Con dông (hay kỳ nhông) là một loại bò sát thường sống trong môi trường tự nhiên cũng như đang được nuôi tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thực ở thôn Nam Hà, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà mạnh dạn đưa dông về miền đất đỏ cao nguyên để nuôi thử nghiệm và đã có kết quả.
Sau nhiều năm loay hoay tìm mô hình mới để chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, lão nông Nguyễn Văn Thực đã tìm đến với nghề nuôi dông. Lâu nay, con dông thường sống ở các vùng đồi cát ven biển. Nuôi dông ở các địa phương có môi trường tự nhiên con dông từng sinh sống thì dễ nhưng để đưa về vùng đất đỏ cao nguyên quả là một điều mạo hiểm. Chính vì vậy mà trước khi đưa con dông về địa phương, ông Nguyễn Văn Thực đã tìm hiểu rất kỹ từ môi trường sống, thức ăn, nhiệt độ, cách làm chuồng trại, cách chăm sóc, phòng bệnh đến thị trường đầu ra cho sản phẩm; ông cũng đã tham khảo một số chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dông, các hộ nuôi dông thành công ở Bình Thuận và tham khảo tài liệu nuôi dông qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, ông đã kết luận con dông có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường nuôi nhốt tại địa phương mình. Không ngần ngại, tháng 11 năm 2011 ông đã đầu tư gần 50 triệu đồng để làm chuồng trại, diện tích 100 m2, mua con giống về nuôi.
Trong chuồng trại 100 m2, ông Thực đã thả nuôi gần 500 con dông giống. Qua gần 5 tháng nuôi, mỗi con đã nặng gần 2 lạng và vài tháng nữa là có thể xuất thương phẩm được. Lão nông Nguyễn Văn Thực cho biết: “Khi mới đưa con dông về nuôi ở địa phương, nhiều người nhìn tôi với con mắt nghi ngại. Nhưng hiện nay nó phát triển tốt thì tôi rất mừng. Đã có nhiều nhà hàng, quán ăn đến đặt mua nhưng tôi chưa dám hứa vì hiện giờ tôi đang nuôi gây giống là chính, nếu xuất thì cũng xuất một ít để giới thiệu sản phẩm thôi”. Theo tìm hiểu của ông Thực thì nhiều nhà hàng, quán ăn ở Đà Lạt đã có món đặc sản dông, nhưng do nguồn hàng cung cấp không ổn định, giá cao nên lúc có lúc không. Nếu như gia đình ông nuôi thành công và có nguồn hàng cung cấp ổn định thì các nhà hàng, quán ăn ở Đà Lạt sẽ đặt mua số lượng lớn. Vì thế, vấn đề đầu ra cho sản phẩm là rất khả quan nên hiện nay ông Thực đang gây giống cho sinh sản để mở rộng mô hình.
Như vậy, với sự nhanh nhạy và mạnh dạn trong việc tìm hướng đi mới trong chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Thực đã đưa con dông từ miền cát ven biển về vùng đất đỏ cao nguyên. Hi vọng con dông tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt tại vùng đất mới Nam Hà, Lâm Hà để mở hướng làm giàu cho gia đình ông Thực cũng như người dân địa phương.