Cơ Hội Thoát Nghèo Ở Vùng Rốn Lũ
Dự án “Cải tạo điều kiện sống và sức khỏe cho nạn nhân bão Hải Yến tại xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi” (Dự án) do Trung tâm nghiên cứu Hỗ trợ gia đình và Phát triển cộng đồng (CFSCD) vừa chính thức triển khai thực hiện.
Với giải pháp hỗ trợ trâu giống, Dự án đã thực sự mang lại niềm vui cho phụ nữ nghèo vùng rốn lũ, giúp các gia đình này có thêm cơ hội vượt qua mất mát do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống.
Sáng 29.11, 20 con trâu giống, mỗi con trị giá 14 triệu đồng đã được doanh nghiệp chuyên cung ứng giống vật nuôi chở về sân vận động xã Hành Tín Đông theo hợp đồng mua của Ban Giám đốc Dự án. 20 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo đã có mặt từ rất sớm chờ đợi món quà “đầu cơ nghiệp” của Dự án trao tặng.
Chị Huỳnh Thị Nữ, thôn Nhơn Lộc 2, xã Hành Tín Đông bày tỏ: “Cả đêm qua tôi không ngủ được. Trời lại mưa to, chỉ lo bão về, xe không chở trâu về được. Sáng nay dậy thật sớm, lội bộ ra xã, thấy trâu đã về đây rồi!”.
Vợ chồng chị Nữ đều xuất thân từ gia đình nghèo kiệt và thuộc diện “nông dân không ruộng đất”. Chăm chỉ làm lụng nhưng làm thuê thì cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày, chẳng dư giả gì. “Hôm phụ nữ xã triển khai, tôi được xét chọn để nhận trâu giống của dự án, mừng rơi nước mắt. Có con trâu, tôi có cơ hội thoát nghèo rồi” – chị Nữ nói.
Chị La Thị Kim Thư, thôn Đồng Giữa, xã Hành Tín Đông cũng là phụ nữ nghèo được xét chọn nhận trâu hỗ trợ của Dự án. Thế nhưng, chính chồng chị lại là người vui mừng hơn cả chị khi nhận món quà hỗ trợ này. Vợ chồng lấy nhau cả chục năm nay, vào Nam rồi lên Tây Nguyên làm thuê vất vả mà không đủ sống. Nay con cái đến tuổi đi học, anh chị bàn nhau về quê để các con ổn định chỗ ở và học hành.
Về quê lại tiếp tục chuỗi ngày làm thuê kiếm sống. Ước ao có con trâu, con bò nuôi làm vốn mà mãi không thực hiện được. Khi vợ được Dự án xét tặng trâu giống, anh hì hục gánh đất đắp nền, đốn tre làm chuồng. Sáng hôm ấy, hai vợ chồng chị Thư đội mưa đi nhận trâu. Khi vừa được trao tay con trâu giống, chồng chị Thư dắt trâu ra đồng chăn thả trong niềm háo hức...
Trong sáng diễn ra lễ trao tặng trâu giống, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê đã có cuộc trò chuyện ngắn với các chị phụ nữ nghèo được nhận hỗ trợ. Ông Trịnh Bê dặn dò các chị cách chăm sóc, phát huy “món quà quý”, nhưng ông cũng đưa ra điều kiện và yêu cầu phải cam kết trước khi nhận trâu.
“Xã mình còn nhiều hộ nghèo. Khi nhận con trâu này về nuôi, khoảng 4 - 5 năm nữa trâu sinh sản ra nghé, sẽ bàn giao trâu mẹ cho phụ nữ xã để điều tiết hỗ trợ hộ nghèo khác. Cứ thế xoay vòng, nhiều phụ nữ nghèo của xã ta sẽ có cơ hội xóa hết nghèo trong 10 – 15 năm nữa” – ông Trịnh Bê giải thích.
