Tìm Đầu Ra Cho Yến Sào Hội An Ở Quảng Nam
Năm 2012, lần đầu tiên sản phẩm yến sào Hội An bị “đóng băng” khiến ngân sách địa phương bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho loại đặc sản này.
Tín hiệu vui
Chưa bao giờ việc bán yến sào tại Hội An lại được đặt ra “nóng” như hiện nay. “Nóng” vì mặt hàng cao cấp này từ trước đến nay luôn được các đối tác, bạn hàng đặt mua gần như thường xuyên ngay từ đầu kế hoạch mỗi năm và đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, nhưng năm 2012 lại rơi vào tình trạng “đóng băng”. Ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Lần đầu tiên trong “lịch sử bán yến” của Hội An, chưa bao giờ như năm 2012, lượng hàng yến tồn kho tương đương giá trị trên 70 tỷ đồng, cố gắng cũng chỉ bán được số lượng hàng khoản 40 tỷ đồng, gây mất cân đối và ảnh hưởng lớn đến việc điều hành ngân sách của địa phương”.
Vì vậy vấn đề bán yến, giải quyết tồn đọng nguồn thu từ yến liên tục được đặt ra trên bàn nghị sự của lãnh đạo thành phố từ những tháng cuối năm 2012 đến nay. Nhiều phương thức bán sản phẩm đã được tổ chức một cách linh hoạt, nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần tăng thu cho ngân sách thành phố. Địa phương đã nỗ lực không ngừng với nhiều cách tiếp cận thị trường, mở rộng mạng lưới bán buôn, đa dạng hình thức tiêu thu,̣ đã mang lại kết quả bước đầu. Lượng hàng yến sào bán được hơn 3 tháng qua đạt hơn 50 tỷ đồng là con số khả quan và hứa hẹn tín hiệu vui. Trong đó, riêng lượng yến sào bán lẻ thu được khoảng 20 tỷ đồng. Tuy vậy vẫn chưa hết nỗi lo vì kết quả thu được trong thời gian qua cũng chỉ mang tính tạm thời, tình thế. Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Giảng cho rằng, cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực trong tổ chức thực hiện thời gian qua để nhanh chóng tạo lợi thế về sau, đồng thời phải có phương án cụ thể, chi tiết để bảo đảm tính ổn định.
Thay đổi cung cách
Vừa qua, UBND TP.Hội An đã ban hành quyết định phê duyệt phương án phát triển hệ thống bán lẻ yến sào. Mục tiêu từ nay đến năm 2017 sẽ hình thành hệ thống cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng liên kết và đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm yến rộng khắp trên thị trường không chỉ ở Hội An, mà đến cả TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chất lượng, từng bước ứng dụng một số công nghệ trong khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ yến để phục vụ thực khách. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố còn đầu tư xây dựng kho đông lạnh, bảo quản lâu dài nguồn yến sau khi sơ chế; có kế hoạch cụ thể nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu thường xuyên về thị trường để chủ động tổ chức tiêu thụ yến sào theo tiến độ khai thác. Công tác thông tin tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm…
Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của thành phố và xã Tân Hiệp về định hướng phát triển du lịch Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An yêu cầu chú trọng tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu trong và ngoài nước về giá trị dinh dưỡng, chất lượng yến sào Cù Lao Chàm – Hội An bằng nhiều hình thức ấn tượng và hiệu quả.
Ông Sự nhấn mạnh đến đặc trưng nhận diện của yến Cù Lao Chàm, làm nhiều người phải ngỡ ngàng và không thể không lưu tâm. “Về mặt lịch sử, trước đây yến được gói bằng dây ngô đồng của Cù Lao Chàm. Chỉ cần một cái bao lác cột với dây ngô đồng gửi đi là người ta biết đó là yến Hội An. Tại răng bây giờ cây ngô đồng còn đầy mà không làm điều nớ được. Bao bì hồi xưa tuy đơn giản, dân dã nhưng bảo quản được lâu. Ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông khi nhận được hàng xuất qua mà thấy dây ngô đồng cột bên ngoài là biết ngay đó là yến Hội An. Một đặc trưng như vậy, rất riêng như vậy, rất dễ như vậy tại sao lâu nay chúng ta không làm được?” – ông Sự nói.
Lãnh đạo TP.Hội An xác định: bán yến cũng như một số công tác khác như quản lý nhà cửa, đất đai đều cần được suy xét lại và thực hiện đúng quy luật mang tính khách quan của thị trường về cung và cầu, về cạnh tranh, giá cả... Không dùng ý chí chủ quan để áp đặt mà phải nghiên cứu thị trường để áp dụng một cách phù hợp. Trước đây “một người bán, vạn người mua”, bây giờ “vạn người bán, một người mua” nên không thể “quan liêu” mãi mà nhất thiết phải thay đổi cung cách mua bán...
Có thể bạn quan tâm
Phó chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang vừa ký văn bản chỉ đạo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng thanh tra sở kiểm tra, báo cáo về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua con banh lông trên địa bàn tỉnh này.
Việc áp dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) vào chăn nuôi đang đem lại nhiều hiệu quả trong việc giúp nông dân giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chi phí thức ăn, công chăm sóc, giúp lợn tăng trọng nhanh... Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này đang gặp nhiều khó khăn.
Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Nguyễn Thị Xuyến, đội 19, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) tìm ra hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nâng cao thu nhập từ mảnh ruộng của gia đình.
Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Tháp tổ chức triển khai mô hình tiêu chuẩn GlobalGap cá Điêu Hồng. Có 20 hộ dân đang thả nuôi trên 50 lồng bè thuộc Hợp tác xã cá điêu hồng xã Bình Thạnh tham dự.
Thời tiết diễn biến thất thường là nguyên nhân khiến cho hàng loạt đầm nuôi tôm công nghiệp vùng Hoàng Mai, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị chết ngay từ đầu vụ thả. Hàng trăm hộ nuôi tôm ở các địa phương này đang đối mặt với nguy cơ trắng tay do dịch bệnh. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn một cách đồng bộ, dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng...