Nuôi heo bằng chuồng lạnh
Hệ thống làm mát tại trại nuôi heo của ông Nhợ
Đây là mô hình liên kết nuôi heo thịt gia công với công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế.
Mô hình chăn nuôi mới
Đầu năm 2014, ông Nguyễn Nhợ cùng ông Nguyễn Liền từ xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) lên huyện miền núi Sông Hinh thành lập trang trại nuôi heo với diện tích khoảng 2,6ha.
Sau khi xây trang trại, ông Nhợ và ông Liền đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) để nuôi heo thịt theo hướng gia công.
Ông Nguyễn Nhợ cho biết: Công ty C.P cung cấp con giống, thức ăn cho heo và bao luôn đầu ra.
Công ty còn hướng dẫn cách chăm sóc, cấp thuốc phòng chống dịch bệnh.
Lúc mới nuôi, chúng tôi chỉ xây hai trại nuôi heo “hở” và nuôi khoảng 2.000 con.
Chuồng được xây dựng theo kiểu công nghiệp, có sử dụng đệm lót sinh học dày 60cm từ trấu, mùn cưa cùng men sinh học để xử lý chất thải.
Điểm đặc biệt của hệ thống chuồng này là sử dụng hệ thống nước phun sương để làm mát chuồng.
Trong chuồng còn được trang bị hệ thống đo nhiệt độ để kịp điều chỉnh lượng nước phun.
Nhiệt độ trong chuồng luôn đảm bảo khoảng 30 độ C.
Từ hai trại heo “hở”, ông Nhợ và ông Liền mạnh dạn đầu tư thêm ba trại nuôi heo “kín” với khoảng 2.500 con heo.
Các trại nuôi này được xây dựng kín với hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ không khí bên trong, đệm lót sinh học… Nhiệt độ ở các chuồng lạnh luôn đảm bảo ở 27 độ C.
Thức ăn được đưa vào một cối lớn, sau đó, hệ thống máy sẽ tự động đẩy thức ăn đến tất cả các máng trong chuồng.
Nước uống cho heo cũng được cung cấp tự động.
Theo ông Nguyễn Nhợ, để đầu tư một trại “kín” rộng 1.400m2, người nuôi heo phải bỏ ra khoảng 2 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cũng giống như ông Nhợ, một số hộ dân khác trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai mô hình nuôi heo bằng chuồng lạnh.
Ông Nguyễn Văn Tạo, một hộ chăn nuôi heo ở huyện Sơn Hòa, cho biết: Tôi bắt đầu nuôi heo theo mô hình chuồng lạnh khoảng một năm nay.
Hiện tôi có hai trại nuôi heo chuồng lạnh có diện tích khoảng 2.800m2 với 2.400 con.
Các lứa heo đều phát triển bình thường.
Hiệu quả cao
Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, trang trại nuôi heo của ông Nhợ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Bằng việc áp dụng hệ thống tự động trong chăn nuôi, trang trại của ông không phải tốn nhiều nhân công chăm sóc.
Mỗi trại heo chỉ cần hai nhân công để theo dõi tình hình phát triển của heo cũng như làm vệ sinh chuồng trại.
Ông Nhợ chia sẻ: Mô hình nuôi heo này đảm bảo vệ sinh môi trường.
Vì phân và nước thải được xử lý trực tiếp bằng đệm lót sinh học nên gần như không có chất thải ra môi trường.
Hệ thống quạt gió hoạt động 24/24 giờ giúp khử mùi hôi trong chuồng nên trại gần như không có mùi hôi.
Theo ông Huỳnh Văn Tâm, Giám đốc Công ty C.P tại Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 hộ dân ký hợp đồng nuôi heo với công ty theo mô hình chuồng lạnh.
Hệ thống nuôi heo khép kín được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
Mọi người khi vào trại đều phải rửa nước khử trùng để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào.
Hệ thống vệ sinh cùng chích ngừa đúng quy định nên tình trạng dịch bệnh trong trại gần như không xảy ra.
Lượng thức ăn điều độ và đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nên heo lớn nhanh.
Mỗi con heo khi được đưa về đều có đánh dấu riêng và qua quá trình chăm sóc theo quy trình chuẩn nên khi xuất chuồng đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Nhợ, lúc trước, nuôi heo bằng phương pháp thông thường, người nuôi như ngồi trên đống lửa vì dịch bệnh, lo sợ giá cả bấp bênh, khó tìm đầu ra cho sản phẩm…
Khi nuôi heo theo mô hình chuồng lạnh, người nuôi thoải mái hơn rất nhiều, tuy vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng quá trình nuôi lại rất an toàn.
Đến thời điểm xuất chuồng (mỗi con nặng khoảng 100kg), đối với heo trại “hở”, người nuôi sẽ được trả khoảng 2.800 đồng/kg heo hơi.
Trong lứa heo đầu nuôi bằng chuồng “hở”, trang trại của ông Nhợ đã thu về khoảng 700 triệu đồng.
Hiện lứa heo nuôi trong chuồng “kín” chỉ còn hơn một tháng nữa là xuất chuồng, ông Nhợ sẽ được trả chi phí nuôi gia công từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg heo hơi theo hợp đồng đã ký.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, mô hình chăn nuôi trang trại của ông Nguyễn Nhợ phù hợp với định hướng phát triển của huyện.
Đây là mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường, ít xảy ra bệnh dịch cho đàn heo, chất lượng thịt lại đảm bảo an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Được ông Mào Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chang Váng Sinh dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất vùng biên giới - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe.
Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Xác định tiềm năng thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Tủa Chùa đã tích cực chỉ đạo người dân thâm canh, phát triển kinh tế. Đến nay, trình độ áp dụng KHKT, sử dụng giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bà con vùng cao còn nhiều khó khăn
Hộ chú Trần Văn Hạnh ngụ ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi là một trong những người đã “biết nuôi” và thành công trong việc chăn nuôi vịt theo quy trình an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm sạch, giữ gìn môi trường sinh thái.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công diện số 16/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.