Tất cả 20 phụ nữ nghèo có mặt hôm ấy đều đồng tình với cách làm này của chính quyền. Chị Lương Thị Luận, thôn Nguyên Hòa xác định: “Trâu này cho để mình xóa nghèo. Hết nghèo mình phải có trách nhiệm chia sẻ cho người nghèo khác, để nhiều người cùng được hưởng lợi”.
Bà Lê Thị Thủy – Giám đốc Dự án cho biết: “Đây là dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế thông qua Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh. Mục tiêu là hỗ trợ sau thiên tai, đồng thời góp phần cải thiện điều kiện sống của những gia đình phụ nữ nghèo là nạn nhân của bão lũ bị mất mát nhà cửa, vật nuôi.
Sở dĩ dự án chọn con trâu để hỗ trợ vì trâu có khả năng thích ứng với môi trường sống cao, tạo ra sức kéo, đồng thời có giá trị kinh tế, giúp người nghèo có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống...”.
Trước khi triển khai trao tặng trâu giống cho 20 hội viên phụ nữ nghèo vùng rốn lũ Hành Tín Đông, bà Lê Thị Thủy đã về địa phương, đến từng gia đình nghèo thuộc diện xét hỗ trợ trâu giống chia sẻ kinh nghiệm xóa nghèo, động viên họ cố gắng nắm bắt cơ hội vươn lên...
Tất cả những phụ nữ nghèo được hỗ trợ trâu giống đều được tập huấn kỹ thuật để chủ động chăm sóc khi nhận trâu về. Trâu giống trước khi trao đến tay người dân đã được tiêm phòng bệnh và được nhà cung ứng bảo hành 12 tháng. Quá trình nuôi, người dân được hỗ trợ về thú y tận chuồng. Dự án không chỉ đem trâu đến trao vào tay dân nghèo mà còn đồng hành cùng với họ chăm sóc để trâu sinh trưởng phát triển an toàn, hiệu quả.
Địa hình xã Hành Tín Đông đồi núi, sông suối đan xen phức tạp. Nhiều khu dân cư nằm trong vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt hoặc vùng có nguy cơ sạt lở cao. Xã hiện có gần 1.200 hộ, với trên 4.500 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân ở đây dựa vào nguồn thu nhập chính từ trồng trọt, chăn nuôi.
Năm 2013, thiệt hại do bão lũ gây ra cho nhân dân Hành Tín Đông hàng chục tỷ đồng. Bão lũ cuốn trôi nhiều ngôi nhà, hàng trăm con trâu bò. Đến nay nhiều hộ chưa thể phục hồi kinh tế mặc dù bão lũ đã đi qua hơn một năm.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/co-hoi-thoat-ngheo-o-vung-ron-lu-2357631/
Có thể bạn quan tâm
Dù được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng về chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhưng hiện giờ, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp xem ra vẫn loay hoay tìm lối đi khi bắt tay thực hiện…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Ước tính khối lượng XK cao su tháng 7 đạt 103 nghìn tấn với giá trị 175 triệu USD, nâng tổng lượng cao su XK 7 tháng đầu năm đạt 451 nghìn tấn với giá trị 828 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Đối với người dân, việc giúp nhau thoát nghèo, gây dựng cuộc sống ấm no là một việc làm ý nghĩa. Thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) là thôn đi đầu trong chương trình “cùng giúp nhau thoát nghèo”. Nhờ tinh thần tương trợ đó, số lượng người nghèo của thôn, xã giảm xuống rõ rệt. Đây là những tín hiệu đáng mừng.
Khi được hỏi về thông tin có thể phía Mỹ sẽ nộp đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam (đang được loan đi những ngày qua), ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, nói: “Chúng tôi đang chờ thông tin chính thức từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Nếu việc này xảy ra thì cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Đầu mùa vải năm nay, do quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc xấu đi, có thời điểm xuất khẩu, tiêu thụ vải thiều rất khó khăn. Nhưng không ngờ, chính từ chỗ khó, với những nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, Bắc Giang và Hải Dương đã có một vụ mùa bội thu.