dân được phê duyệt thiết kế tàu cá thì sẽ phối hợp ký kết hợp đồng tín dụng đóng tàu.
Vậy nên, tôi rất yên tâm là phía ngân hàng sẽ sớm giải ngân vốn vay để việc đóng tàu được diễn ra đúng kế hoạch” - ông Giỏi nói.
Theo kế hoạch, tàu cá theo nghề lưới rê hỗn hợp của ông Giỏi sẽ được khởi công đóng mới tại cơ sở đóng tàu của ông Đỗ Văn Thành (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) vào cuối tháng 10 này.
Con tàu có giá trị 9 tỷ đồng, vốn đối ứng của gia đình ông Giỏi khoảng 3 tỷ đồng.
“Tôi đã liên hệ với một đơn vị chuyên cung cấp máy thủy mới ở TP.Hồ Chí Minh.
Hợp đồng cung ứng máy thủy mới sẽ được ký kết ngay khi lễ khởi công tàu cá được tiến hành.
Máy thủy mới hiệu Mitsubishi có giá trị 2 tỷ đồng, được kỳ vọng hoạt động tốt trong mọi điều kiện thất thường của thời tiết.
Tôi cũng sẽ bố trí các thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực khai thác cao cho tàu cá” - ông Giỏi nói.
Ông Nguyễn Thành Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho biết, tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 mà gia đình ông Giỏi sẽ sở hữu là phương tiện khai thác hải sản hiện đại nhất của thị xã Điện Bàn.
Con tàu này sẽ mở ra triển vọng lớn cho quá trình chinh phục biển của ngư dân trên địa bàn.
Tàu cá sẽ được bố trí một máy dò ngang mới nhất bên cạnh một máy dò đứng, có thể quét được mọi luồng cá lớn trong phạm vi hoạt động ở tầng đáy.
Ngoài ra, phương tiện cũng sẽ được đầu tư máy ICOM, thiết bị liên lạc định vị vệ tinh GPS.
Đặc biệt là hầm bảo quản bằng công nghệ cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU, không làm trầy cá, có độ lạnh tỏa đều, đảm bảo chất lượng hải sản theo tiêu chí xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này về thăm cù lao Chợ Mới (An Giang), dễ thấy những vườn dọc tuyến đường sơ ri trĩu trái, xanh, đỏ dọc bên vệ đường; xa xa vài chị áo vàng, áo tím nghiêng mình, hai tay thoăn thoắt hái trái cho kịp chuyến hàng chở sang Campuchia.
Kết quả trồng thử nghiệm giống ổi xá lị không hạt ở xã Hiệp Cát, Hiệp Lực (Hải Dương) cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, quả dài, vị ngọt...
Trong những năm qua nhờ chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với thả cá và đã giàu lên nhanh chóng. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Dũng thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành.
Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh gây hại lúa vụ hè thu.
Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.