Tưới tiết kiệm lợi tiền tỷ
Nhờ hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, 20 ha tiêu của ông Sang luôn xanh tốt
Không cần sử dụng nhiều nước, phân bón, không tốn công tưới nước, bón phân, vườn hồ tiêu của ông Sang vẫn được cung cấp đầy đủ lượng nước và chất dinh dưỡng cần thiết.
Đó là hiệu quả mà hệ thống tưới nhỏ giọt Netafim theo công nghệ của Israel được áp dụng.
Ông Sang có hơn 20 ha hồ tiêu đang bước sang năm thứ 3 của giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Trước kia, ông áp dụng hình thức tưới tràn, tốn nhiều nước và công sức vì phải kéo vòi dài hàng trăm mét, trong khi đó nguồn nước ngày một khan hiếm.
Dẫn chúng tôi ra thăm trang trại trồng hồ tiêu áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Netafim, điều dễ nhận thấy là cây tiêu phát triển đều, mọc chồi khỏe, ít sâu bệnh và ít bị sốc hơn do thường xuyên được giữ ẩm.
Tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm 50% lượng nước, mà còn giảm chi phí nhân công, giúp chủ động tưới.
Ông Sang cho hay, trước đây, bước vào 5 tháng mùa khô là hầu như ngày nào vườn tiêu cũng cần phải tưới.
Mỗi lần tưới tràn, ông thường phải thuê tới 18 công lao động tưới trong vòng một ngày.
Chỉ tính riêng tiền công, mỗi ngày tưới vườn, ông tốn đến 2.700.000 đồng.
Bên cạnh đó, cứ 10 ngày là 18 công nhân lại tiến hành bón phân, phun thuốc định kỳ.
Tính ra mỗi năm tiêu tốn 600 - 700 triệu tiền công lao động.
Nhận thấy việc SX hồ tiêu tốn quá nhiều chi phí nhân công, ông Sang mạnh dạn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.
Chỉ sau một thời gian ngắn, phương pháp tưới nhỏ giọt đã mang lại hiệu quả.
Trung bình mỗi ngày 30.000 gốc tiêu cần 300m3 nước.
Mỗi chiếc máy bơm nước có công tưới nhỏ giọt 30 m3/giờ, với 2 chiếc máy bơm hiện có, chỉ cần một công nhân vận hành, trong vòng 5 giờ, 20 ha tiêu đã được cung cấp nước đầy đủ.
Ông Sang phân tích, nhiều người tưởng tưới nhỏ giọt thì lâu, nhưng thực ra lại nhanh hơn tưới tràn, bởi khi tưới tràn thì mỗi người phải cầm 1 vòi bơm dịch hết cây này sang cây khác, trong khi chỉ cần vặn van điều khiển một cái, hệ thống tưới nhỏ giọt có thể phục vụ một lúc đến 30.000 gốc tiêu, thời gian tưới ngắn hơn so với tưới tràn.
“Vào mùa khô, việc đi thuê người tưới 150 - 200 nghìn đồng/ngày nhưng rất khó khăn.
Bây giờ tưới nhỏ giọt, chỉ cần một người vận hành, mở van một cái là hệ thống tự động tưới cho cả 20 ha, không cần phải mất tiền thuê nhân công và mỗi lần tưới cũng chỉ cần một ngày là xong”, ông Sang nói.
Theo ông Sang, ưu điểm của việc áp dụng tưới nhỏ giọt là độ ẩm mỗi gốc tiêu được cung cấp như nhau nên vườn tiêu sinh trưởng và phát triển rất đồng đều.
Ngoài ra, ông còn có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt như hòa tan các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ, tưới phân vi sinh dạng lỏng, phân bón hóa học.
Trung bình trên mỗi gốc tiêu, hằng năm ông sử dụng 600 gram phân bón.
Việc bón phân được ông thực hiện theo phương thức truyền thống là bón phân trên mặt đất.
Tuy nhiên, với hệ thống tưới nhỏ giọt này, phân bón sẽ được hòa tan vào các bể chứa, sau đó được máy bơm đưa đến trực tiếp bộ phận rễ của cây theo một tỉ lệ đã được định mức trước là 1 gram phân bón/cây.
Cứ như thế, mỗi gốc tiêu sẽ được hưởng trung bình mỗi ngày 1 gram phân đều như nhau.
Hệ thống pha trộn phân bón, thuốc BVTV của ông Sang
Trong hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ vùng rễ mới được làm ướt bởi đầu tưới nên các loại phân bón đạt hiệu quả sử dụng lên đến 90%.
Vùng rễ được cung cấp nước theo dạng thẩm thấu từng giọt nên rất tơi xốp, tăng khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng.
Từ đó, giúp bà con nông dân tiết kiệm được 30 - 40% lượng phân bón, 30% lượng nước so với phương pháp tưới tràn và bón phân trên mặt đất.
Cũng theo ông Sang, nguồn nước tưới bây giờ tại địa phương chỉ có thể trông chờ vào các hồ chứa nhỏ trong vùng và một số khoan giếng ngầm.
Tới tháng 3 hằng năm, các hồ nhỏ và nguồn nước ngầm gần như cạn kiệt nước, người nông dân thường không chủ động được nước tưới cho cây trồng.
Vì vậy, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm theo phương pháp nhỏ giọt vào SX là việc làm rất cần thiết.
“Đối với cây hồ tiêu, kinh phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt này là 50 triệu đồng/ha, thời hạn sử dụng từ 7 - 10 năm.
Tuy nhiên, đối với nhiều loại cây trồng khác, nếu áp dụng cách tưới này, chi phí lắp đặt sẽ thấp hơn.
Để đảm bảo thấm sâu đạt yêu cầu, hệ thống tưới có thể bố trí thành từng khu vực để tưới lặp lại 2 giờ/lần, được lắp ngầm dưới lòng đất.
Sau 6 - 8 tiếng tưới nhỏ giọt, độ ngấm nước toàn vườn có thể đạt sâu trên 30cm, sâu hơn cả so với tưới tràn như trước đây”, ông Sang cho biết thêm
Có thể bạn quan tâm
Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.
Những năm gần đây, nông dân huyện Năm Căn không ngừng tìm hướng đi mới trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi sò huyết giờ đã trở thành phong trào và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.
Cầm trên tay một khay bắp hạt, bà Trần Thị Sạ bước ra bên hiên nhà dưới gọi “lộc, lộc, lộc...” cả chục chú hươu mới trưởng thành chạy ùa ra trước sân chuồng đón mừng một bữa trưa thường nhật. Bỗng có khách lạ vào tham quan, chúng ngơ ngác chạy lùi ra xa. Bà Sạ kể: “Hồi mới đưa về xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng này, nuôi nhốt hai chục con hươu (còn gọi là con lộc) trong chuồng nhà mãi đến mấy tháng sau, chúng mới quen dần tiếng gọi, tiếng chân đi của chủ nhà…”.
Giống lúa năng suất, chất lượng cao Japonica ĐS 1 được trồng thử nghiệm thành công tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trong vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013.
Chúng tôi tìm đến vườn tiêu của anh Lê Văn Cương, hội viên Hội Nông dân xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Đập vào mắt chúng tôi là những trụ tiêu xanh um, xếp hàng thẳng tắp đang sản xuất theo quy trình VietGap.