Công nghệ mới, tôm thoát dịch
Tôm nuôi bùng phát dịch bệnh là "chuyện thường ngày ở huyện". Trong thời điểm giao mùa, nguồn nước ô nhiễm, con giống không đảm bảo... tôm "dính" dịch là điều không tránh khỏi. Song nhiều nơi chú trọng áp dụng quy trình, công nghệ mới, nuôi tôm vẫn thắng.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích tôm nuôi ở các xã vùng hạ huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ (Long An) bị thiệt hại không thu hoạch đúng tiến độ 669,7 ha (tôm sú 154,7 ha; tôm thẻ chân trắng 515 ha), chiếm 11,5% tổng diện tích thả nuôi.
Thu hoạch nhanh tôm nhiễm bệnh nhằm gỡ vốn.
Chủ quan
Người nuôi không khỏi lao đao vì nhiều diện tích tôm bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Sành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc) cho biết, so với vài năm trước, tình hình dịch bệnh trên con tôm tại địa phương diễn ra tương đối nghiêm trọng.
Hơn 2 tháng nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh lên đến hàng trăm ha, nhiều ao nuôi tôm có khả năng mất trắng.
Theo ông Sành, việc để xảy ra dịch bệnh trên con tôm bùng phát chủ yếu lỗi phần lớn là do người nông dân. Họ có tâm lý "đón giá" nên cải tạo ao và thả nuôi tôm bằng nguồn nước giếng khoan hoặc trữ nước lại từ vụ nuôi trước.
Người nuôi chủ yếu thả nuôi nghịch vụ để bán được giá cao nên không thả nuôi đồng loạt và chất lượng con giống kém. Nguồn nước sông đang bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi làm môi trường nước trong ao nuôi luôn biến động dẫn đến xuất hiện một số bệnh trên tôm nuôi, nhất là bệnh đốm trắng xảy ra trên diện rộng.
Ông Lê Phước Sáu, một hộ nuôi tôm có tiếng ở ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây cũng chia sẻ: “Phần lớn người nuôi có lợi nhuận vụ trước, đến vụ tiếp theo không cải tạo lại ao nuôi dẫn đến tình trạng ao đầm bị xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại cho vụ nuôi tiếp theo.
Một số hộ nuôi bị lỗ nên không đầu tư, ao lắng không xử lý thuốc diệt khuẩn và bơm nước trực tiếp vào ao nên tôm dễ bệnh hơn. Hiện gia đình tôi có 3,5 ha đất nuôi tôm thẻ chân trắng. Để hạn chế dịch bệnh, tôi kiểm tra mẫu nước 1 tuần/lần; mua con giống đã qua kiểm dịch, thả tôm theo lịch thời vụ như khuyến cáo”.
Trước tình hình tôm bị bệnh, người dân chỉ biết khắc phục bằng cách xả bỏ hoặc bán tháo, gỡ được đồng nào hay đồng đó, chứ không có cách nào trị bệnh đốm trắng trên tôm thẻ và tôm sú. Việc hạn chế dịch bệnh lây lan rất khó khăn vì người nuôi lỗ nên không còn tiền để xử lý nước ao trước khi xả ra môi trường.
Bên cạnh sự chủ quan của người dân, việc thời tiết thay đổi bất thường cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến người nuôi tôm điêu đứng. Ông Phạm Phú Hùng, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Long An nhận định, ban ngày trời nắng to, chiều thì mưa lớn trút xuống khiến cho con tôm rất dễ bị sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm. Do đó, tôm dễ mẫn cảm với với sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh.
Thời gian qua, tỉnh đã cử đoàn kiểm tra lấy mẫu phân tích nguyên nhân và hỗ trợ tập huấn xử lý dập dịch; khuyến cáo ao tôm đã bị bệnh đốm trắng không nên dùng nguồn nước cũ để nuôi lại và phải thông báo cho mọi người xung quanh trước khi xả nước thải ra môi trường, tuyệt đối không dùng thuốc BVTV và các loại thuốc không rõ nguồn gốc xử lý; cần có thời gian phơi ao kỹ nhằm tiêu diệt mầm bệnh và cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật.
Để hạn chế thiệt hại, ngành khuyến cáo người dân thả tôm theo đúng lịch thời vụ, không nên thả nghịch vụ.
Công nghệ nano bạc, quy trình VietGAP
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cho người nuôi tôm, đặc biệt trong vấn đề xử lý môi trường nước, Sở KH-CN Long An đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm thành công mô hình ứng dụng công nghệ nano bạc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại hai xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc), bước đầu cho hiệu quả.
UBND tỉnh Long An đã có chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm. Theo đó, hộ xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đ/ha, hộ thực hiện cải tạo lại ao 35 triệu đ/ha với điều kiện các hộ phải trong tổ hợp tác SX.
Nano bạc là chất được khai thác và phát triển bằng công nghệ tiên tiến hàng đầu mang nguyên lý kháng khuẩn, tiệt trùng siêu mạnh. Dưới tác dụng của các hạt nano bạc, trong vòng 5 phút, tế bào của hơn 650 loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt và ngăn ngừa vi khuẩn phát sinh tới 99,99%.
Ngoài ra, nano bạc còn có tính năng ngăn mùi hôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm. Đây là giải pháp hữu hiệu trong xử lý môi trường nước tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh đang bị ô nhiễm hiện nay.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Long An xây dựng 5 mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình VietGAP tại xã Phước Vĩnh Tây (3 điểm) và xã Phước Lại (2 điểm) huyện Cần Giuộc. Qua đó, giúp người dân nuôi tôm nâng cao trình độ SX, nắm vững cao biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, hướng đến việc nuôi tôm bền vững.
Thông qua xây dựng mô hình trình diễn, Trung tâm tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan để giới thiệu mô hình rộng rãi đến các hộ nuôi tôm khác được biết và áp dụng. Điểm mới trong mô hình lần này là các mô hình áp dụng phải đạt tối thiểu 80% theo bộ tiêu chí VietGAP và có ít nhất 1 hộ đạt đầy đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Với hàng nghìn ha diện tích nuôi tôm nước lợ ở Long An, việc hướng dẫn nuôi theo quy trình VietGAP sẽ giúp bà con đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí. Những năm trước đây, các hộ nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến và đầu tư thâm canh chưa đúng mức nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Tới đây, Chi cục Thủy sản Long An sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình, phấn đấu bước đầu đạt 5 - 10% diện tích nuôi; đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ như đầu tư ao lắng, hợp tác với các tổ SX, làm tiền đề để nuôi tôm bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, Hội LHPN xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện việc làm, tăng thu nhập cho hội viên (HV)
Ðó là anh Nguyễn Trung Ðang, ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường (huyện Tây Sơn). Năm 2006, khi đang học tại Trường ÐH Bách khoa Ðà Nẵng, anh bị đau nặng nên tạm nghỉ học để chữa bệnh; sau đó gia đình lâm vào cảnh khó khăn, anh đành phải thôi học, ở nhà phụ giúp gia đình.
Thông tin này được ông Phạm Trương, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn, cho biết tại cuộc họp Tỉnh ủy vào ngày 2.10.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong năm 2015 này huyện Phù Cát đã quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, đồng thời tập trung vận động nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả đưa vào sản xuất các loại cây trồng cạn.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản chủ yếu (gồm gạo, cà phê, điều nhân, sắn và sản phẩm sắn, cao su, hạt tiêu, chè, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói, thảm)