Chuyện Chị Quy Nuôi Gà Làm Giàu

Chị Hà Thị Quy ở thôn Làng Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình nuôi gà với ý định làm giàu chứ không phải là xoá đói nghèo. Chị là giáo viên nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, tiền lương hưu cũng đủ cho chị chi tiêu dùng hàng ngày. Song, có thời gian, còn sức khoẻ, chị quyết định bước vào làm kinh tế ở độ tuổi 55.
“Liệu cơm,gắp mắm”, đất đai ít, lại chỉ có một mình nên chị Quy quyết định chọn “hướng đi’ cho mình là nuôi gà sinh sản lấy trứng. Chị kể, vốn đầu tư ban đầu thì gia đình chị cũng tạm lo đủ, song vốn kiến thức chăn nuôi gà thì chị bắt đầu từ con số không. Ban đầu, để chuẩn bị chăn nuôi, chị đã đi học hỏi tại các trang trại chăn nuôi gà trong vùng, tìm đến cán bộ khuyến nông nhờ tư vấn kỹ thuật. Sau đó chị quyết định đầu tư để nuôi khoảng 400 – 500 gà sinh sản.
Công việc chuẩn bị đã xong xuôi, tháng 3 năm 2009 chị nhập đủ 450 gà giống Ai Cập một ngày tuổi về nuôi. Gà con trong thời kỳ nuôi úm được chị chăm sóc rất tốt, cho ăn đầy đủ, tiêm phòng theo đúng quy trình hướng dẫn. Trong 3 tháng đầu gà khoẻ mạnh, lớn nhanh, chị rất vui vì chỉ còn gần 2 tháng nữa là gà sẽ bắt đầu cho trứng. Nhưng đến tháng tháng thứ 4, không hiểu sao đàn gà cứ gầy yếu dần rồi chết nhiều.
Vắt óc suy nghĩ chị cũng không biết mình sai ở khâu nào? Vệ sinh chuồng trại sạch, tiêm phòng đầy đủ các bệnh vậy mà gà vẫn chết. Mời cán bộ thú y tới chị mới vỡ lẽ ra rằng đàn gà nhà chị bị bệnh marek, một bệnh gần như vô phương cứu chữa, bệnh này được tiêm phòng ngay tại lò ấp, khi gà 1 ngày tuổi, cho nên không có trong quy trình tiêm phòng sau này. Có thể do chị mua gà giống tại cơ sở không đảm bảo, người ta không tiêm phòng hoặc tiêm vắcxin kém chất lượng. Vậy là, công sức, tiền bạc của chị cũng đã đi theo đàn gà, mất trên 20 triệu đồng.
Chị nói, lúc đó chị cũng chán nản, định bỏ cuộc, nhưng mà nghĩ lại thấy rằng, chỉ vì mua phải con giống không tốt mới bị thiệt hại như vậy, phải làm lại! Quay ra, vệ sinh chuồng trại, nghỉ gần 2 tháng chị quyết định nuôi lứa thứ hai. Được cán bộ khuyến nông tư vấn, giới thiệu chị tìm về tận trại giống của viện Chăn nuôi, tìm hiểu và mua về 800 gà Ai Cập lai 3 máu, giống gà được các kỹ sư ở trại giới thiệu là đẻ là rất nhiều.
Lần này, đàn gà đã không phụ công của chị, chỉ sau 4 tháng nuôi với sự gúp đỡ của cán bộ kỹ thuật chị chọn được 650 gà mái đẻ và đến gần 5 tháng đàn gà của chị bắt đầu đẻ bói. Đến hết tháng thứ 5 gà bắt đầu đẻ rộ, với tỷ lệ đẻ trên 80% mỗi ngày chị thu được từ 500 đến 520 trứng. Ngồi hạch toán cho chúng tôi, chị nói: Tiền đầu tư từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, khấu hao chuồng trại, công chăm sóc đến khi gà đẻ mất 100.000 đồng/con, song số tiến này hầu như sẽ thu lại được khi gà đến thời kỳ loại thải bán thịt; hiện nay mỗi ngày chị đầu tư 550.000 đồng tiền cám, thu được trung bình 500 quả trứng bán được 900.000 đồng/ngày; tính ra từ tháng 2/2010 đến nay lứa gà này chị đã thu được lợi nhuận trên gần 50 triệu đồng, dự tính khai thác 6 tháng nữa thì loại thải bán gà cũng sẽ cho chị lợi nhuận trên 45 triệu đồng nữa.
Với quyết tâm làm giàu, nghị lực vượt khó, chịu khó học hỏi và lao động cần cù chị Quy đã thành công. Tuy nhiên trên bước đường cũng đã đã không tránh được vấp ngã, rủi ro, song như điều chị đã nói: Vấn đề là không được nản, phải kiên trì và tự tin thì mới thành công được.
Có thể bạn quan tâm

Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông Tây Bắc, là người có công đầu đưa Sơn La thành vựa ngô của cả miền Bắc.

Nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ tiêu thụ, cho năng suất và giá trị kinh tế cao.

Những ngày tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạng khá dày. Ngư dân vùng biển Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong, Bình Thuận) thu nhập khấm khá từ bắt cá mú con.

Ngoài khu nuôi 15.000 con rắn mối rộng khoảng 100 m2 tại khóm 10, anh Thuyết còn có 5 trại rắn mối ở thị trấn Giá Rai (huyện Giá Rai, Bạc Liêu). Anh cho biết: Mấy năm về trước, trong một lần đi du lịch ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung, tình cờ được thưởng thức món rắn mối ở một nhà hàng sang trọng, tìm hiểu mới biết giá cả quá đắt nhưng nguồn cung thuộc loại khan hiếm nên anh tìm hiểu, học cách nuôi để áp dụng.

Theo thời vụ, khoảng tháng 6 hàng năm mới vào mùa thu hoạch chôm chôm. Thế nhưng, năm nay mới vào đầu tháng 5, nhiều nhà vườn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã tất bật thu hoạch chôm chôm và bán được giá cao.